Ma túy trôi dạt trên biển có thể là hình thức giao nhận ma túy mới

16/03/2021 10:23

Các lực lượng chức năng vẫn đang điều tra xác minh các vụ ma tuý trôi dạt trên biển. Theo nhận định, có thể trong quá trình vận chuyển do bị phát hiện nên đối tượng đã vất ma tuý xuống biển, cũng có thể đây là hình thức mua bán giao nhận ma tuý diễn ra trên biển.

Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng phá một chuyên án ma túy lớn

Trước đó, ngày 20/3/2020, ngư dân huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã vớt được và giao nộp cho cơ quan điều tra 20 kg ma túy tổng hợp; trong các ngày cuối năm từ ngày 10-20/12/2020, ngư dân tỉnh Kiên Giang tiêp tục vớt được và giao nộp cho lực lượng chức năng trên 70 kg ma túy trên vùng biển thuộc quần đảo Thổ Châu.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình tội phạm ma túy tuyển biển, Thượng tá Phan Quang Huy, Phụ trách phòng phòng chống ma túy (Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Cảnh sát biển) cho biết, do các lực lượng chức năng đấu tranh mạnh trên đất liền, các tuyến biên giới đường bộ, nên tội phạm ma túy sẽ tập trung vào tuyến biển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, đường hàng không đi các nước bị gián đoạn, đường bộ bị kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống dịch.

Ngoài ra tội phạm ma túy cũng lợi dụng tuyến biển có nhiều lợi thế về vận chuyển, cất giấu, tẩu tán tang vật khi bị phát hiện, điều kiện thời tiết, không gian thời gian tạo nhiều cơ hội cho tội phạm hoạt động trong khi đó lực lượng chức năng lại mỏng. Những điều này dẫn tới tình hình mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến đường biển đang càng trở nên phức tạp, khó lường hơn.

Thống kê cho thấy, trong đợt cao điểm phòng chống tội phạm trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (từ ngày 1/12/2020 đến 28/8/2021), lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức, phối hợp đấu tranh 86 vụ, bắt giữ 107 đối tượng; thu giữ 67,5 bánh, 133,851 gram heroin, 47.208 viên, hơn 24 kg ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng, 14 xe ô tô, 24 xe máy, 62 điện thoại di động và gần 2 tỷ đồng. Toàn lực lượng cũng đã khởi tố 47 vụ với 50 đối tượng.

Vào hồi 06h20’ ngày 23/01, tại khu vực thôn Gò Páo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, tổ công tác của Phòng chống ma túy và Phòng Kĩ thuật nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển đã phối hợp Phòng 3/C04/Bộ Công an bắt quả tang 2 đối tượng đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào về Điện Biên đi các tỉnh để tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm 6.000 viên ma túy tổng hợp, 01 xe ô tô.

Phối hợp mở rộng vụ án, tổ công tác bắt giữ thêm 6 đối tượng; thu giữ 57 bánh heroine, 24.000 viên ma túy tổng hợp, 5 xe ô tô, 1.960.000.000 đồng cùng nhiều tang vật khác có liên quan đến vụ án.

Trước đó, vào hồi 22h00’, ngày 18/01 tại khu vực gần gầm Cầu vượt 70, Đại lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, tổ công tác của Phòng PCTP ma túy và Phòng Kĩ thuật nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển đã phối hợp Phòng 5/C04/Bộ Công an và Công an quận Nam Từ Liêm bắt quả tang 02 đối tượng đang có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy từ tỉnh Sơn La về Hà Nội để tiêu thụ. Tang vật thu giữ gồm 14 kg ma túy tổng hợp (dạng đá), 12.000 viên MTTH, cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Cũng trong cao điểm, toàn lực lượng cảnh sát biển đã tuyên truyền 10 đợt, phát hơn 8.000 tờ rơi tới 5.520 lượt người..

Về hiện tượng ma túy trôi dạt trên biển, Thượng tá Phan Quang Huy cho biết, theo nhận định của lực lượng chức năng, có thể trong quá trình vận chuyển do bị phát hiện nên đối tượng đã vất ma tuý xuống biển, cũng có thể đây là hình thức mua bán giao nhận ma tuý diễn ra trên biển bằng cách neo ma tuý đánh dấu tọa độ để cho đối tượng mua ra trục vớt nhưng do sóng to, bị chân vịt tàu cắt đứt dây neo làm cho ma tuý trôi dạt, hoặc cũng có thể trong quá trình vận chuyển ma tuý phương tiện bị chìm làm cho ma tuý trôi dạt.

Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát biển tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên biển; xây dựng mạng lưới cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm. Phối hợp với các lực lượng chức năng phòng chống tội phạm ma tuý của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân tội phạm cũng như phương thức thủ đoạn, diễn biến thời gian địa điểm mà bọn tội phạm có thể lợi dụng để hoạt động.

Ngoài ra, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách trong công tác phòng chống tội phạm ma tuý. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trong nước trong việc chia sẻ thông tin, xác lập các chuyên án chung cùng nhau đấu tranh. Đồng thời kiểm tra chặt chẽ đối với các tàu thuyền phương tiện thường xuyên qua lại khu vực trọng điểm, điểm nóng về ma tuý trong khu vực và thế giới....

Top