Ma tuý và HIV khiến trẻ em thành trụ cột gia đình

13/02/2014 14:00

Nghèo đói, lạc hậu, cùng cực... đó là những từ thường được dùng để miêu tả Lương Sơn, một quận thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, nơi đông người dân tộc Di sinh sống. Nạn ma túy và bệnh dịch HIV lan truyền ở những người trưởng thành trong vùng đã khiến trẻ em nơi đây trở thành trụ cột của gia đình.

Cuối năm 2013, hàng chục em nhỏ đã được giải cứu trong một chiến dịch của cảnh sát nhằm triệt phá nạn lao động trẻ em tại một nhà máy ở Thâm Quyến. Ngay sau đó, các em được đưa trở lại nhà của mình ở Lương Sơn.

Ở các nhà máy, trẻ em phải làm việc như nô lệ, 12 giờ mỗi ngày và phải trả thêm tiền cho những người môi giới. Tuy nhiên, khi được giải cứu, nhiều em tỏ ý không muốn về nhà.

Lao động trẻ em ở Lương Sơn

Một bé gái kể với phóng viên: “Cháu có thể ăn cơm và thịt ở đây, ở nhà cháu chỉ có khoai tây và ngô. Cháu không muốn về nhà”. Vì “nhà” của em là một trong những khu vực nghèo nhất trong toàn tỉnh cũng như trong cả nước.

Tại Lương Sơn, giao thông và cơ sở hạ tầng chưa phát triển, thu nhập bình quân hàng năm theo đầu người của nông dân chỉ từ 2.000 đến 3.000 tệ (300-500 USD), bằng xấp xỉ số tiền mà những lao động trẻ em này kiếm được trong một tháng. Thậm chí những người làm cha mẹ còn thấy rằng việc ra ngoài đi làm không phải là điều xấu – bọn trẻ có thể thu được kinh nghiệm, kiếm tiền và được ăn thịt. Ngay cả với 12 tiếng làm việc mỗi ngày thì chúng vẫn có một cuộc sống tốt hơn nhiều so với ở nhà.

Ở với gia đình, trẻ nhỏ ở Lương Sơn vẫn không được nghỉ ngơi. Các em thường phải làm những công việc nặng nhọc để giúp đỡ cha mẹ.

Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là nạn ma túy và bệnh dịch HIV lan truyền ở những người trưởng thành trong vùng.

Bốn đứa trẻ chụp ảnh bên cạnh ảnh của bố mình, người đã chết vì chích hút ma túy

Zeriha, 67 tuổi, phải chăm sóc 8 đứa cháu cả nội lẫn ngoại do hai con trai và một con gái ông để lại. Ba người con này đã chết vì AIDS và chích hút ma túy.

Với chỉ 600 tệ (99 USD) tiền trợ cấp của chính phủ trong một năm, ông Zeriha ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy các cháu của mình.

"Tôi đang tính đến việc cho một số đứa lớn ra ngoài làm việc, để chúng có cái ăn và giúp đỡ cả nhà", ông Zeriha cho biết.

 

Top