Mặc áo in hình lá cần sa có bị phạt?
Với giá giao động từ 85 - 300 nghìn đồng/chiếc, áo 3D lá cần sa đang là “mốt” từ đầu năm đến nay, với sự quảng cáo ồ ạt của các trang mạng bán hàng online. Không khó để bắt gặp những chiếc áo thun kiểu ấy xuất hiện trên đường phố tại các thành phố trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng…
![]() |
Một trang mạng bán áo in hình lá cần sa |
Chiếc áo lá cần thực chất là một chiếc áo phông dạng unisex, form Châu Âu, hoạ tiết lá cần sa in 3D bắt mắt. Áo có xuất xứ từ Thái Lan, hay Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều thanh thiếu niên khi mặc áo đó không biết hình ảnh trên áo là lá cần sa, họ thấy đẹp thấy lạ thì mặc nên đã vô tình quảng bá cho một loại cây gây nghiện. Một số khác có thể biết đó là lá cần sa, một loại ma tuý nhưng vẫn mặc vì thích phá cách nhưng lại thiếu ý thức.
Mới du nhập vào Việt Nam, như thực ra trào lưu mặc áo lá cần đã xuất hiện ở Mỹ và một số nước cách đây hai năm. Trong đó có một số ca sĩ, ngôi sao nổi tiếng như Rihana đã từng mặc áo có in hình cần sa. Tuy nhiên những nhân vật này cũng phải chịu những chỉ trích gay gắt từ dư luận.
Vừa qua, một số trang mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc xử phạt hành vi buôn bán và sử dụng các sản phẩm thời trang có in hình cây cần sa, theo quy định của pháp luật đối với Hành vi vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ quảng cáo, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trước hết phải khẳng định cần sa là mặt hàng bị pháp luật cấm buôn bán, sử dụng vì vậy việc sản xuất sản phẩm thời trang có hình lá cần sa để quảng cáo hoặc sử dụng sản phẩm thời trang có in hình lá cần sa với mục đích quảng cáo sẽ bị cấm và bị xử phạt.
Điều 50: Vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định:
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo thuốc lá;
b) Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên;
c) Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo;
d) Quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc;
đ) Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.
2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định;
b) Quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục;
c) Quảng cáo súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
Tuy nhiên, nếu việc sản xuất sản phẩm thời trang như quần áo in lá cần sa không nhằm mục đích quảng cáo, người sử dụng sản phẩm này không có động cơ quảng cáo cho lá cần sa thì không bị xử phạt.
Do đó, cơ quan chức năng phải chứng minh được việc sản xuất, hoặc mặc trang phục đó là nhằm mục đích quảng cáo, quảng bá cho một sản phẩm, dịch vụ bị cấm thì mới có căn cứ để xử phạt. Tuy nhiên, việc chứng minh này là rất khó khăn.
Đôi khi người sử dụng sản phẩm in lá cần sa chỉ với mục đích làm đẹp và người bán cũng chỉ là vô tình bán những mặt hàng đắt khách vì lợi nhuận, nhưng cũng không loại trừ họ cố tình, in ra những mẫu đó để cố tình, thông qua việc mua bán nhằm phát tán hình ảnh đó đến giới trẻ và rộng ra cả xã hội.
Theo ông Vũ Xuân Thành, ở một góc độ nào đó, dù vô tình hay cố ý thì cũng là hình thức tuyên truyền cho hình ảnh của chất cấm, có nguy cơ tiềm ẩn lớn, có thể tạo cho giới trẻ quan tâm đến loại chất cấm này. Nếu chúng ta không ngăn chặn, cứ để các sản phẩm in hình lá cần sa phát tán rộng rãi, thoải mái ngoài xã hội thì tất yếu là dần dần sẽ tác động đến nhận thức của giới trẻ. Do đó, các cơ quan liên quan cần điều tra khảo sát, đề xuất giải pháp, kịp thời ngăn chặn tình trạng này để không ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của giới trẻ. Báo chí cũng cần tuyên truyền để định hướng cho giới trẻ về việc sử dụng các sản phẩm, vật dụng thời trang, thị hiếu của mình mà không ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ, lối sống lành mạnh.
Cây cần sa có tên khoa học là Cannabis - Satina L. Nó còn có tên khác là: Cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hỏa ma, cây bồ đà. Cần sa là một loại ma túy có độc tính và gây nghiện rất cao, tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra những ảo giác rất nguy hiểm, không làm chủ được hành vi. Do cần sa có tính kích thích mạnh, lúc sử dụng thì làm cho con người không có cảm giác đau đớn, mơ mộng hảo huyền nhưng khi hết tác dụng bản thân trở nên yếu ớt, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, suy dinh dưỡng,… Theo quy định của Chính phủ thì cần sa là chất ma túy rất độc hại và nó được xếp vào danh mục I là danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền (Theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ). |