Mái ấm tình thương của những mảnh đời lầm lỡ
HIV/AIDS là căn bệnh hiện chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị mà chỉ có thuốc kháng virus nhằm tăng sức đề kháng cho người nhiễm bệnh. Vì thế, nhiều người vẫn cho rằng, đã mang bệnh nặng là mang “án tử”.
Cán bộ BĐBP Hà Tĩnh hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ Tình thương trồng cây ăn quả
Bảo kê hàng lậu, vận chuyển, mua bán, sử dụng ma túy, phá núi chặt rừng... hầu như ở đâu có sự vụ, ở đó đều có mặt những tay “anh chị” có máu mặt ở thôn Khe Năm, (xã Sơn Kim 1) nơi từng nổi tiếng là tụ điểm tệ nạn trên địa bàn huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh). Chị Trương Thị Thảo, xã Sơn Kim 1 chia sẻ: "Trước đây, biết thôn Khe Năm là tụ điểm của ma túy, nên ai đến đây cũng sợ". Còn ông Nguyễn Phi Khanh, ở thôn Khe Năm cho biết: "Hầu như không ai dám đến địa bàn này, vì họ có tính kì thị, sợ bị nhiễm HIV, nhiều người dân ở đây muốn bỏ làng ra đi".
Những con người một thời đã từng là giang hồ miền biên viễn, những người đã rất khó khăn giằng xé với những cơn nghiện vật vã và cả những người có H, giờ đây đã vượt qua tháng ngày trớ trêu, trở thành người có ích cho xã hội.
Thượng tá Phan Duy Vỵ, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết: "Cuối năm 2010, CLB Tình thương được thành lập. Lúc đầu có 24 thành viên, đến nay, đã có 48 thành viên. Hoạt động chủ yếu của CLB là thăm hỏi, vận động thành viên, các đối tượng nghiện hút trên địa bàn đi cai nghiện và tự cai tại nhà; tuyên truyền hoạt động văn hóa văn nghệ phòng chống tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; cho hội viên vay vốn làm kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Giờ đây, Khe Năm là thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Một vùng biên từng là điểm nóng về tệ nạn ma túy và phức tạp về an ninh trật tự đã không còn nữa".
Trong căn nhà được BĐBP trao tặng, anh Phạm Quang Minh rộn rã nói cười, bởi có các chú bộ đội đến thăm. Biết tôi e ngại khi nhắc về quá khứ đau buồn của mình, anh Minh liền kể, 21 tuổi, anh bị nghiện, đến 26 tuổi, “dính” HIV. Sau những giằng xé, vật lộn vì đói thuốc; sau sự khổ đau và sụp đổ khi biết trong mình có H..., giờ đây, gần 40 tuổi, Minh dứt bỏ được hình ảnh của chính mình thời trai trẻ. Cái tên “Minh Đề” khét tiếng một thuở cũng đã lùi vào quá vãng. Hiện tại, anh được giao nhận khoanh nuôi, bảo vệ gần 4ha rừng nguyên sinh với tài sản trên cả tỉ đồng. Anh đã có ngôi nhà cho riêng mình. Không những thế, anh còn là chỗ dựa cho rất nhiều mảnh đời lầm lỡ. Anh khâu nối, kiếm việc làm, tạo thu nhập, để chính họ thấy mình không là người thừa trong xã hội.
45 tuổi đời, anh Hoàng Anh Tuấn, ở xóm Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1 vẫn chưa lập gia đình. Năm 25 tuổi, anh đã biết thế nào là ma túy, thuốc phiện với những cuộc ăn chơi đua đòi cùng đám bạn hư hỏng ở vùng biên. Cuộc đời của anh cứ thế tuột dốc cùng cơn nghiện ma túy và thuốc phiện. Đến một ngày cuối năm 2010, anh “bén duyên” CLB Tình thương do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phối hợp chính quyền địa phương sáng lập thì nẻo đường hoàn lương của anh bước sang trang mới.
Anh Tuấn tâm sự: “Tôi từng bị người đời xa lánh, tránh mặt. Tôi đã từng nghĩ sẽ chấm dứt cuộc đời bằng một cái chết, nhưng các chiến sĩ Biên phòng vận động gia nhập CLB, rồi hướng dẫn cho cách vay vốn chăn nuôi, trồng trọt thì tôi như được sinh ra thêm một lần nữa. 7 giờ sáng hàng ngày, tôi đều đặn với chu trình đi uống thuốc Methadone thay thế. Mỗi tháng kiên trì với thuốc kháng vi-rút ARV. Thời gian còn lại, tôi chăn nuôi lợn, chim bồ câu, trồng cây ăn quả..”. Nói rồi anh nở nụ cười hạnh phúc với sự mãn nguyện bên thành quả lao động của chính mình. Một Hoàng Tuấn dân anh chị xưa..., giờ đây đã không còn nữa. Ngày ngày, anh cần mẫn bên trang trại chăn nuôi của gia đình. 7 năm qua, anh còn là một đồng đẳng viên, tuyên truyền viên tích cực trên các xã vùng biên của huyện Hương Sơn.
Tôi được chứng kiến một buổi sinh hoạt CLB Tình thương của xã tại thôn Khe 5 với không khí ấm áp, đầy sự sẻ chia. Đã 7 năm qua, kể từ ngày thành lập, những hoạt động này vẫn luôn được duy trì thường xuyên. Người nghiện, người có H, lãnh đạo thôn, cán bộ Biên phòng và bà con quanh vùng luôn chan hòa, cởi mở, mọi khoảng cách bị xóa nhòa. Trong nhiều buổi tuyên truyền lưu động, chính các thành viên CLB lại hóa thân thành các nhân vật, những nhân chứng sống, cảnh tỉnh cho thế hệ trẻ. Với sự giúp đỡ của BĐBP tỉnh, những con người lầm lỡ, sa cơ trước đây được tập hợp lại, cùng hỗ trợ, nâng đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm, vượt lên chính mình. Anh Hoàng Văn Thân, một thành viên CLB chia sẻ: “Đến đây như một gia đình. Có nhiều người, nhiều hoàn cảnh éo le mà bây giờ vượt lên được hoàn cảnh, yên tâm làm lại cuộc đời”.
Họ đều là thành viên đội bốc dỡ hàng hóa tại cửa khẩu, hưởng lợi từ ngân hàng bò, được tạo điều kiện làm nhà ở, giao đất, giao rừng... những cuộc đời tưởng đã bỏ đi, nay mầm sống lại được hồi sinh. Họ có việc làm, có thể tự nuôi sống chính mình bằng sức lao động, phát triển kinh tế chăn nuôi, vườn đồi. Và hơn hết, gần 10 năm qua, tại xã Sơn Kim không có người tái nghiện, không có thêm nạn nhân bị lây nhiễm HIV; trật tự được đảm bảo. Quan trọng hơn, chính các thành viên CLB lại trở thành “tai mắt” cho chính quyền địa phương và BĐBP trong quá trình giữ vững an ninh trật tự tại tuyến biên giới.