Mại dâm biến tướng theo 'hợp đồng' thuê người yêu, tour du lịch
(Chinhphu.vn) - Mại dâm biến tướng theo "hợp đồng", "nhận con nuôi, bố nuôi" (sugar baby, sugar dady), đường dây "gái gọi" diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, với nhiều hình thức như núp dưới danh nghĩa thuê người yêu, tour du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm...
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), thời gian qua, tình hình tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất và phương thức hoạt động tinh vi, kín đáo.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, hiện nay trên cả nước ước tính có khoảng 16.000 người bán dâm (bao gồm số người được các cơ quan chức năng thống kê qua xử phạt hành chính, hỗ trợ xã hội,…). Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn rất nhiều do tính di biến động, phức tạp, trá hình của hoạt động mại dâm.
Tình trạng mại dâm trá hình "núp bóng" trong cơ sở kinh doanh dịch vụ vẫn tiếp diễn, nhất là ở các khu du lịch, nghỉ dưỡng; ở một số địa phương vẫn còn tình trạng nhân viên nữ múa thoát y khiêu dâm, kích dục…; có sự đan xen giữa tổ chức mại dâm và sử dụng trái phép các chất ma túy gây dư luận xấu, phức tạp về an ninh trật tự; người nước ngoài lợi dụng đầu tư kinh doanh nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam để hoạt động mại dâm.
Mại dâm biến tướng theo "hợp đồng", "nhận con nuôi, bố nuôi" (sugar baby, sugar dady), đường dây "gái gọi" diễn ra tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, với nhiều hình thức như núp dưới danh nghĩa thuê người yêu, tour du lịch để tổ chức hoạt động mại dâm...
Hình thức hoạt động mại dâm khá phổ biến là qua các thiết bị công nghệ, trang web đen, các hội nhóm kín trên trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Twitter, Viber, WhatsApp, Instagram, Tiktok, Threads, Bingo Live… để quảng cáo, chào mời khách mua dâm, đăng tin về người bán dâm; hoặc qua đối tượng chủ chứa hoặc lợi dụng sự nổi tiếng của bản thân trên mạng xã hội, sử dụng biệt danh, tài khoản ảo để hoạt động môi giới mại dâm.
Khách mua dâm là người quen, thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng; sử dụng, thuê phòng tại các khu chung cư được lắp đặt hệ thống camera giám sát để chứa chấp hoạt động mua bán dâm, sử dụng ma túy gây khó khăn cho việc phát hiện, triệt phá, xử lý của các cơ quan chức năng.
Tình hình hoạt động mại dâm, mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục trên các tuyến biên giới, vùng biển vẫn diễn ra, thủ đoạn tinh vi, hình thức tổ chức nhỏ lẻ, chủ yếu ở các khu vực có hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ vui chơi, giải trí và thường có liên quan đến địa bàn tiếp giáp với Việt Nam (trọng điểm là khu vực biên giới tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; vùng biển các tỉnh thành phố Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau...).
Các đối tượng trong nội địa câu kết chặt chẽ với đối tượng ở khu vực biên giới hình thành đường dây, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ dưới hình thức môi giới lao động, môi giới hôn nhân, tạo việc làm mức lương cao sau đó ép buộc bán dâm, tổ chức bán dâm cho khách mua dâm ở khu vực biên giới.
Đối tượng bán dâm là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế chưa phát triển; đường dây mại dâm "gái gọi hạng sang", có sự tham gia của một số người mẫu, hoa khôi, hot girl, diễn viên, học sinh, sinh viên, mại dâm nam, mại dâm đồng tính nam, xuất cảnh ra nước ngoài bán dâm... ; đường dây dụ dỗ, lôi kéo vị trẻ thành niên vào hoạt động mại dâm. Cùng với đó, các đối tượng mua, bán dâm không chỉ có người Việt Nam mà có cả người nước ngoài.
Năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện 3.340 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm vi phạm (tăng 1,04 lần so với năm 2023).
Hiện trên địa bàn cả nước vẫn còn tồn tại 136 tụ điểm, địa bàn có hoạt động mại dâm khu vực công cộng, tuy nhiên, không có tụ điểm nóng, phức tạp, gây bức xức dư luận.
Phòng ngừa, giảm thiểu tệ nạn mại dâm
Giai đoạn 2021-2025, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu trình Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH ngày 5/9/2022 về Kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng, chống mại dâm hằng năm, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngành dọc triển khai công tác phòng, chống mại dâm theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chú trọng tăng cường triển khai lồng ghép phòng, chống mại dâm với phòng, chống tội phạm, ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các chương trình khác.
Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành ở địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.
Trên cơ sở tổng kết 20 năm thi hành pháp luật về phòng, chống mại dâm, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 1907/QĐ-BLĐTBXH, trong đó dự kiến trong giai đoạn 2028-2030 sẽ trình Quốc hội Dự án Luật về Phòng, chống mại dâm.
Hiện tại, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã tiến hành phối hợp với các Bộ, ngành tập trung rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật và xã hội liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật (đề xuất dự án Luật phòng, chống mại dâm) phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm được giao là cơ quan chủ trì, thường trực về công tác phòng, chống mại dâm của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia; nghiên cứu đề xuất kiện toàn, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quy chế hoạt động của các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành về thực hiện công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.
Bên cạnh đó, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tăng cường các hoạt động phòng ngừa, triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; thực hiện tổng kết, đánh giá hiệu quả các mô hình thí điểm về hình thành mạng lưới cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Tổng kết, đánh giá Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, đề xuất xây dựng Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2026-2030, định hướng đến năm 2040...
Thu Hà