Mại dâm nhìn từ lý thuyết xã hội học

16/03/2012 14:04

Mại dâm là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm mà nhiều nhà xã hội học đã nghiên cứu một cách nghiêm túc mại dâm được phân tích theo các lý thuyết xã hội học cơ bản sau:

 

Mại dâm tồn tại với chức năng duy trì xã hội như một thể thống nhất.

 Thuyết chức năng: Nhà lý thuyết chức năng Kingsley Davis (1932 - 1976) lập luận rằng, sở dĩ mại dâm tồn tại được vì nó có một số chức năng góp phần vào việc duy trì xã hội như một thể thống nhất.

Theo ông thì cả đàn ông và đàn bà đều có lý do chính đáng để được quan hệ tình dục. Xét về góc độ coi mại dâm là một nghề thì nghề này có một số ưu thế: quan hệ ít tẻ nhạt hơn so với những mối quan hệ đồng điệu và mang lại thu nhập cao hơn so với nhiều công việc khác như dọn dẹp công sở, công nhân dây chuyền, buôn bán vặt…

 Mặt khác, từ mại dâm có thể tạo ra những cơ hội để có được mối quan hệ với những người đàn ông có địa vị cao trong xã hội.

Từ góc độ của khách “làng chơi”, mại dâm tạo cơ hội thuận lợi cho việc quan hệ tình dục. Đối với những người đàn ông luôn phải xa nhà, xa vợ thì nữ mại dâm là sự thay thế tiện lợi cho bạn tình thường xuyên của họ. Đối với những người đàn ông có sở thích tình dục đặc biệt thì nữ mại dâm sẽ đáp ứng được mọi yêu cầu của họ trong khi những người phụ nữ khác không thể làm được điều đó. Những người đàn ông già, xấu xí hoặc cô đơn có thể sử dụng nữ mại dâm như một cách duy nhất để thỏa mãn tình dục theo ý muốn (có thể quan hệ được cả với những phụ nữ trẻ, đẹp…).

Điều quan trọng nhất là dịch vụ mại dâm không kéo theo sự phức tạp về trách nhiệm hay những ràng buộc về tình cảm. Do đó, mại dâm là một chức năng vì nó đáp ứng được nhu cầu của nam giới về những đòi hỏi tình dục khác nhau mà không làm xói mòn hệ thống gia đình như các mối quan hệ tình cảm thực sự ngoài hôn nhân.

Thuyết xung đột: Trong khi đó các lý thuyết gia theo phái xung đột đã phê phán quan điểm của phái lập luận theo thuyết chức năng. Họ cho rằng, quan điểm của phái chức năng là điển hình của sự thiếu chặt chẽ, bởi nếu mại dâm tồn tại để phục vụ nhu cầu tình dục thì tại sao đàn ông lại không sẵn sàng bán dâm cho phụ nữ? Cũng theo lập luận của các nhà lý thuyết xung đột thì mại dâm phản ánh quan hệ quyền lực trong xã hội vì mại dâm chỉ đem lại lợi ích cho đàn ông (ma cô và khách làng chơi) bằng tiền của những phụ nữ mại dâm bị bóc lột. Mại dâm có thể “tiện lợi” cho đàn ông, nhưng hậu quả lâu dài đối với những phụ nữ phải phục vụ những người đàn ông cô đơn, kỳ quái và xấu xí thì sao?

Phụ nữ làm nghề mại dâm không chỉ bị mất mát tuổi trẻ, sắc đẹp mà còn đầy nguy hiểm, ô nhục.

 Theo thuyết xung đột thì đa số nữ mại dâm có học vấn rất thấp và xuất thân từ tầng lớp lao động, nhiều người trong số họ đã phải trải qua những tổn thương về thể xác và tinh thần, thậm chí là bị xâm hại tình dục khi còn thơ ấu. Những phụ nữ này bước vào nghề mại dâm không những chỉ bị mất mát tuổi trẻ, sắc đẹp mà còn đầy hiểm nguy, ô nhục và thậm chí là phạm pháp. Khi cảnh sát truy quét các cơ sở mại dâm thì nữ mại dâm lại là những người bị bắt mà không phải là khách làng chơi khả kính của họ.

Như vậy, mại dâm đã thể chế hóa xu hướng coi phụ nữ là đối tượng  tình dục, điều này phản ánh trong một quy mô nhỏ của xã hội sự bất bình đẳng về kinh tế và quyền lực giữa hai giới tính (Chapman and Gates, 1978; Jame 1978; Dworkin, 1981).

Thuyết tương tác: Không giống như quan điểm của những người theo thuyết chức năng và thuyết xung đột, các nhà lý thuyết phái tương tác ít chú ý đến khung cảnh xã hội rộng lớn mà tập trung vào mối quan hệ thông thường của con người, có nghĩa là những người tham gia vào mối quan hệ đó tương tác như thế nào và họ hiểu hành vi của bản thân họ ra sao.

Mại dâm là quan hệ tình dục tự nguyện ưng thuận của người trưởng thành với nhau.

 Một trong những trọng tâm nghiên cứu của  các nhà tương tác học là sự tái xã hội hóa đối với những người mới vào nghề mại dâm: Từ bọn ma cô và từ những gái mại dâm khác, họ sẽ học được các nghệ thuật khác nhau để hành nghề như: làm thế nào để gạ gẫm được khách hàng ở những nơi công cộng, làm sao để biết được cảnh sát mặc thường phục, làm thế nào để đối phó với những khách hàng khó tính và làm thế nào để phục vụ khách hàng trong thời gian ngắn nhất mà lại kiếm được nhiều tiền nhất… Đồng thời họ cũng làm quen với một tập hợp các giá trị mới giúp họ duy trì lòng tự tôn như: học để coi khinh khách hàng của mình, học để đối xử với những người phụ nữ không hành nghề mại dâm trong sự khinh bỉ như những người bán dâm trá hình, để coi xã hội là đạo đức giả và xác định hoạt động mại dâm của họ là một hành vi có giá trị… (Bryant, 1965; N. Davis, 1971 và Heyl, 1977).

Khó chống mại dâm, vì sao?

Ba trường phái có vẻ như mâu thuẫn với nhau, nhưng thực chất chúng lại bổ sung cho nhau trong một mức độ nào đó, vì mỗi trường phái chú trọng vào một khía cạnh của hiện thực.

Cách tiếp cận theo thuyết chức năng đưa ra lập luận rằng mại dâm có thể đáp ứng một nhu cầu nhất định của xã hội, thuyết xung đột cho thấy một thể chế ưu đãi của một nhóm người trên cơ sở thiệt thòi của một nhóm người khác và thuyết tương tác đã đưa ra động thái của mối tương tác xã hội thường nhật.

Ba cách tiếp cận này đã đưa ra một cách nhìn toàn diện đối với vấn đề mại dâm hơn bất cứ một lý thuyết riêng rẽ nào.

Mại dâm không dễ để xóa bỏ.

Tại sao qua bao thế kỷ và trải qua bao nhiêu nỗ lực triệt xóa mà mại dâm vẫn tồn tại? Một phân tích xã hội học chỉ ra rằng, nhiều nước trên thế giới đã hợp pháp hóa mại dâm với lập luận rằng mại dâm là một tội phạm không có nạn nhân. Vì nó liên quan đến các quan hệ riêng tư của những người trưởng thành tự nguyện ưng thuận quan hệ tình dục với nhau.

Quan điểm này bị phản đối mạnh mẽ ở Hoa Kỳ với lập luận rằng điều đó có thể khuyến khích sử dụng dịch vụ mại dâm nhiều hơn, từ đó làm xói mòn đạo đức xã hội.

Theo Kingsley Davis, mại dâm không thể bị xóa bỏ hoàn toàn trong một xã hội khắt khe với tình dục vì nó chính là hậu quả của sự khắt khe đó. Theo các nghiên cứu của Ford và Beach về các nền văn hóa sơ khai cho thấy, trong các xã hội tự do hơn thì mại dâm rất hiếm. Bởi mọi người trong xã hội đó có nhiều cơ hội để quan hệ hợp pháp ngoài hôn nhân. Cũng theo Davis, thì mại dâm chỉ có thể bị xóa bỏ hoàn toàn trong các xã hội hoàn toàn tự do về các mối quan hệ tình dục khi đó phải tạo điều kiện dễ dàng cho tất cả mọi người. Một xã hội như vậy chắc sẽ không bao giờ tồn tại. Bởi tự do hoàn toàn cho tình dục có nghĩa là sự sụp đổ của hệ thống gia đình. Tuy nhiên, xã hội càng khắt khe về tình dục thì động lực tìm đến mại dâm của những người đàn ông độc thân và những người không thỏa mãn với tình dục trong cuộc sống vợ chồng lại càng lớn.

Ngoài ra, mại dâm còn mang yếu tố kinh tế nên rất khó xóa bỏ. Các cuộc truy quét của cảnh sát chỉ có thể tạm thời làm giảm số lượng gái mại dâm, nhưng nhu cầu đối với dịch vụ mại dâm sẽ không thay đổi. Kết quả của việc truy quét quyết liệt lại là sự tăng vọt về giá cả trong việc mua bán dâm, khiến cho hoạt động này lại thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia với nhiều lý do khác nhau.

}
Top