'Mái nhà chung' của bộ đội biên phòng giúp người nghiện trở về nẻo thiện
Người dân ở vùng biên giới Cửa khẩu Cầu Treo ngày ấy đều lo lắng, sợ hãi, bất an khi sống ở 'điểm nóng' về ma túy, số người nghiện, nhiễm HIV tăng nhanh. Câu lạc bộ Tình thương của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) ra đời đã nhanh chóng giúp những người lầm lỡ trở về với cộng đồng.
Hành trình gập ghềnh trở về nẻo thiện
Thượng tá Võ Văn Minh, Chính trị viên Đồn Biên Phòng Cửa Khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) cho biết: Giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2010, xã Kim Sơn I, huyện Hương Sơn được xem là "điểm nóng" về tệ nạn ma túy và HIV. Vì vậy, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) tình thương từ tháng 6/2010. Đến nay, CLB được xem là mái nhà chung cho 42 thành viên không may lầm lỡ tham gia sinh hoạt, hầu hết họ đã trở về với nẻo thiện làm ăn chân chính, gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Một buổi sinh hoạt thường kỳ hàng tháng của CLB có đủ các thành viên và người thân trong gia đình các thành viên tham gia
Một thành viên tích cực của CLB là anh Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1975), ở thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim 1, đã cai nghiện thành công, sức khỏe ổn định, nhưng vẫn ngại ngần, lẩn tránh chia sẻ với người lạ. Anh bảo, mỗi khi nhắc lại chuyện đã qua, anh vẫn cảm thấy áy náy, ân hận về những lầm lỡ trong quá khứ.
Ngày ấy, thanh niên lớn lên ở nơi này đều dựa vào khai thác rừng, rồi bán gỗ lấy tiền. Có tiền nên hầu hết thanh niên bắt đầu buông thả, anh Thanh bị bạn bè lôi kéo sa vào con đường nghiện ngập (năm 2001).
Ngồi bên hiên nhà, chị Nguyễn Thị Sửu, vợ anh Thanh, đang cho cháu nội nhỏ uống bình sữa, nhớ lại: Hồi mới lấy anh Thanh, tôi thấy anh là người đàn ông của gia đình, thương yêu và giúp đỡ vợ con rất nhiều. Vậy mà không biết từ khi nào anh bị nghiện ma túy. Tính khí anh thay đổi, mỗi khi không có đủ tiền mua ma túy là anh cáu bẳn, quát tháo vợ con khiến tôi nhiều phen khiếp đảm… Mái ấm hạnh phúc của vợ chồng chị Sửu bỗng chốc chao đảo, hàng xóm xung quanh đều xa lánh vì sợ gặp phải người nghiện, họ không cho con cháu đến chơi ở gần nhà anh Thanh.
Sau khi được chính quyền giáo dục, vận động cai nghiện tại nhà, cùng sự giúp đỡ của gia đình, anh Thanh đã cắt được cơn nghiện 2 năm. Tuy nhiên, sau đó anh tiếp tục bị bạn bè lôi kéo, quay lại con đường nghiện ma túy.
Lúc này, do không còn nguồn thu nhập khi rừng đã bị Nhà nước cấm khai thác. Không có tiền, Thanh mua hồng phiến bán lẻ, lấy lời để có tiền mua ma túy. Đúng lúc này, Thanh bị bắt với án 3 năm tù giam. Ngay khi mãn hạn tù, Thanh trở về nhà và được bộ đội biên phòng đến động viên anh tham gia CLB Tình thương, nơi dành cho những người cùng cảnh ngộ như anh.
Sự ân cần, gần gũi, thương yêu của bộ đội biên phòng và tình cảm của các thành viên trong CLB đã giúp anh Thanh sớm đoạn tuyệt với quá khứ đen tối, trở về với cộng đồng.
Rơi nước mắt khi chứng kiến người nhà được yêu thương
Người lính biên phòng có 26 năm gắn bó với địa bàn, Trung tá Phan Văn Thông (sinh năm 1971), Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh đã gắn bó với CLB từ ngày đầu thành lập.
Trung tá Thông hồ hởi kể: "Hồi đầu, khi được giao nhiệm vụ trên địa bàn nóng về tệ nạn ma túy, cả đội chúng tôi lăn lộn ở cơ sở để rà soát các đối tượng. Khó khăn nhất của chúng tôi là tiếp cận các đối tượng. Họ không muốn gặp biên phòng, sợ chúng tôi đến lấy hồ sơ sẽ bắt đi trại, nên họ luôn lẩn trốn. Qua nhiều lần, bằng phương pháp tuyên truyền vận động "mưa dầm thấm lâu", đến 1 lần không gặp thì chúng tôi đến nhiều lần. Mỗi lần đến nhà các đối tượng, qua người lớn tuổi của gia đình, người có uy tín trong dòng họ, chúng tôi thân tình chuyện trò và nói rõ bộ đội biên phòng chỉ làm tốt công tác phòng chống ma túy, chứ không đến bắt ai đi đâu cả. Dần dần các đối tượng đã chịu ra gặp chúng tôi".
Trung tá Phan Văn Thông, Đội vận động quần chúng, Đồn BP Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (ngồi đầu bên trái) cùng đồng đội đến thăm, động viên một gia đình thành viên của CLB
Trung tá Thông cho biết: "Rất may anh Thanh chỉ là một người nghiện có án tù, nhưng không bị nhiễm HIV, nên sau vài lần chúng tôi đến nhà động viên, anh đã đồng ý tham gia CLB Tình thương, và rất tích cực tham gia các hoạt động sau này của CLB".
Theo Trung tá Thông, ban đầu CLB có 15 thành viên, song những ngày đầu CLB hoạt động rất khó khăn. Người dân xa lánh, bản thân các thành viên còn nhiều mặc cảm. Do đó, Ban chủ nhiệm Đồn đã vận động các cấp ủy, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Bí thư chi bộ, công an viên cùng vào CLB chia sẻ, sinh hoạt cùng 15 thành viên nghiện này. Sự gần gũi, gắn bó từ các đoàn thể địa phương đã giúp các thành viên CLB yên tâm, tự hứa sẽ hoàn lương bằng cả tấm lòng. Đến nay, CLB có 42 thành viên, trong đó, có 12 người nhiễm HIV và 4 đối tượng nghiện, 5 đối tượng có gia đình khó khăn, bố mẹ, anh chị của người nghiện đã chết vào CLB để sinh hoạt, chia sẻ.
CLB cùng với các đoàn thể tham gia sinh hoạt đều đặn vào ngày 16 hàng tháng, chị Trịnh Thị Trà My, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết: Mỗi lần đến sinh hoạt cùng CLB, ngoài những nội dung thiết thực mà Ban chủ nhiệm CLB mang đến cho các thành viên, tôi thấy đây cũng là dịp để mọi người cùng chia sẻ lẫn nhau mọi thành công, khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống gia đình, để mọi người cùng giúp nhau tiến bộ.
"Với 9 năm tham gia sinh hoạt cùng CLB, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là vào ngày 28/6/2019, lần đầu tiên Ban chủ nhiệm CLB cùng các đoàn thể địa phương tổ chức bữa cơm gia đình ấm áp, có sự tham dự của cả người thân các thành viên. Trong bữa cơm hôm ấy, lẫn trong nụ cười còn có những giọt nước mắt hạnh phúc rơi không kìm nén từ người thân các thành viên CLB. Bởi họ không ngờ rằng, người thân của họ tưởng như đã bị xã hội vứt bỏ, nay tìm được về nẻo thiện, lại được yêu thương, đầm ấm, sẻ chia trong "Mái nhà chung" của CLB như thế", chị Trà My kể.
Tấm gương vượt bóng tối ra ánh sáng của anh Thanh cùng nhiều thành viên trong CLB có hoàn cảnh khó khăn đã biết vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc khiến nhiều người nể phục. Con cái họ thi đua học hành chăm chỉ, có gia đình các con có thành tích học tập tốt của huyện, của trường như gia đình anh Bình - chị Loan; gia đình anh Hoàn - chị Thương; gia đình chị Thương thôn Kim Cương 1, gia đình anh Chiến, anh Xuân...
Trung tá Thông cho biết: Để tiếp tục giúp đỡ các thành viên trong CLB ổn định cuộc sống, Ban chủ nhiệm CLB kêu gọi, vận động, thông qua Ban chỉ huy Đồn, Bộ Tư lệnh Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn giúp đỡ được số tiền 300 triệu đồng. Số tiền này chúng tôi mua 13 con bò ở độ tuổi sinh sản, sau đó giao bò lại thành viên trong CLB chăm sóc. Khi bò mẹ sinh ra con bê đến 6 tháng tuổi, Ban chủ nhiệm thu bò mẹ lại, giao cho thành viên khác nuôi. Cứ thế xoay vòng đến nay đã nhân đàn bò của CLB lên 62 con bò con, giao tặng hẳn cho thành viên trong CLB nuôi. Nhờ đó, các mô hình hỗ trợ kinh tế cho người nghiện đến nay rất hiệu quả.
Biên giới Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo những ngày này se sắt vì những đợt gió đông ùa về, nhưng trong lòng mỗi người dân ở vùng biên giới nơi này lại ấm áp lạ thường, bởi họ không còn quá lo lắng với tệ nạn xã hội. Cũng không còn những người nghiện, người nhiễm HIV từng bị cả làng xa lánh. Tất cả chỉ còn sự che chở, đùm bọc, yêu thương của bộ đội biên phòng dành cho mỗi người dân nơi biên giới miền Trung xa xôi này.