Massage kích dục: Vì sao bị phạt nhiều lần vẫn ngang nhiên hoạt động?

21/08/2020 15:16

Mặc dù bị cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nhiều lần nhưng tiệm massage Điêu Thuyền tại TPHCM vẫn ngang nhiên hoạt động và cho tiếp viên kích dục cho khách.

Ngày 21/8, Báo Người lao động cho hay, Công an quận Tân Bình, TPHCM đang củng cố hồ sơ để xử lý hành chính đối với chủ tiệm massage Điêu Thuyền (đường Đồng Đen, quận Tân Bình) vì nhiều vi phạm và cho tiếp viên kích dục cho khách.

Bảng giá tại tiệm massage Điêu Thuyền

Đáng nói, dù tiệm massage Điêu Thuyền vi phạm liên tục nhiều lần nhưng theo cơ quan chức năng không thể yêu cầu tạm ngưng hoạt động vì chế tài quy định về hành vi mua bán, kích dục chưa cụ thể. Sau những lần xử lý vi phạm, tiệm massage này dùng chiêu sang tên, đổi chủ rồi tiếp tục hoạt động.

Ngoài ra, chủ tiệm và quản lý cơ sở này khi được mời lên làm việc đều cho rằng tiếp viên tự ý kích dục cho khách để kiếm thêm tiền "bo".

Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 20/8, lực lượng Công an quận Tân Bình phối hợp với Công an phường 14 kiểm tra hành chính tiệm massage Điêu Thuyền, phát hiện khoảng 10 tiếp viên nữ ăn mặc "mát mẻ" đang ngồi đợi khách. Tại Tại phòng VIP1 và VIP2, công an bắt quả tang 2 nữ tiếp viên khỏa thân đang kích dục cho khách.

Công an quận Tân Bình cho hay cơ sở massage Điêu Thuyền từng bị kiểm tra 5 lần và đều phát hiện tiếp viên kích dục cho khách. Tháng 7 vừa qua, qua kiểm tra hành chính, lực lượng chức năng còn phát hiện tiệm này có gói massage "vua" lên đến 13 triệu đồng.

Việc tiệm massage Điêu Thuyền và nhiều cơ sở khác ngang nhiên hoạt động mặc dù nhiều lần phát hiện vi phạm cho thấy những bất cập trong các quy định hiện nay.

Điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ có quy định xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh chứ không có quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục. Điều này gây khó khăn trong công tác xử phạt những hành vi biến tướng mại dâm.

Cũng theo Điều 25 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mại dâm sẽ bị phạt tiền. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt 15-20 triệu đồng nếu người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua bán dâm.

Cơ sở kinh doanh sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng khi có hành vi sử dụng việc mua bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.

Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh 6-12 tháng nếu doanh nghiệp lợi dụng kinh doanh, dịch vụ cho phép nhân viên massage kích dục cho khách hàng nhằm mục đích giao cấu.

Trong trường hợp nhân viên massage kích dục cho khách nhưng không nhằm mục đích giao cấu thì doanh nghiệp bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung mới quy định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý; hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh.

Có thể thấy, trong trường hợp nặng nhất là có để xảy ra hoạt động mại dâm, chủ doanh nghiệp chỉ bị tước giấy phép, sau đó hoàn toàn có thể làm lại giấy phép và hoạt động trở lại. Luật Doanh nghiệp năm 2014 không quy định cấm cấp mới hoặc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ có vi phạm về tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Do vậy, khi kiểm tra xử lý, doanh nghiệp vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền, mà lại tiến hành đăng ký sửa đổi tên doanh nghiệp, đổi chủ khác hoặc thành lập doanh nghiệp khác tại chính nơi vi phạm để tiếp tục kinh doanh.

Cơ quan đăng ký kinh doanh không có cơ sở từ chối cấp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký thành lập pháp nhân mới tại chính địa chỉ có doanh nghiệp vi phạm theo đề nghị của các sở, ngành quản lý chuyên ngành và của UBND các cấp.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp vi phạm về tệ nạn xã hội (ma túy, cờ bạc, mại dâm) bị bắt quả tang, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm nhưng không thu hồi được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do không thuộc các trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội sau đăng ký thành lập.

Cụ thể, chưa có quy định chế tài đối với trường hợp một số doanh nghiệp cố tình né tránh hoặc không hợp tác, không tiếp đoàn kiểm tra, không cử người đại diện có thẩm quyền tiếp đoàn kiểm tra, không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan công tác kiểm tra.

Thậm chí, doanh nghiệp có hành vi đối phó với đoàn kiểm tra như tạm ngưng kinh doanh vào ngày kiểm tra do việc kiểm tra hành chính theo kế hoạch phải thông báo trước cho doanh nghiệp biết.

Có thể thấy, trước lợi nhuận của loại hình kinh doanh nhạy cảm này, các cơ sở massage có muôn vàn cách để lách luật để dù bị phạt cũng có thể hoạt động trở lại. Thiết nghĩ, cần có chế tài mạnh hơn nữa mới mong có thể dẹp yên loại hình massage biến tướng này.

}
Top