May mắn khó tin của người đàn ông nhiễm HIV
Khác với một số bệnh nhân có HIV luôn canh cánh trong mình sự mặc cảm, tự ti, không dám công khai tình trạng bệnh thì anh Thăng lại khá mạnh dạn khi nói về hành trình bị nhiễm HIV của mình và nghị lực vượt lên số phận để làm người có ích cho cộng đồng.
Được tiếp thêm nghị lực sống khi gia đình không quay lưng
Tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ của Phòng khám ngoại trú thuộc Bệnh viện Đa khoa thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là người đàn ông với dáng vẻ nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Nếu không được cán bộ của phòng khám giới thiệu trước thì chúng tôi không thể biết đó là người đang mang trong mình căn bệnh AIDS.
Người đàn ông đó tên là Vũ Nhật Thăng, 41 tuổi. Trước khi gặp anh Thăng, chúng tôi đã nghĩ đến cảnh người đàn ông này sẽ e dè và ngại nói chuyện với người lạ. Nhưng khi tiếp xúc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách nói chuyện cởi mở, thậm chí khá cuốn hút của anh. Theo một bác sĩ tại Phòng khám, sự lạc quan đó không chỉ giúp anh Thăng vượt qua căn bệnh thế kỷ mà còn tiếp sức cho rất nhiều hoàn cảnh khác đang điều trị tại đây.
Khác với những bệnh nhân có HIV luôn canh cánh trong mình sự mặc cảm, tự ti, không dám công khai tình trạng bệnh thì anh Thăng lại khá mạnh dạn khi nói về hành trình nhiễm HIV của mình. Anh kể, đó là những ngày mùa thu năm 2003, khoảng thời gian đó, bỗng nhiên anh cảm thấy sức khỏe mình suy kiệt, luôn mệt mỏi trong người. Ban đầu, anh Thăng chỉ nghĩ mình bị ốm bình thường nên không đi khám. Nhưng những tháng ngày sau đó, sức khỏe của anh ngày càng yếu đi, người gầy và xanh xao. Lần này, anh quyết định đến Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS tỉnh Hải Dương để khám và bàng hoàng khi các bác sĩ ở đây thông báo anh bị dương tính với HIV.
Không tin đó là sự thật, người đàn ông này tiếp tục đi xét nghiệm ở nhiều nơi khác, nhưng kết quả vẫn vậy. Một cảm giác hụt hẫng, suy sụp, đau đớn và lo lắng, anh âm thầm chịu đựng, nằm bệt một chỗ không chịu uống thuốc, không dám nói cho gia đình biết. Nhớ lại chuỗi ngày làm việc xa nhà nhiều năm trước, đôi lần theo bạn bè sa ngã vào chốn ăn chơi “không an toàn”, anh Thăng mới bừng tỉnh biết rằng đó chính là lý do đưa mình đến căn bệnh thế kỷ này.
Nhắc lại khoảng thời gian vừa phát hiện ra căn bệnh quái ác, người đàn ông này kể: “Những ngày đó, cuộc sống của tôi không khác gì địa ngục, tôi chán nản không làm bất cứ việc gì. Khi ấy, tôi thật sự hối tiếc vì mình đang bước vào độ tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, vợ con chưa có, bố mẹ già yếu chưa báo đáp được gì thì đã mang trong mình căn bệnh chết người. Sau khoảng hai tháng giấu bệnh, tôi quyết định nói cho gia đình biết. Khi nghe tin, bố mẹ tôi vô cùng sốc. Mẹ tôi ốm liệt giường mấy tuần liền. Lúc đó, tôi chỉ ước nếu có phép màu để thời gian quay trở lại, tôi sẽ là một đứa con ngoan, sẽ tu chí làm ăn”.
Cũng theo anh Thăng, anh may mắn khi gia đình không quay lưng lại, đặc biệt là mẹ anh. Bà luôn động viên, an ủi, ở bên cạnh con để chống chọi với bệnh tật. “Mẹ tôi chính là người khuyên tôi đi điều trị tại Phòng khám ngoại trú , Bệnh viện Đa khoa thị xã chí Linh, nếu không có mẹ ở bên động viên thì chắc chắn tôi đã từ bỏ rồi, vì lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết”, anh Thăng xúc động khi nói về mẹ.
Hạnh phúc vì vợ con không nhiễm HIV
Nói về vợ, anh Thăng rất hào hứng. Theo anh, vợ mình chính là người phụ nữ tuyệt vời nhất vì đã chấp nhận lấy một người mang trong mình căn bệnh như anh. Anh kể, cách đây mấy năm, khi đó anh vừa điều trị ARV tại Phòng khám vừa đi làm xe ôm thì tình cờ gặp chị. Anh yêu chị từ cái nhìn đầu tiên nhưng không dám thổ lộ vì tự ti. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định không giấu lòng mình nữa. Anh gặp chị và nói ra tình cảm của mình, anh cũng không ngần ngại tâm sự thật về căn bệnh mình trong mang trong người.
“Tôi không nghĩ là mình sẽ nhận được cái gật đầu của cô ấy, khi đó cảm giác của tôi vui sướng lắm. Tuy nhiên, cũng có một rào cản từ phía gia đình cô ấy, ban đầu cả gia đình không ai chấp nhận một đứa con rể bị HIV như tôi cả. Nhưng vợ tôi vẫn cố gắng thuyết phục bố mẹ rằng, bây giờ căn bệnh của tôi có nhiều thuốc để chữa trị và vẫn có thể sinh con bình thường mà không bị lây nhiễm. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng tôi cũng nhận được cái gật đầu của bố mẹ cô ấy. Chúng tôi lên xe hoa trong sự vui mừng của gia đình hai bên và càng hạnh phúc hơn khi chúng tôi sinh đứa con trai đầu lòng. Sau khi sinh, tôi đưa vợ con đi xét nghiệm thì cả hai đều không bị nhiễm HIV”, anh Thăng rưng rưng trong niềm hạnh phúc.
Hàng ngày, anh Thăng chạy xe ôm, còn vợ thì đi làm công ty giày da, thu nhập của hai vợ chồng khoảng hơn 7 triệu đồng/tháng. Số tiền này đủ cho anh trang trải tiền chữa bệnh và lo cho chi phí sinh hoạt gia đình. Thời gian rảnh rỗi, anh còn tích cực tham gia hoạt động xã hội cùng các các thành viên trong nhóm đi tuyên truyền, hỗ trợ những người có HIV, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, xóa tan khoảng cách, hòa nhập cộng đồng. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Thăng tâm sự: "Tôi rất biết ơn vợ. Chính vợ là người khiến tôi được sống lại, chiến thắng bệnh tật. Thực sự, sau cú vấp ngã đó tôi mới cảm nhận được hạnh phúc đích thực của cuộc đời. Điều mong muốn lớn nhất đối với tôi lúc này là sự bình yên trong cuộc sống của vợ và con trai”.