Mexico sắp mở ra thị trường cần sa lớn nhất thế giới
Hạ viện Mexico thông qua dự luật nhằm hợp pháp hóa việc sản xuất và buôn bán cần sa với mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế và giảm thiểu tỷ lệ tội phạm ma túy trong nước.
Dự luật được thông qua tại Hạ viện Mexico vào tối 10/3 với tỷ lệ 316 phiếu thuận và 129 phiếu chống. Nó sẽ mở đường cho việc hợp pháp hóa sử dụng và trồng cây cần sa trên cả nước, theo bài viết của New York Times.
Dự luật sẽ trải qua quá trình bổ sung, sửa đổi với sự thông qua của Thượng viện Mexico trước khi được Tổng thống Andrés Manuel López Obrador ký thành luật.
Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ủng hộ hợp pháp hóa cần sa. Ảnh: Getty
Dự luật này theo sau phán quyết của Tòa Tối cao Mexico vào năm 2018 cho phép người dân sử dụng cần sa với mục đích thư giãn.
Theo John Walsh, giám đốc về chính sách ma túy của của Washington Office on Latin America (một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực xã hội ở Mỹ Latin), đây là “một hành động hết sức táo bạo” của chính phủ Mexico, đặc biệt khi quốc gia này đã phải chịu những thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến giữa chính phủ và các băng đảng buôn bán ma túy nhiều năm nay.
Dự luật gây chia rẽ
Với 120 triệu dân, dự luật này có thể biến Mexico thành thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất trên thế giới cho đến hiện tại.
Dự luật sẽ cho phép người dân và các doanh nghiệp buôn bán cần sa được nhà nước cấp giấy phép trồng và chế biến cần sa. Đồng thời cũng cho phép người dân mang theo và trồng một số lượng cây cần sa nhất định với mục đích sử dụng.
Dự luật cũng cho phép nông dân nhỏ lẻ được phép trồng cần sa. Điều này sẽ giúp cải thiện đời sống của nhiều nông dân nghèo tại Mexico.
Đối với những người ủng hộ dự luật này, đây được xem như là bước khởi đầu nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do tệ nạn ma túy gây ra trong nhiều năm qua.
Đây cũng là đòn bẩy cần thiết cho nền kinh tế Mexico đang chịu ảnh hưởng nặng nề những tác động của đại dịch Covid-19, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 192.000 người tại quốc gia này, theo số liệu của Đại học John Hopkins.
Trong khi dự luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hạ viện Mexico và nhiều khả năng sẽ được thông qua tại Thượng viện, đã xuất hiện nhiều tranh cãi từ một số chính trị gia và các tổ chức chính trị xã hội tại Mexico về hiệu quả mà dự luật này có thể mang lại.
Theo Thượng nghị sĩ đảng đối lập Damián Zepeda Vidales, một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất tại Thượng viện Mexico, dự luật này chỉ là một hành động phô trương của đảng Morena cầm quyền, áp đặt những ý chí của đảng này lên xã hội Mexico.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia an ninh lại nghi ngờ việc dự luật có thể giảm thiểu tình trạng bạo lực. Họ cho rằng với việc cần sa đã được hợp pháp hóa tại 15 bang của Mỹ, các băng đảng ma túy ở Mexico thực tế đã giảm sản lượng cần sa và không còn phụ thuộc vào nguồn thu đến từ sản phẩm này.
Binh sĩ Mexico phá hủy một trang trại trồng cần sa trái phép. Ảnh: New York Times
Cùng với đó cũng xuất hiện những mối lo ngại chính phủ sẽ không đủ khả năng kiểm soát việc trồng cần sa như đã đề cập tới trong dự luật. Hiện nay những khu vực trồng cần sa lớn nhất Mexico đều nằm trong vùng hoạt động của các tổ chức buôn bán ma túy lớn. Lực lượng thực thi pháp luật bị thiếu hụt nghiêm trọng tại những khu vực này.
Vấn nạn ma túy tại Mexico
Mexico hiện là nơi sản xuất và điểm trung chuyển các chất ma túy chính đến thị trường béo bở là Mỹ. Đất nước này là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ nạn buôn bán các chất cấm này.
Mexico cũng là nơi tập trung của nhiều tổ chức buôn bán ma túy khét tiếng nhất trên thế giới. Tiêu biểu như Sinaloa, tổ chức buôn bán ma túy lớn nhất tại Mexico với người đứng đầu là ông trùm Joaquin Guzman, còn được biết tới với biệt danh El Chapo. Hiện El Chapo đang bị giam giữ tại Mỹ sau khi hai lần trốn thoát khỏi các nhà tù an ninh tối đa tại Mexico.
Tội phạm có tổ chức tại Mexico, đặc biệt là các tổ chức buôn bán ma túy còn nhận được sự tiếp tay của nhiều chính trị gia và quan chức chính phủ. Trong số đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mexico Salvador Cienfuegos Zepeda, người vừa bị bắt vào tháng 10/2020 với các cáo buộc tham nhũng.
Theo viện nghiên cứu Council on Foreign Relations, từ năm 2006 tới nay, đã có hơn 150.000 người chết do hoạt động của các tổ chức buôn bán ma túy tại Mexico, biến nơi đây thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất tại khu vực Mỹ Latin.