Miền Trung: Người nhiễm HIV phần lớn là lao động tự do
(Chinhphu.vn) - Tính từ ngày 1/1/2021 đến kỳ báo cáo là ngày 12/11/2021, khu vực miền Trung ghi nhận 529 trường hợp nhiễm HIV trong đó nam giới phát hiện được 442 trường hợp, nữ giới 87 trường hợp. So với những năm trước thì phát hiện nhiễm HIV so với cùng kỳ đã giảm; nguyên nhân do các đợt giãn cách xã hội tại các địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã làm giảm phát hiện nhiễm HIV ở các tỉnh khu vực miền Trung.
Thực trạng nhiễm HIV theo giới và giám sát phát hiện theo tháng, năm 2021. Nguồn HIVInfo: Giám sát phát hiện nhiễm HIV
Các trường hợp nhiễm chủ yếu được phát hiện 6 tháng đầu năm 2021, đây là giai đoạn khu vực miền Trung chưa bùng phát dịch, không thực hiện giãn cách xã hội do đó đã không ảnh hưởng tới hoạt động giám sát phát hiện tại các tỉnh trong khu vực.
Độ tuổi trung bình nam giới (30,5 tuổi) và nữ giới (33,9 tuổi), một số địa phương cũng ghi nhận những trường hợp nhiễm HIV ngoài 50 tuổi, đặc biệt có 1 trường hợp ở Quảng Bình đã ngoài 60 tuổi, 1 trường hợp ở Quảng Ngãi 69 tuổi. Phần lớn nam giới được phát hiện tại các tỉnh có độ tuổi trung vị thấp hơn đường trung vị chung của khu vực (29 tuổi), con số này đã và đang cho chúng ta cảnh báo về lứa tuổi được phát hiện nhiễm ngày càng trẻ. Trong khi đó nữ giới được phát hiện nhiễm có trung vị (33 tuổi) lớn hơn nam giới.
Khánh Hòa là tỉnh phát hiện nhiễm HIV nhiều nhất chiếm 27,4% cả khu vực, tiếp đến là Bình Thuận (15,5%), Đà Nẵng (14,2%), Bình Định (13,8%), các tỉnh còn lại có tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV dưới 10% trên tổng số nhiễm HIV phát hiện của khu vực trong kỳ báo cáo. Lưu ý tại tỉnh Bình Thuận với tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV là 18,4% nhưng độ tuổi trung bình được phát hiện là 35 tuổi.
Phần lớn các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở cả 2 giới là những đối tượng lao động tự do (nam: 184 trường hợp, nữ: 42 trường hợp), thất nghiệp. Đây là 2 nhóm nghề nghiệp rất khó quản lý và theo dõi bởi đặc điểm sinh hoạt cũng như tính chất di biến của nhóm.
Báo động ở nhóm học sinh - sinh viên đã phát hiện nhiễm HIV 35 trường hợp ở nam giới; đây là vấn đề cần phải được quan tâm và tìm hiểu kỹ để kịp thời có các chương trình tư vấn can thiệp dự phóng sớm. Kết hợp với các chương trình sức khỏe học đường để giảm thiểu nguy cơ nhiễm HIV trong nhóm học sinh - sinh viên.
Phân bố nghề nghiệp theo giới tính, năm 2021. Nguồn HIVInfo: Giám sát phát hiện nhiễm HIV
Một tỷ lệ được phát hiện trong nhóm là công nhân, người làm nông nghiệp chiếm 12,3% cũng cảnh báo cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt là cần phải có những chương trình can thiệp dự phòng thường xuyên tại những khu công nghiệp lớn có nhiều lực lượng lao động.
Đối tượng nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) được phát hiện nhiễm HIV trong kỳ báo cáo với tỷ lệ cao nhất (35,2%), trong đó một số tỉnh có tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM rất cao: Khánh Hòa (59,3%), Thừa Thiên Huế (58,8%), Ninh Thuận (57,1%). Đây là một cảnh báo tiếp cho cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vẫn đang là nhóm khách hàng được quan tâm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS do sự gia tăng nhanh chóng cả tỷ lệ hiện nhiễm HIV cũng như tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này. Tuy nhiên muốn can thiệp phòng, chống HIV/AIDS cho nhóm này thì điều quan trọng cần tiếp cận được với cộng đồng MSM.
Mặc dù xã hội hiện nay đã có nhiều cởi mở hơn với cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới nhưng vì các lý do văn hóa, sự kỳ thị và phân biệt đối xử… nên đây vẫn là nhóm quần thể ẩn, khó tiếp cận nhất là khi chúng ta muốn tiếp cận để cung cấp cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Tỷ lệ phát hiện trong nhóm tình dục khác giới chiếm 27,65 trong tổng số nhiễm HIV trong kỳ báo cáo. Bình Định là tỉnh có tỷ lệ phát hiện cao nhất trong các nhóm đối tượng được phát hiện trong tỉnh (50,7%), Đà Nẵng (42,7%), Thừa Thiên Huế (38,2%), Bình Thuận (37,8%).
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định, năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tỷ lệ phát hiện nhiễm HIV qua giám sát phát hiện giảm nhưng đây không phải là tín hiệu tốt cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Qua khảo sát đã cho thấy lây nhiễm HIV qua đường tình dục hiện chiếm đa số. Đáng lo ngại là lây nhiễm trong nhóm thanh thiếu niên gia tăng, đặc biệt là trong nhóm MSM. Dịch HIV vẫn đang lưu hành và đã dịch chuyển sang nhóm MSM và cần phải có những giải pháp thích hợp để có thể tiếp cận được cộng đồng MSM.
Thời gian qua, hệ thống giám sát phát hiện nhiễm HIV ngày càng được củng cố từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang thí điểm mở rộng kế hoạch xét nghiệm mới nhiễm HIV phục vụ giám sát dịch và đáp ứng y tế công cộng giai đoạn 2020 - 2024. Mô hình cung cấp Test kít xét nghiệm HIV thông qua website “tuxetnghiem.vn” được triển khai đã có được những tín hiệu tích cực trong việc tiếp cận sớm xét nghiệm mà không mất thời gian cũng như tính bí mật cao. Mô hình tự xét nghiệm kết hợp với giám sát phát hiện sẽ cung cấp nhiều thông tin về tình hình dịch từ đó kịp thời đưa ra kế hoạch đáp ứng phù hợp.
Về giải pháp, các chuyên gia y tế cho rằng cần tiếp tục xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch COVID-19 để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó nhanh chóng mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát Methadone nhiều ngày; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt cần tăng cường truyền thông nguy cơ trong nhóm học sinh - sinh viên trong nhà trường học để giảm nguy cơ nhiễm HIV.