Mở lòng để xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

28/04/2020 14:48

Giang rộng vòng tay lan tỏa sự cảm thông và chia sẻ nỗi đau của những người không may mắn, giúp họ hòa nhập vào cộng đồng, có cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa chính là thông điệp quan trọng mà tỉnh Yên Bái đang truyền tải đến cộng đồng, nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

 Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV - Ảnh: TT KSBT Yên Bái

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, lũy tích số người nhiễm HIV của Yên Bái là 5.892 người. Trong đó, lũy tích tử vong là 1.586 người, số người còn sống hiện quản lý được là 2.249 người. Con đường lây truyền của người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đường tình dục chiếm 46,15%, đường máu 25,64%, từ mẹ sang con 3,85% và 24,36 % khác. Tỷ lệ nhiễm HIV/dân số là 0,52%. 

Các hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế cũng được quan tâm thực hiện.

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Yên Bái đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó, chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp hướng đến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao (người nghiện chích ma túy, người bán dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ)... Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tổ chức nói chuyện chuyên đề, hội thảo; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt, tập trung xóa bỏ tình trạng phân biệt, đối xử kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn. Đa số những người nhiễm HIV đều có hoàn cảnh khó khăn, do thiếu hiểu biết về kiến thức phòng tránh nên họ đây lây nhiễm loại virus gây ra căn bệnh thế kỷ này.

Anh T.K.L ở xã Vân Hội, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Ngày xưa cũng vì gia đình hoàn cảnh khó khăn, tôi không được học hành tử tế mà từ sớm đã phải đi làm thuê xa nhà. Vì ham vui cùng bạn bè không có kiến thức, hiểu biết nên quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến bị lây nhiễm HIV. Nhiều người bạn, hàng xóm thân thiết gần nhà tôi ngày xưa còn hay đến nhà chơi uống chén nước, ăn bữa cơm, nhưng từ khi biết tôi bị mắc căn bệnh này, mọi người đều xa lánh không dám tiếp xúc gần”. 

Anh L luôn mong muốn mọi người xung quanh có thể cảm thông và hiểu cho anh về những sai lầm trong quá khứ để giúp anh sống có ý nghĩa hơn.

Tâm sự về cuộc đời cơ cực của mình, chị H.T.N ở xã Giới Phiên, một nạn nhân của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS kể lại trong nước mắt: "Tôi và các con bị lây nhiễm HIV từ chồng. Vài năm trước, chồng tôi đã mất, bỏ lại 2 mẹ con sống lay lắt, cơ cực. Tôi luôn mong con mình có cuộc sống tốt đẹp, được mọi người yêu quý, giúp đỡ, tuy nhiên, do bị HIV nên con tôi luôn bị mọi người xa lánh. Mỗi lần vô tình ghé thăm lớp học của con, tôi đau xót khi thấy cháu ngồi lủi thủi một góc lớp, cúi gằm mặt với ánh mắt buồn. Những lần con bị bạn bè dè bỉu, trêu chọc, tôi chỉ biết động viên con phải mạnh mẽ, dũng cảm và nghị lực để tiếp tục sống”.

Cuộc sống mưu sinh của người nhiễm HIV gặp vô vàn khó khăn, với họ gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn là một nỗi lo thường trực, bởi lẽ, người nhiễm HIV thường khó được nhận vào làm việc, tham gia lao động sản xuất cùng cộng đồng. Nhưng thật may mắn, anh T.T.H ở xã Tân Thịnh được tất cả mọi người xung quanh giúp đỡ khi biết anh mắc căn bệnh thế kỷ và nhận được nhiều lời động viên từ bạn bè giúp anh có ý chí và mục tiêu để tiếp tục sống. Với nghề thợ xây, anh cũng đã kiếm được khoản tiền tiết kiệm, xây được căn nhà nhỏ để ổn định cuộc sống gia đình. 

Anh H phấn khởi: "Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì xung quanh vẫn còn rất nhiều người tốt luôn giúp đỡ, động viên mình phải sống có chí hướng phấn đấu nỗ lực vươn lên quên mặc cảm”.

Có thể thấy, những người nhiễm H luôn mang tâm lý mặc cảm, tự ty, lo sợ không dám tiếp xúc với cộng đồng, giấu bệnh, không hợp tác với Chương trình phòng chống HIV/AIDS. Từ đó, dẫn đến những khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; làm tăng nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Người nhiễm HIV dù vô tình mắc bệnh hay do lầm lỗi của chính bản thân họ cũng cần được đối xử công bằng, đặc biệt là trẻ em. Bởi các em hoàn toàn không có tội mà phải chịu nhiều thiệt thòi nên rất cần sự cảm thông và sẻ chia từ những người xung quanh. 

Anh Hoàng Xuân Trường, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và Phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, Trung tâm Y tế TP Yên Bái cho biết: "Để bảo đảm quyền lợi, giúp người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng và điều trị thuốc ARV, chúng tôi tích cực tuyên truyền các khẩu hiệu không phân biệt đối xử, kỳ thị với người mắc HIV/AIDS, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS… mong rằng tất cả mọi người trong chúng ta hiểu và cảm thông cho những người nhiễm HIV mà không kỳ thị, xa lánh họ”.
Top