Mở ra cách tiếp cận nhân văn hơn với người sử dụng ma túy, người bán dâm

13/02/2021 11:46

Giai đoạn 2016-2020, với những kết quả đạt được trong phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, mại dâm, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, mở ra những cách tiếp cận mới đối với nhóm người sử dụng ma túy, người bán dâm theo hướng nhân văn hơn, giúp đỡ họ từng bước giảm lệ thuộc, tiến tới từ bỏ ma túy, mại dâm bằng những giải pháp căn cơ, lâu dài để họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội.

Học viên tại một cơ sở cai nghiện chuẩn bị gian hàng Tết. Ảnh Nhật Thy

Những kết quả tích cực trong phòng, chống tệ nạn xã hội

Với những biện pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, từ năm 2016 đến nay, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã đạt được những kết quả rất tích cực trong phòng, chống tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm. Cụ thể, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì nghiên cứu, xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hiện nay, Nghị định đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ và chuẩn bị lấy ý kiến tham gia các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định. Trong đó, đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan, hữu quan và kết quả khảo sát đối với người sử dụng ma túy, người bán dâm và đề xuất bổ sung hành vi và tăng mức phạt hành chính đối với các hành vi liên quan đến ma túy, mại dâm.

Đồng thời, để giải quyết tình hình tại các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy (tuyến Sơn La - Hòa Bình - Thanh Hóa; tuyến Vinh-Nghệ An, tuyến Lào Cai - Lai Châu), Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã thành lập các Đoàn công tác trực tiếp tổ chức các buổi quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân về phòng, chống tội phạm ma túy tại địa bàn 30 xã, thị trấn. Cử nhiều lượt lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ tham dự hội nghị, hội thảo về phòng, chống ma túy ma túy, mại dâm do các cơ quan, tổ chức để nắm tình hình, thực trạng và đề ra nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH.

Phối hợp với Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và xã hội; Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho gần 7.100 cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH kiến thức về phòng chống ma túy, mại dâm; các can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Từ đó, mở ra cách tiếp cận mới đối với người bán dâm từ một khía cạnh khác, khoa học, toàn diện hơn. Làm chuyển biến nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, chiến sỹ trong nhìn nhận người nghiện ma túy, bán dâm, người chuyển giới là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trước các tác động của đời sống xã hội để hỗ trợ họ tham gia các chương trình giảm hại, dịch vụ y tế, giấy tờ tùy thân…, giúp đỡ họ hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, Cục QLHC về TTXH xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát tình trạng giấy tờ tùy thân của 1.000 người thuộc cộng đồng những người yếu thế, dễ bị tổn thương (người nghiện ma túy, người bán dâm, người chuyển giới…) tại địa bàn TPHCM và Hải Phòng; từ đó, tập trung phân tích, đánh giá, nắm tình hình thực trạng việc thiếu giấy tờ tùy thân của nhóm người này, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp cấp căn cước công dân để họ có điều kiện chi trả khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và thực hiện các giao dịch dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại các địa phương, chỉ tính riêng trong năm 2020, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã kiểm tra 60.736 lượt cơ sở, phát hiện 11.181 vụ vi phạm; xử phạt hành chính 9.860 trường hợp với số tiền 38,1 tỷ đồng; thu hồi có thời hạn 296 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Đáng chú ý, đã phối hợp các lực lượng liên quan khởi tố 219 vụ, 265 đối tượng, trong đó có nhiều vụ liên quan đến các tụ điểm về ma túy, mại dâm. Quản lý, giáo dục 102.039 đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật, trong đó nhiều người có liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm. Phối hợp, giúp đỡ 231.756 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, 28.348 người giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 14.418 người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trực tiếp lập lập 2.484 hồ sơ đưa đối tượng vào giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 779 hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, Lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ lập kế hoạch tổ chức triệt xóa ngay các điểm, tụ điểm, khu vực có tệ nạn ma túy, mại dâm hoạt động, nhất là các điểm hoạt động công khai, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh những kết quả, công tác phòng, chống ma túy, mại dâm của lực lượng Cảnh sát QLHC vè TTXH còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế. Tệ nạn ma túy, mại dâm tiếp tục diễn biến phức tạp, triệt để lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, quán bar, vũ trường, karaoke, massage... để hoạt động. Ngày càng có nhiều người sử dụng và nghiện ma túy. Ma túy đã len lỏi đến các khu dân cư, khu vực nông thôn, nhà trường, thậm chí một bộ phận công chức, viên chức. Mức xử phạt vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe... dẫn đến hiệu quả chưa cao, một số trường hợp khó khăn, vướng mắc không xử lý được.

Công tác tổ chức hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy, người bán dâm gặp nhiều khó khăn về việc làm, giấy tờ tùy thân; có một tỷ lệ nhỏ người nghiện ma túy, người bán dâm là người vị thành niên, nghiện ma túy, HIV/AIDS, viêm gan B, C, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… dẫn đến tâm lý chấp nhận, chán ghét bản thân, bị xử lý nhiều lần vẫn vi phạm.

Xuất hiện nhiều chất mới do những đối tượng tự nghiên cứu, tổng hợp và đưa ra ngoài xã hội chưa được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành, có tác hại đến thể chất, tinh thần các cá nhân sử dụng gấp nhiều lần so với những chất ma túy xuất hiện trước đây. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác tham mưu, đề xuất, đấu tranh ngặn chặn, xử lý.

Phải thực hiện một cách chiến lược

Thực tiễn đã cho thấy, công tác phòng, chống ma túy, mại dâm không thể mang lại hiệu quả nếu chỉ được thực hiện trong thời gian ngắn, thông qua cao điểm đấu tranh mà phải được thực hiện một cách chiến lược, thường xuyên và lâu dài trên cơ sở từng bước giảm thiểu các tác động tiêu cực của ma túy, mại dâm cho xã hội, trong đó, giảm hại là giải pháp căn cơ, mang yếu tố then chốt.

Vì vậy, theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực giảm hại đối với người sử dụng ma túy, người bán dâm. Những biện pháp giảm hại nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm tiếp cận các dịch vụ y tế; phòng, chống bạo lực, bóc lột; đồng thời giáo dục, hướng nghiệp tạo điều kiện để những người có quá trình lầm lỗi tìm được việc làm chính đáng, có thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Thời gian tới, theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH và lực lượng điều tra, trinh sát phụ trách địa bàn, có cơ chế cụ thể, rõ ràng, phân rõ trách nhiệm; thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu, nhất là các thông tin, tài liệu về các cơ sở, đối tượng môi giới, chứa chấp, “bảo kê, chăn dắt” về sử dụng ma túy, mại dâm; tăng cường quản lý, giáo dục đối tượng có tiền án, tiền sự về mua bán người, ma túy, mại dâm; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đấu tranh với tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em...

Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Y tế... trong tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung, như: Xây dựng mô hình về phòng, chống ma túy, mại dâm; khảo sát thực trạng, nhu cầu về giấy tờ tùy thân trong cộng đồng người nghiện ma túy, người bán dâm tại một số địa bàn trọng điểm, thực hiện cấp căn cước công dân cho nhóm người này; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho lực lượng Công an cơ sở những kiến thức cơ bản về mại dâm để trong quá trình thực thi pháp luật có cách ứng xử phù hợp, nhân văn góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh.

}
Top