Mở rộng các mô hình can thiệp PrEP trong nhóm MSM
(Chinhphu.vn) - Tỷ lệ nhiễm HIV đang có dấu hiệu ngày càng tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM ). Để ứng phó với tình hình trên, ngành Y tế đã triển khai các mô hình can thiệp nhằm giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM.
Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định nhóm MSM nói chung và nhóm người bán dâm đồng giới nói riêng là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV/STIs.
Trên thế giới, đã có rất nhiều mô hình can thiệp được triển khai nhằm tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV/STIs cho nhóm đối tượng này, như mô hình giáo dục đồng đẳng (Peer-education), mô hình phổ biến quan điểm thông qua thủ lĩnh (POL), mô hình NAZ, mô hình 3MV (Many men, many voice) hay mô hình tiếp thị xã hội.
Tại Việt Nam, hiện tại chưa có hướng dẫn can thiệp giảm tác hại toàn diện cho nhóm MSM, tuy nhiên tại một số tỉnh thành phố đã triển khai các gói dịch vụ can thiệp cho nhóm này, bao gồm: Các hoạt động về truyền thông thay đổi hành vi, cấp phát vật dụng can thiệp như bao cao su, chất bôi trơn, khám điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.
Các mô hình can thiệp giảm tác hại cho nhóm MSM cũng được triển khai qua nhiều chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm: Các mô hình tiếp cận truyền thống, tiếp cận theo mạng lưới, trực tuyến, mô hình hỗ trợ liên tục và mô hình chi trả theo hiệu suất.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, nhóm MSM là một trong các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch HIV. Tại châu Á, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM đang tăng lên và có tỷ lệ nhiễm HIV cao gấp 18,7 lần so với dân số chung. Số ca mắc HIV mới trên thế giới đang giảm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM vẫn không thay đổi và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015, 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như: Cần Thơ: 20,3%, TP Hồ Chí Minh: 13,8%, Bà Rịa-Vũng Tàu: 16%, Khánh Hòa: 14,6%, Hải Phòng: 5,3%.
Để giảm thiểu các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM, TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm mới như PrEP, tăng cường truyền thông trực tiếp cho nhóm MSM thông qua các nhóm đồng đẳng viên về dự phòng lây nhiễm HIV, xóa bỏ sự kỳ thị và phát triển các dịch vụ cung cấp bao cao su, dịch bôi trơn và bơm kim tiêm để thực hiện việc can thiệp giảm tác hại phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng... Như vậy, Việt Nam mới có thể đạt mục tiêu kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Là một trong những địa phương có tỉ lệ người nhiễm HIV cao trong nhóm MSM, Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động để giảm thiểu lây nhiễm trong nhóm này. Điển hình là sự kiện khởi động PrEP.
PrEP được triển khai tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019 và mở rộng độ bao phủ ra các huyện/thành phố: Cam Ranh và Ninh Hòa từ năm 2020. Bước đầu triển khai cho thấy, phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của người sử dụng rất khả quan, tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm MSM đã giảm hơn. Nhiều MSM đã tiếp cận được truyền thông, các phương pháp can thiệp giảm hại.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, trong năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh, để các nhóm yếu thế và người có nhu cầu được tiếp cận phương pháp mới trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV (PrEP), đồng thời góp phần giảm nhẹ cho công tác chăm sóc và điều trị tuyến đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS của cả nước nói chung vào năm 2030.
Cụ thể, Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện theo 5 mô hình:
Mô hình truyền thống
Mục tiêu của mô hình truyền thống là tiếp cận với quần thể nguy cơ cao để cung cấp thông điệp dự phòng lây nhiễm và giới thiệu chuyển gửi đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và các dịch vụ khác. Hoạt động mô hình được triển khai thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng với các hoạt động như truyền thông thay đổi hành vi, hướng dẫn kỹ năng tình dục an toàn, phát vật dụng hỗ trợ và tài liệu truyền thông chuyên sâu đồng thời kết nối khách hàng đến các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS , Lao/HIV, khám và điều trị STIs và các dịch vụ dẵn có khác tại địa phương.
Mô hình tiếp cận theo mạng lưới
Là một phương pháp tiếp cận các nhóm đích có hành vi nguy cơ cao dựa vào mạng lưới sẵn có của họ để kết nối với các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS nhằm tăng cường việc tiếp cận với đối tượng có nguy cơ cao và thực hiện chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc và điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, điều trị ARV cho các đối tượng dương tính với HIV.
Các “hạt giống” được tuyển chọn thông qua một số ít nhân viên tiếp cận cộng đồng mà tiêu chí là họ có mối quan hệ thân thiết (mạng lưới) với các khách hàng tiềm năng (trong giới), và họ sẽ tiếp cận, giới thiệu những khách hàng có nguy cơ đến sử dụng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tại các phòng khám OPC và mỗi khách hàng tham gia dịch vụ sẽ được hỗ trợ kinh phí đi lại để khuyến khích khách hàng.
Mô hình hỗ trợ liên tục
Mô hình này được thiết kế nhằm tiếp cận với quần thể đối tượng can thiệp, theo dấu và hỗ trợ thường xuyên khách hàng, cung cấp thông điệp dự phòng lây nhiễm HIV, chuyển gửi đến các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, kết nối đến các tổ chức CBO để tham vấn xét nghiệm phản ứng nhanh với HIV.
Mô hình này cung cấp hỗ trợ liên tục từ dự phòng cho đến chăm sóc và điều trị, tiếp tục theo dấu, hỗ trợ nhằm bảo đảm khách hàng duy trì các hành vi an toàn, tiếp cận với các dịch vụ cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ chuyển tiếp trong điều trị dự phòng HIV/AIDS.
Mô hình chi trả dựa trên hiệu suất
Được thực hiện dựa vào mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng để tiếp cận, sàng lọc, đánh giá nhu cầu, phân nhóm (đối tượng đích dựa trên nhu cầu) và chuyển gửi khách hàng tới các dịch vụ liên quan tới HIV. Kết quả triển khai mô hình tại các tỉnh, thành phố trong những năm qua cho thấy sự hiệu quả của mô hình này.
Mô hình tiếp cận trực tuyến
Hiện nay, mô hình này đang thể hiện tính ưu việt vì nhân viên tiếp cận cộng đồng không phải mất nhiều thời gian để trực tiếp xuống thực địa. Chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh nhân viên tiếp cận cộng đồng có thể dùng các mạng xã hội như zalo, facebook, twetter, blue để kết nối và tiếp cận đến quần thể MSM và bạn tình của họ để cung cấp thông tin về các chương trình can thiệp giảm hại dự phòng trước phơi nhiễm HIV đồng thời kết nối chuyển gửi đến các phòng khám, chăm sóc và điều trị nếu cần.