Một mô hình cai nghiện tại Hàn Quốc

28/04/2023 08:14

(Chinhphu.vn) - Nhiều trung tâm phục hồi cai nghiện ma túy tại Hàn Quốc đang điều trị bệnh miễn phí bằng các cuộc trò chuyện trao đổi tình cảm với bệnh nhân.

Một mô hình cai nghiện tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Các buổi tư vấn miễn phí mang đến cho những người nghiện một nơi để trao đổi về cuộc chiến của họ với ma túy và hỗ trợ lẫn nhau trong cai nghiện - Ảnh: Reuters

Thứ Bảy hàng tuần, một nhóm thanh niên Hàn Quốc lại tập trung tại Incheon, phía tây Seoul để nói về cuộc chiến với ma túy của họ. Họ tìm kiếm sự đồng cảm và hỗ trợ trong các cuộc trao đổi tình cảm tại Trung tâm Phục hồi cai nghiện ma túy (DARC).

Các buổi trị liệu miễn phí diễn ra vào buổi trưa được tổ chức bởi anh Choi Jin-mook, người từng chiến đấu với cơn nghiện ma túy suốt 20 năm trước khi trở thành cố vấn. Anh Choi cũng là một trong những bệnh nhân đầu tiên ủng hộ sự thay đổi trong chính sách đối với người nghiện theo hướng điều trị và tránh xa hình phạt.

Choi Jin-mook, 48 tuổi, bắt đầu dùng thuốc không kê đơn từ năm 17 tuổi và bị bỏ tù vì tội sử dụng cần sa ở độ tuổi 20. Trong suốt 15 năm sau đó, anh Choi chuyển sang sử dụng ma túy đá và các loại ma túy mạnh hơn trước khi được "thức tỉnh".

"Tôi nghĩ mình sẽ là một người bình thường khi ra tù, nhưng không phải như thế. Tôi nhận ra biện pháp trừng phạt chỉ khiến người bệnh không thể thoát khỏi xiềng xích", anh Choi chia sẻ.

Theo Choi Jin-mook, Hàn Quốc chỉ có 6 trung tâm cai nghiện ma túy, trong đó chỉ có 2 trung tâm do Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm điều hành. So sánh với Nhật Bản - với 126 triệu dân so với 52 triệu dân của Hàn Quốc, Nhật Bản có khoảng 90 trung tâm cai nghiện.

Trung tâm do anh Choi phụ trách là một trong ba trung tâm được thành lập cách đây 10 năm với sự tài trợ của Nhật Bản. Các trung tâm hoạt động theo mô hình Nhật Bản và chỉ thuê những người từng nghiện để chăm sóc và tư vấn bệnh nhân.

Theo anh Choi, hầu hết những người phạm tội lần đầu và lần thứ hai đều được nhận án treo 30-40 giờ giáo dục bắt buộc về ma túy và điều này hầu như không thể giúp họ cai nghiện.

"Thời điểm vàng để điều trị cai nghiện ma túy là khi mới bị bắt, nhưng quan niệm rằng người nghiện sẽ bỏ thuốc phiện sau khi tham gia các lớp học bổ túc trong vài giờ là hoàn toàn sai lầm. Thay vào đó chính quyền nên chú ý hơn đến các hệ thống điều trị phục hồi thích hợp", anh Choi chia sẻ.

Mong muốn từ bỏ ma túy đá, Lee Dong-jae, 23 tuổi, đã quyết định quay video những cảm xúc và khó khăn của mình trong quá trình cai nghiện rồi đăng lên YouTube. Anh Lee Dong-jae cố tình để lộ khuôn mặt của mình trên mạng xã hội với hy vọng rằng nó sẽ giúp anh ấy từ bỏ thói quen sử dụng ma túy đá và đã thành công.

Anh đã nhận được sự giúp đỡ từ DARC để cai nghiện và được giới thiệu làm việc bán thời gian tại một nhà hàng, như một phần của liệu pháp nghề nghiệp.

"Tôi chưa bao giờ có một công việc hay cuộc sống hàng ngày như thế này kể từ khi dùng ma túy, nhưng bây giờ tôi rất vui khi nghĩ rằng mình cũng có cuộc sống bình thường như mọi người một cách tích cực", anh Lee Dong-jae nói.

Trước nạn ma túy gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc đã và đang thành lập các đội đặc nhiệm để trấn áp các nhà sản xuất và phân phối ma túy. Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đã ra lệnh áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để truy quét tận gốc những kẻ buôn bán ma túy và tịch thu lợi nhuận từ ngành kinh doanh bất hợp pháp này.

Theo Văn phòng Công tố Tối cao, số người bị kết án về các tội liên quan đến ma túy đã tăng từ khoảng 12.000 trường hợp vào năm 2015 lên hơn 16.000 người vào năm 2021. Gần 60% số người bị kết án trong năm 2021 ở độ tuổi từ 39 trở xuống và số người phạm tội ở tuổi vị thành niên đã tăng 44% trong vòng một năm từ năm 2020 đến năm 2021.

Số lượng ma túy bất hợp pháp bị tịch thu đã tăng hơn gấp ba lần lên mức kỷ lục 1,3 tấn vào năm 2021, một phần là kết quả của các cuộc điều tra đa quốc gia về các đường dây buôn lậu ma túy. Ma túy đá, cocaine và cần sa chiếm khoảng 85% các vụ bắt giữ. 

Thu Hà (Theo Reuters)

}
Top