Mua bán dâm nghìn đô, phạt 1-2 triệu có đủ sức răn đe?
Việc tăng mức phạt đối với người mua, bán dâm là một trong các biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, chế tài chỉ là một phần, để phòng chống mại dâm hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp khác.
Ảnh minh họa
Một trong số những đề xuất đáng chú ý tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình (thay thế Nghị định 167/2013) là mức phạt đối với hành vi mua dâm, bán dâm. Nhìn chung các mức phạt liên quan đến mua dâm, bán dâm đều tăng so với quy định hiện nay.
Theo Điều 24 dự thảo Nghị định, Bộ Công an đã đề xuất phạt 1-2 triệu đồng đối với người có hành vi mua dâm. Trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc, mức phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.
Còn Nghị định 167/2013 đang áp dụng hiện nay quy định người mua dâm sẽ bị phạt hành chính từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Như vậy, quy định mới đề xuất tăng gấp đôi mức chế tài này.
Với hành vi bán dâm, Điều 25 của dự thảo Nghị định đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 300 - 500 nghìn đồng. Trường hợp bán dâm cho 2 người trở lên cùng lúc thì áp dụng mức phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Nghị định 167/2013 quy định phạt tiền tối đa 300 nghìn đồng với hành vi bán dâm. Còn bán dâm cho nhiều người cùng lúc sẽ bị phạt 300 - 500 nghìn đồng.
Phân tích về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện nay, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ mua bán dâm có giá lên đến hàng nghìn, chục nghìn USD/lượt mua dâm thì mức phạt vi phạm từ 1 - 2 triệu đồng “không thấm vào đâu”.
Tuy nhiên, đối với những vụ mại dâm mà gái bán dâm “đứng đường” thì giá mua dâm thấp hơn rất nhiều, do đó, nếu tăng mức phạt vi phạm từ 1 – 2 triệu đồng cũng sẽ có sự tác động nhất định đối với ý thức chấp hành pháp luật.
Tỷ lệ những vụ mại dâm giá "nghìn đô" không nhiều so với các vụ bắt mại dâm "đường phố". Như vậy, việc tăng mức phạt đối với người mua, bán dâm cũng là một trong các biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, qua các vụ việc bị cơ quan công an phát hiện, xử lý cho thấy những trường hợp bán dâm khá đa dạng, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Có những người có công việc ổn định nhưng vẫn tham gia đường dây mại dâm; có những người là hoa hậu, hot girl" cũng có người thì tham các hoạt động dịch vụ nhằm tạo bình phong trá hình để hoạt động bán dâm; có những phụ nữ có hoàn cảnh "đặc biệt", không có công ăn việc làm, phải đứng đường, nơi công cộng để hoạt động mại dâm… Ngoài ra, có nhiều đường dây mại dâm quảng cáo, giao dịch, hoạt động qua mạng xã hội rất tinh vi.
Do đó, bên cạnh công tác nghiệp vụ, nắm địa bàn, đấu tranh phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, triệt phá các đường dây mại dâm của lực lượng công an thì chính quyền địa phương cũng cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật của mỗi người dân, tạo công ăn việc làm cho những hoàn cảnh cơ nhỡ…
Để phòng chống mại dâm hiệu quả thì phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa chứ không chỉ tăng mức phạt. Bởi dù chế tài có nghiêm khắc đến đâu nhưng giải pháp phòng ngừa thực hiện không hiệu quả thì khó mà kiểm soát được tình trạng vi phạm.