Mường Lát – Thanh Hóa: Khi “Bão trắng” quét qua bản nghèo

08/06/2012 18:10

Bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát nằm khép mình dưới chân núi Sài Khao, nổi lên như một nút trầm trong bản ca hùng tráng giữa đại ngàn của núi rừng phía tây Thanh Hoá. Nơi đây có gần 100 hộ người Thái sinh sống, cơn bão HIV/AIDS đi qua đã cướp đi sinh mạng của trên 40 người, để lại những tấm bi, thảm kịch, vợ mất chồng, con mất cha...Sự thiếu vắng bóng đàn ông trong bản khiến vùng biên viễn xa xôi buồn cô quạnh.

Mồ côi tội lắm ai ơi!

Nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 300 km, Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất nước, trong đó ma tuý là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình cảnh nghèo đói. Bản Poọng, xã Tam Chung là một điển hình. Người dân nơi đây chủ yếu phát nương, làm rẫy và đi rừng hái măng, hái củi bán đổi lương thực sống qua ngày. Từ cuối những năm 2000 đến nay, nhiều câu chuyện đau lòng bắt đầu xảy ra, vẻ bình yên thủơ nào bị khuấy động khi ma tuý HIV/AIDS tràn qua, bên cạnh đó không ít người còn đi buôn ma tuý và rơi vào vòng lao lý. Mường Lát được xem là nơi trung chuyển hàng cấm về xuôi của dân buôn ma tuý. Ở đây hàng trắng được vận chuyển theo 2 con đường chính: Từ Lào qua Sơn La, xuống Mai Châu rồi theo đường 6; hoặc từ Lào, hàng được đưa sang Pù Nhi đến xã Tam Chung (Mường Lát) xuôi dòng sông Mã về Co Lương (xã Vạn Mai)...Bản Poọng trở nên xác xơ, tiêu điều. Khi chúng tôi tới bản Poọng vào giữa buổi sáng, khi những cơn mưa rừng tầm tả đã dứt. Bản vắng và hiu hắt. Mấy đứa trẻ quần áo nhem nhuốc, ngồi chơi dưới sàn nhà nhìn đoàn khách lạ bằng ánh mắt ngơ ngác. Nhìn thấy thằng bé chừng 5 tuổi, đen nhẻm ngồi lẻ loi trên bậc cầu thang 1 ngôi nhà sàn nằm ven ruộng lúa, chúng tôi liền lại gần. Ngôi nhà trống trải, chỉ có đống chăn, đệm cũ để giữa nhà là vật dụng đáng giá. Khi chúng tôi đến bậc cầu thang cũng là bà Hà Thị Pun đến thăm 2 đứa cháu ngoại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà Pun rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những đứa con đã chết vì "ết". Con rể bà vốn là người chăm chỉ làm nương, chăn nuôi, khoảng năm 2003, trong lúc nông nhàn, con rể bà hay ngồi với đám trai bản, rủ rê dùng thử hêrôin. Cuộc sống của cả gia đình bắt đầu thay đổi khi con rể mê thứ khói trắng chết người ấy. Thay vì lên nương, anh chỉ chăm chăm đem lúa, ngô, vịt...của nhà đi bán lấy tiền mua thuốc. Trong những ngày tụ tập đám bạn nghiện họ đã tặng nhau virut HIV. Con rể bà nhiễm lúc nào không biết, anh đã hồn nhiên đem về cho vợ. Năm 2008 anh mất, 2 năm sau chị Hà Thị Piền, con gái bà cũng ra đi, để lại 2 đứa con Hà Thị Thoái, Hà Văn Thướng. Bé Thoái 14 tuổi là lao động chính, 2 chị em lầm lũi nuôi nhau. Từ 5h sáng, Thoái đã dậy để lên nương, tối mịt mới về. Thương đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn mà cả ngày phải cặm cụi trên nương rẫy, bà Pun xót xa: Có lần thằng Thướng đòi ăn kẹo, ăn thịt nhưng không có tiền mua nên bà vào rừng lấy cây Nhớt để bán. Sức già, dù cố gắng đến mấy cũng chẳng lấy được là bao nên cũng chỉ đủ mua cho cháu gói kẹo, còn thịt thì chẳng mua được. Từ sau khi bố, mẹ chết vì ết, nó được đưa đi xét nghiệm, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy kết quả. Cái án tử hình cứ treo lơ lửng trên đầu thằng bé 5 tuổi có vẻ mặt buồn rười rượi.

Các chiến sĩ Công an trẻ chia sẻ với các cháu mồ côi bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến bản Poọng là những ngôi nhà trống hoác, xiêu vẹo, những đứa trẻ không người lớn chăm bẳm, bẩn thỉu, những cụ già ngồi bên thềm cửa nhìn vào sâu thẳm giữa núi rừng, những cô gái đi gùi củi, ai cũng buồn rười rượi, ánh mắt không thể hiện cảm xúc khi gặp người lạ. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngàn Văn Tươi, 65 tuổi. Già cả gầy yếu, mắt mờ vậy mà hôm nào ông cũng phải cùng 2 đứa cháu Hà Văn Hoàn, Hà Thị Nhận đi nương. Hôm nay, ông mệt nên nghỉ ở nhà. Bố mẹ của 2 cháu đã chết vì ết, mấy ông cháu đùm bọc nhau sống qua ngày.

Bản Poọng nằm bên bờ sông Luông hiền hoà từng chứng kiến bao mối tình đẹp của những sơn nữ nơi đây. Vẻ đẹp hiền hoà ấy đã bị vùi lấp, những chàng trai, cô gái ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại những đứa trẻ bơ vơ, chưa nhận biết được những đoạn đường khấp khểnh đang chờ đợi ở phía trước. Tương lai của những trẻ mồ côi u ám như cảnh núi rừng lúc xế chiều.

Có lẽ hoàn cảnh khốn khó nhất trong số những đứa trẻ mồ côi ở bản Poọng mà chúng tôi được biết đến chính là gia đình cháu Hà Thị Cới, 4 chị em, đứa lớn mới 10 tuổi, đứa bé hơn 2 tuổi. Bố chúng đã chết 2 năm nay, mẹ chúng là Hà Thị Phoòng còn sống nhưng đã nhiễm HIV, hay bỏ đi lang thang, không chăm sóc gì được cho các con. May thay, mấy chị em Cới được ông Lò Văn May là người họ hàng xa, không có gia đình nhận về nuôi. Cuộc sống qua đi, mấy ông cháu sống nhờ bằng lòng hảo tâm của bà con trong bản. Căn nhà tuềnh toàng họ đang ở cũng là nhà của 1 người trong bản cho mượn ở nhờ. Những đứa trẻ lạ lẫm và thích thú khi chúng tôi đưa những túi sữa tươi mang theo. Lần đầu tiên trong đời chúng biết đến những thực phẩm mà đám trẻ con dưới xuôi vẫn dùng hàng ngày. Cứ thế cuộc sống chậm dãi trôi đi mà không biết tương lai sẽ đi đâu, về đâu.

Cần lắm sự xẻ chia của cộng đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Chính quyền xã Tam Chung thì toàn xã có gần 80 người chết vì HIV- AIDS, riêng bản Poọng có trên 40 người. Người chết thì đã ra đi nhưng có một thực tế là hậu quả để lại quá đau đớn. Đó chính là những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Và có một thực tế đau lòng hơn là gần như tất cả những đứa trẻ mồ côi trong bản Pọong nói riêng và toàn xã Tam Chung cũng như một số xã khác trong toàn huyện Mường Lát đều chưa bao giờ được xét nghiệm HIV-AIDS để xem chúng có bị lây nhiễm từ bố mẹ và những người xung quanh hay không. Chúng cứ thế lớn lên mà không hề có một sự chăm sóc về y tế nào. Nguồn sống duy nhất của chúng chính là sự nỗ lực của chính bản thân, sự giúp đỡ của bà con trong bản và hiếm hoi một vài đứa được xã đưa vào diện chính sách mồ côi để nhận mỗi tháng hơn 100 nghìn tiền đong gạo. Chính quyền xã Tam Chung cũng rất trăn trở trước thực trạng trên. Nhưng giải quyết nó là một bài toán khó, vượt quá khả năng của địa phương.

Đoàn cán bộ tặng quà cho các cháu mồ côi

Chúng tôi rời khỏi bản Poọng khi trời ngả bóng xế tà. Cái lạnh miền sơn cước ùa về khiến nơi đây hoang vắng hơn. Cuộc sống của những đứa trẻ côi cút ám ảnh trong tâm trí chúng tôi. Những tâm hồn mồ côi thơ dại, những cụ già héo hon, những phụ nữ gùi củi nặng nhọc, lầm lũi bước đi từng bước... là cả một thế giới tội nghiệp thu nhỏ, lẻ loi, đơn côi, lọt thỏm giữa đại ngàn. Những người dân nơi đây cần lắm sự xẻ chia của cả cộng đồng, để vơi bớt nỗi đau mất mát của bản nghèo vùng cao này.

}
Top