Myanmar vật vã trong cuộc chiến chống ma túy
Trong lịch sử đã có thời điểm Myanmar được xem là đất nước giàu nhất khu vực Đông Nam Á nhưng nay đã không giữ vững ngôi vị ấy. Hiện nay, Myanmar được biết tới là quốc gia sản xuất ma túy lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng 8% tổng lượng sản xuất toàn cầu và là nguồn cung cấp các tiền chất ma tuý lớn gồm cả amphetamine.
Cánh đồng nha phiến ở Bắc Myanmar |
Theo khuyến cáo của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), nếu Chính phủ Myanmar không quyết liệt ngăn chặn trồng cây thuốc phiện ở khu vực "Tam giác vàng" thì trong tương lai, việc sản xuất ma túy ở đây ngày càng khó kiểm soát hơn và tác hại gây ra với con người sẽ là vô cùng lớn. Đây là bài toán quá khó với Myanmar.
Nỗ lực triệt phá
Trong chiến dịch truy quét sản xuất, tàng trữ mua bán ma túy từ tháng 2/2020, vào giữa tháng 5 vừa qua, sau khi đột kích ở bang Shan, Cảnh sát Myanmar đã triệt phá đường dây sản xuất ma túy lớn chưa từng thấy ở Đông Nam Á được mô tả "nằm ngoài bảng xếp hạng" ở Kutkai. Cảnh sát đã thu giữ gần 200 triệu viên ma túy đá, 500kg tinh thể, 300kg heroin và 3.750 lít methyl fentanyl. Cảnh sát Myanmar cũng bắt giữ 33 người liên quan đến số tang vật đã thu giữ trên.
Đại tá Zaw Lin thuộc cơ quan chống ma túy Myanmar cho biết, các nghi phạm khai với cảnh sát rằng hầu hết số ma túy được bán trong lãnh thổ Myanmar và các nước láng giềng.
Ông Jeremy Douglas, đại diện của UNODC Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết, trong một tuyên bố: "Những gì triệt phá được trong vụ án này thực sự nằm ngoài tưởng tượng" và "Mạng lưới sản xuất chỉ có thể hoạt động với sự hỗ trợ của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia". Ông Douglas nói thêm: "Các cuộc đột kích đã thu giữ những tang vật chưa từng thấy là methyl fentanyl; điều này cho thấy dấu hiệu của một xu hướng mới về sản xuất ma túy tổng hợp đang nổi lên trên quy mô mà không ai lường trước được".
Trong số tang vật thu giữ, dư luận đặc biệt chú ý đến methyl fentanyl. Theo các chuyên gia của UNODC, methyl fentanyl, một chất tinh thể tương tự của fentanyl opioid tổng hợp dễ gây nghiện hơn, được nhập lậu đến Tokyo, Seoul hoặc Sydney, nơi nó được bán với giá khoảng 150.000 USD/1kg. Methyl fentany mạnh gấp 50 lần so với heroin; mạnh gấp 100 lần so với morphin và có thể gây chết người chỉ với 2 miligam - tương đương một vài hạt cát. Tiền chất dùng để sản xuất ma túy này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ở Mỹ khiến 32.000 người chết vào năm 2018.
Vài năm gần đây, Myanmar tổ chức nhiều đợt truy quét nơi sản xuất, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, chưa làm cho tình trạng sản xuất ma túy ở nước này suy giảm.
Đầu năm 2018, quân đội Myanmar phối hợp với cảnh sát bao vây một căn nhà hoang ở Kutkai (bang Shan), tịch thu 30 triệu viên yaba, 1.750kg ma túy đá, 500kg heroin và 200kg cà phê bột. Tổng giá trị ma túy lên đến 54 triệu USD. Một tháng sau, quân đội và cảnh sát tiếp tục đột kích hai xưởng điều chế ma túy đá, tịch thu số thiết bị trị giá 7 triệu USD cùng với số tiền chất ma túy và bao bì đủ để sản xuất 10 tấn ma túy.
Các thùng tiền chất được sử dụng làm ma túy đá |
Đầu tháng 3/2020, quân đội Myanmar tiến hành chiến dịch đột kích tại thị trấn Kutkai ở bang Shan đã thu 33kg heroin, 18 triệu viên ma túy tổng hợp, 281 thùng axit cùng nhiều trang thiết bị điều chế chất gây nghiện dưới một hầm ngầm… Riêng năm 2019, lực lượng chức năng Myanmar đã thu giữ tổng lượng ma túy có trị giá 374 triệu USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ Myanmar vất vả trong cuộc chiến chống ma túy như hiện nay là do họ chưa tận dụng cơ hội để tiêu diệt loại giặc này.
Trong lịch sử, việc Khun Sa đầu hàng chính phủ vào tháng 1/1996 được coi như một thành tựu chống ma túy lớn nhất của Myanmar, nhưng ngay sau đó Chính phủ Myanmar đã không tận dụng cơ hội hiếm hoi này để truy quét và làm sạch việc trồng cây thuốc phiện cũng như quyết liệt loại bỏ các nhóm buôn lậu, phân phối ma túy cũng như rửa tiền thu được từ hoạt động ma túy bất hợp pháp.
UNODC từng ước tính trong năm 2005, ở khu vực "Tam giác vàng" của Myanmar có 430km2 đất trồng cây thuốc phiện và hiện nay, diện tích này dường như đang mở rộng có thể tăng lên khoảng 70.000ha, chiếm hơn 30% diện tích trồng cây thuốc phiện của thế giới. Điều đáng nói là, hơn 90% diện tích trồng cây thuốc phiện ở khu vực Tam giác Vàng được xác định ở bang Shan, miền Đông Myanmar, tiếp giáp Thái Lan và Lào. Từ đây, nhựa thuốc phiện được chuyển đến bang Kachin, gần Trung Quốc và Ấn Độ, để chế biến thành đủ loại ma túy khác nhau và tung ra thị trường.
Theo tính toán của UNODC, nguồn cung ma túy từ Myanmar mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các băng nhóm sản xuất, buôn bán còn mức sống của những người dân tộc thiểu số trồng cây thuốc phiện ở "Tam giác vàng" thì vẫn ở mức nghèo đói.
"Hổ" mọc thêm "cánh"
"Tam giác vàng" từ lâu được biết đến là một trong 3 trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới, nguồn cung cấp heroin lớn thứ 2 trên thế giới và là trung tâm chính về sản xuất, mua bán và sử dụng ma túy tổng hợp.
"Tam giác vàng" là vùng đất thuộc 3 quốc gia Thái Lan, Lào và Myanmar. Hiện nay, việc trồng cây thuốc phiện ở đây vẫn tiếp diễn mà chủ yếu ở vùng đất thuộc Myanmar. Nơi đây vừa là vị trí trú ẩn an toàn vừa là trung tâm phân phối "hàng trắng" của các băng đảng ma túy.
Theo phân tích của các chuyên gia UNODC, các loại ma túy "made in Myanmar" được buôn lậu từ phía Nam Myanmar đi qua Thái Lan; từ phía Bắc Myanmar vào Trung Quốc và phía Tây Myanmar tới Bangladesh. Từ đó, các loại ma túy "made in Myanmar" đi ra khắp thế giới, áp đảo các nỗ lực kiểm soát của lực lượng chức năng và gieo rắc khủng hoảng nghiện ngập, tham nhũng và rửa tiền.
Myanmar gọi nơi đây là "Đặc khu 4", một khu tự trị bên trong Bang Shan của Myanmar. Đây là nơi có khung cảnh núi non đẹp như tranh vẽ, rừng rậm xanh tươi và thị trấn sòng bạc khét tiếng Mong La. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay quân đội Myanmar vẫn không thể tiếp cận khu vực này do các nhóm phiến quân khác nhau kiểm soát.
Hiện khu vực này là nơi tập trung các băng đảng ma túy và các nhóm nổi dậy, bao gồm cả Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDAA) thống trị. Báo cáo gần đây của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), các khu vực này nằm dưới "sự kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của các nhóm vũ trang đã tham gia ngừng bắn vĩnh viễn với quân đội Myanmar" nên đã mang lại điều kiện lý tưởng cho việc sản xuất tiền chất ma túy ở quy mô công nghiệp nguyên vẹn.
Báo cáo của ICG cho biết cơ sở hạ tầng tốt, dễ dàng tiếp cận các hóa chất cần thiết từ Trung Quốc và các cơ sở sản xuất an toàn dưới sự bảo vệ của lực lượng dân quân và quân nổi dậy trong vùng đất khiến Bang Shan trở thành nguồn cung cấp ma túy đá chất lượng cao.
Dự án "Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar" (CMEC) trị giá hàng tỷ euro được phê duyệt gần đây hứa hẹn sẽ mang đến những con đường bộ và đường sắt cao tốc hiện đại. Trong tương lai, khu vực biên giới phía Đông của Myanmar có thể được kết nối tốt hơn với Trung Quốc so với phía Tây Myanmar.
Nhưng những cải tiến về cơ sở hạ tầng giao thông giữa hai quốc gia cũng có thể là tác nhân, thúc đẩy hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là sản xuất, vận chuyển ma túy được ví như "Hổ" mọc thêm "cánh". Chừng nào các khu tự trị của Myanmar tiếp tục tồn tại mà không có bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài thì việc buôn bán ma túy có vẻ sẽ tiếp tục nở rộ.