Nam Định: Gần 5.600 người nguy cơ cao nhiễm HIV được xét nghiệm

02/12/2020 16:45

Bên cạnh việc tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế, hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng được dự án VUSTA (dự án do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quản lý và thực hiện từ nguồn viện trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) cũng được triển khai tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và thành phố Nam Định.

 Xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Trong 9 tháng đầu năm 2020, nhân viên tiếp cận cộng đồng của dự án đã tiếp cận, truyền thông, tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho 1.594 lượt khách hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới), phát hiện 26 người có HIV dương tính.

Chương trình tư vấn, xét nghiệm HIV tại Nam Định, được triển khai từ năm 2004 với 1 phòng tư vấn, xét nghiệm HIV tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh) do dự án Dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS tại Việt Nam (LIFE-GAP) hỗ trợ.

Được sự hỗ trợ của dự án LIFE-GAP và dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, chương trình tư vấn, xét nghiệm HIV đã được mở rộng trên các địa bàn khác của tỉnh Nam Định. Đến năm 2020, toàn tỉnh Nam Định có 10 cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc, Xuân Trường và thành phố Nam Định, hoạt động từ nguồn chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số và nguồn dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, 10 phòng tư vấn, xét nghiệm HIV trên toàn tỉnh đã thực hiện tư vấn và xét nghiệm HIV cho 3.961 lượt khách hàng là những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV, trong đó phát hiện 55 người có HIV dương tính (bao gồm cả các trường hợp xét nghiệm mới và xét nghiệm lại). Khi tới cơ sở tư vấn, xét nghiệm HIV, khách hàng được bảo mật thông tin, được tư vấn, hỗ trợ giảm hành vi nguy cơ, được xét nghiệm HIV và được chuyển gửi tới các dịch vụ liên quan khác như dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), dịch vụ điều trị HIV/AIDS… Riêng 9 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng HIV dương tính từ phòng tư vấn xét nghiệm sang cơ sở điều trị HIV/AIDS là 98,1%.

Theo Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 mà Chính phủ vừa ban hành tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/08/2020, mục tiêu mở rộng, đa dạng hóa các loại hình tư vấn, xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm là một trong những mục tiêu trọng tâm, với chỉ tiêu tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hàng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Những kết quả đáng ghi nhận từ Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV sẽ góp phần quan trọng giúp tỉnh Nam Định đạt được các mục tiêu trên, thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
}
Top