Nam Định: Tạo điều kiện cho người bán dâm hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng

25/08/2020 11:09

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Nam Định đã xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.

Theo UBND tỉnh Nam Định, ngay từ những năm đầu thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm. Triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực giới trong phòng, chống mại dâm thông qua nhóm tiếp cận viên đồng đẳng; thường xuyên duy trì việc cung cấp tài liệu, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm; tổ chức các hội nghị đồng thuận giữa các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội và chính quyền địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Các ngành đoàn thể, đặc biệt là công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Sở Y tế, UBMTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTB&XH, các địa phương có mô hình Phòng chống mại dâm, các địa bàn trọng điểm tổ chức hoạt động trợ giúp, phòng ngừa, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm và nguy cơ cao hoạt động mại dâm. Thông qua hoạt động tập huấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn pháp lý, hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất, đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung trong hoạt động của mô hình tại địa phương, hỗ trợ 2330 lượt người bán dâm, tư vấn xét nghiệm cho 5425 lượt người; giới thiệu 689 người tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Triển khai giám sát trọng điểm lồng ghép hành vi đối với 186 phụ nữ có hành vi mại dâm tại Thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), Thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu). Thành phố Nam Định triển khai các hoạt động truyền thông, giảm tác hại các bệnh xã hội, phòng ngừa lây nhiễm HIV cho 22.451 phụ nữ tại các địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm.

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án xây dựng mô hình: “Đảm bảo quyền của lao động nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn có tệ nạn mại dâm”. Năm 2017, thực hiện theo Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm mô hình tại Thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy); Năm 2018, triển khai duy trì và mở rộng mô hình tại Thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu); Năm 2019, tiếp tục duy trì và mở rộng thêm tại xã Yên Bằng (huyện Ý Yên), Năm 2020, tiếp tục duy trì và thực hiện mô hình; đồng thời đánh giá kết quả thực hiện mô hình nhằm đưa ra phương hướng cho giai đoạn sau.

Thông qua các hoạt động của mô hình “Đảm bảo quyền của lao động nữ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, trên địa bàn có tệ nạn mại dâm”, thực hiện tiếp cận, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về pháp lý, sức khỏe, phòng chống bạo hành giới, vay vốn, học nghề... cho trên 80% người lao động : Phối hợp với UBND huyện Hải Hậu, UBND huyện Giao Thủy, huyện Ý Yên tổ chức tư vấn, hỗ trợ cho 1000 lượt đại biểu là chủ cơ sở và người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại, dự phòng HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thị trấn Thịnh Long, Quất Lâm và xã Yên Bằng.

Bên cạnh đó, kết nối dịch vụ, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm tạo điều kiện, hỗ trợ cho chị em lao động nữ làm công trong cơ sở kinh doanh dịch vụ khám sức khỏe định kỳ. Kết nối dịch vụ, tư vấn, giới thiệu cho lao động tham gia các lớp dạy nghề. Phối hợp Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm di động tại Thị trấn Quất Lâm - huyện Giao Thủy. Rà soát thông kê số lượng cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, ước lượng số lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; thông qua nhóm tiếp cận viên đông đăng đã tiếp cận 2.143 lượt người có nguy cơ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…

Có thể thấy, công tác chữa trị, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm từng bước được quan tâm; quy trình chữa trị, hỗ trợ người bán dâm từng bước được hoàn thiện thông qua các mô hình triển khai thử nghiệm tại cộng đồng. Người bán dâm được giáo dục về lối sống, phục hồi hành vi nhân cách, học nghề, truyền nghề, tạo việc làm gắn với thị trường lao động, nhằm tạo điều kiện cho người bán dâm hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Top