Nạn nhân của bạo lực giới: Ám ảnh về tuổi thơ đầy nước mắt
Tại Lễ khởi động Dự án Brave – Vì bạn được tin do 3 Tổ chức Care, CSAGA, iSee tổ chức mới đây, hai trong số rất nhiều câu chuyện đầy ám ảnh về tuổi thơ đầy nước mắt của các nạn nhân bị xâm hại tình dục từ khi còn rất nhỏ khiến người ta không thể không đau lòng về những ‘dư vị’ của bạo lực giới.
![]() |
Nạn nhân bị bạo lực giới đôi khi còn nhận những sự soi mói của người khác. Ảnh trưng bày tại lễ khởi động dự án Brave |
Những tâm sự buồn
Đó là câu chuyện của một cô bé sống cùng người bố dượng: “Lúc sinh ra, em không có bố. Mẹ nuôi em đến lúc 5 tuổi thì bác và mẹ em lấy nhau. Khi em 11 tuổi, mẹ em mất trong lần bị đụng xe. Bác nuôi em từ đó. Bác chăm em như con ruột, cho ăn, cho học, không tiếc thứ gì. Khi ấy, em rất hạnh phúc.
Mấy tháng trước thì bác “làm vậy” với em. Sau đó, em bị sẩy (sẩy thai), vừa đau vừa sợ vừa uất ức nhưng sau bác bảo do bác say và dù sao, em cũng không phải con ruột của bác. Vậy mà bác vẫn nuôi mà không lấy thêm vợ nên em phải bỏ qua chuyện này như một sự báo ân.
Một người chị đã đưa em đến bệnh viện. Lúc em sẩy, em đã kể hết cho chị ấy nghe. Chị ấy bảo em báo công an nhưng em không cho vì… bác như là ba của em mà.
Rồi em trốn vào nhà chị, ở hẳn trong đấy luôn. Bác đến lôi em về rồi đánh chị ấy gãy tay vì chị ấy không cho bác đưa em đi.
Chị ấy muốn đưa đơn kiện nhưng lại hỏi em là có muốn thú nhận việc đã bị hành hạ không. Nhưng em thật sự rất sợ vì bác đã nuôi em, vì nếu nói ra, em thật sự không biết có được đi học được nữa không.
Mọi người ai cũng bảo em tự tin lên, em không làm sai, em không phải sợ, nhưng mọi người không ở trong hoàn cảnh của em. Trường em là trường chuyên, em lại trong đội tuyển, các bạn xung quanh toàn những người ưu tú.
Trước đây, có bạn trong lớp em bị lộ tin đã từng “quan hệ”, bạn ấy bị tẩy chay ngay lập tức trong toàn trường. Em sợ nếu em nói ra, chắc chắn em sẽ không thể sống nổi.
Nhưng em cũng không muốn giấu mãi. Em sợ nhìn thấy bác mỗi tối, cảm giác đau đến đáng sợ ám ảnh liên tục khiến em sợ cả việc ngủ hay thậm chí, ngay cả lúc phải nhắm mắt lại”.
Em thấy mình có tội nếu nói ra. Sau đó một thời gian, em cảm thấy ghê tởm đàn ông. Mỗi đêm, hình ảnh đó cứ hiện ra làm em không thể nào nhắm được mắt. Em đã không lại gần những nam giới cỡ tuổi hắn trong suốt chặng đường lớn lên của em.
Em không muốn im lặng nữa. Em muốn hắn ta chịu tội về hành động kinh tởm của hắn. Em muốn kiện hắn nhưng em lại không có bằng chứng xác thực. Chỉ lời nói, mọi thứ đã trôi vào quá khứ. Khi đó, em lên 5, bây giờ em 17, đã 12 năm trôi qua rồi.
Chân dung nạn nhân
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) với hàng trăm câu chuyện trong số 3.646 câu chuyện về bạo lực giới trên trang S.O.S – Sharing Our Stories cho thấy, hầu hết các nạn nhân bạo lực giới (BLG) chia sẻ trong các câu chuyện là nữ, chiếm 96,6% và 3,4% là nam giới. 64% nạn nhân cho biết họ bị BLG khi dưới 13 tuổi, 30,9% nạn nhân bị BLG trong độ tuổi từ 13-16 và 15,7% nạn nhân ở độ tuổi 16-45. Hầu hết các nạn nhân (89,9%) bị quấy rối tình dục, hiếp dâm và cưỡng dâm khi đang là học sinh, sinh viên.
36% nạn nhân khi bị BLG họ đã từng chống cự, la hét, đe dọa và thậm chí đánh thủ phạm. Những nạn nhân này thường ở lứa tuổi từ 12 tuổi trở lên, đã có hiểu biết về giới tính và bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Việc các nạn nhân có hành động chống cự làm giảm nguy cơ tái diễn BLG nhiều lần bởi một thủ phạm. Trong khi đó, 34,3% nạn nhân chia sẻ họ cảm thấy sợ hãi và tìm cách bỏ chạy hoặc lảng tránh khi bị BLG mà không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn. Nhiều nạn nhân nữ đã nhận thức được việc mình bị xâm hại tình dục, thay vì chống cự họ lại im lặng và tìm cách để lảng tránh.
Tương tự các vụ quấy rối tình dục và tấn công tình dục với nạn nhân nữ, nạn nhân nam cũng bị quấy rối tình dục trên xe buýt, tại trường học hay tại nơi ở của thủ phạm. Các nạn nhân này đều không nói với gia đình hay tố cáo, tố giác thủ phạm.
Hầu hết các nạn nhân đều chia sẻ họ bị "ám ảnh" và ảnh hưởng tâm lý nặng nề. 90,4% nạn nhân cho biết họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trầm cảm và tự ti sau khi bị bạo hành. Nạn nhân tâm sự "mình không sao tự tin mà kết bạn được", "cứ như vậy mình sống tiếp những này tháng tiếp theo của cuộc đời trong nỗi sợ người lạ", "tôi cản thấy vô cùng tồi tệ, từ đó tôi trở nên trầm tính, lầm lì, ít nói…tôi thực sự hoảng sợ và lo lắng".
Phần lớn nạn nhân bị quấy rối tình dục, hiếp dâm và cưỡng dâm ở độ tuổi còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. 16.3% nạn nhân lo lắng các vụ BLG sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình. Các nạn nhân này cảm thấy bản thân mình ‘dơ bẩn’, ‘đáng ghê tởm’, ‘nhơ nhuốc’, ‘mất trinh’ và e sợ rằng người yêu hay chồng sau này sẽ không chấp nhận họ, quá khứ của họ và thậm chí họ sợ không dám yêu ai hay không hứng thú với việc quan hệ tình dục.
Trong số 31,5% nạn nhân trực tiếp đổ lỗi cho mình như nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực gới có 14,6% nạn nhân đổ lỗi cho các thuộc tính cá nhân như ‘quá tin tưởng’, mình cũng ngu…mình không ý thức được nên cũng làm theo… 3,9% nạn nhân đổ lỗi cho các hành vi của mình, như ‘không ngăn chặn từ đầu’, ‘mình đã không nói gì mà cứ để chú ta sờ như thế vì mình nghĩ đó là chuyện bình thường’. Khoảng 13% nạn nhân tự trách cơ thể mình hoặc bản thân mình ‘có lẽ bản thân mình cũng bệnh hoạn và đáng chết như lão kia’, hay ‘mình đã nghĩ rằng liệu mọi chuyện có tốt đẹp hơn khi mình là con trai? Và mình ghét cơ thể này, nó thật sự quá dơ bẩn’.
Rào cản ngăn cản nạn nhân lên tiếng
Quan niệm về "trinh tiết" còn khiến nạn nhân nghĩ rằng để xảy ra hành vi BLG là lỗi của họ, "mình chỉ muốn hỏi liệu mình có sai không?". Khi xảy ra BLG thì nạn nhân lại trở thành tâm điểm của bàn tán, bị chỉ trích là "không biết giữ". Thậm chí nạn nhân sẽ bị người ta đổ cho có hành vi dụ dỗ thủ phạm. Trong khi đó, thủ phạm lại "sống nhan nhản", hay "tên đó cứ sống vui vẻ và biểu hiện rất tốt nên dù tôi có nói ra sẽ chẳng một ai tin rằng hắn lại làm chuyện khốn nạn đó". Đây cũng là một thách thức khiến nạn nhân sợ và "không dám" lên tiếng tố giác thủ phạm.
Sự thờ ơ, im lặng của những người chứng kiến và thậm chí gia đình nạn nhân cũng là rào cản để các nạn nhân lên tiếng tố giác tội phạm BLG.
Nhiều nạn nhân, cả nam và nữ không lên tiếng tố giác tội phạm vì sợ bị trả thù, muốn bảo vệ người thân khỏi những ‘sang chấn’, đánh đập và sợ phá vỡ "hạnh phúc gia đình".
Hầu hết các nạn nhân đều có nhu cầu được chia sẻ, "nói ra cho nhẹ lòng" và mong muốn được nhận lời khuyên.