Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng HIV thông qua các mô hình cung cấp toàn diện

17/04/2024 17:44

(Chinhphu.vn) - Với mục tiêu góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng HIV (PrEP) phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận dễ dàng, thuận lợi.

Tại Việt Nam, PrEP dạng uống đang được sử dụng tại 26 địa phương. Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP và K=K) được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030. Với những nỗ lực và kết quả triển khai trong thời gian qua, Việt Nam dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về PrEP và K=K.

Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng HIV thông qua các mô hình cung cấp toàn diện- Ảnh 1.

Việc triển khai PrEP được cho là một bước tiến lớn trong kiểm soát tình hình nhiễm HIV.Ảnh: Thùy Chi

PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, để có được kết quả trên, Việt Nam đã triển khai chiến lược sử dụng thuốc PrEP cho 65.000 người trong năm 2023. Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong ba tháng.

Bên cạnh đó, triển khai PrEP với nhiều mô hình linh hoạt, đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP.

PrEP kỳ vọng tạo bước tiến mới trong dự phòng lây nhiễm HIV

Trải qua thời gian hơn 4 năm triển khai mở rộng điều trị dự phòng PrEP, tính đến cuối 2023, toàn TPHCM có tổng cộng 37 phòng khám công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn với gần 14.000 khách hàng đang sử dụng PrEP.

Chương trình điều trị PrEP được thí điểm tại TPHCM bắt đầu từ tháng 3 năm 2017 với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).

Kết quả thí điểm đã cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chuyển giới và bạn tình dị nhiễm. Từ tháng 4/2019, TPHCM triển khai mở rộng hoạt động điều trị PrEP đến các Quận Huyện (Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng) và một số phòng khám tư nhân.

Số lượng cơ sở dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại TPHCM đã tăng qua các năm (từ 24 phòng khám năm 2019 tăng lên đến 37 phòng khám năm 2023). Trong năm 2023, chương trình PrEP đã triển khai nhiều hoạt động tới cộng đồng như: Tổ chức toạ đàm trực tuyến về dự phòng phơi nhiễm HIV, truyền thông giáo dục sức khoẻ về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, hoạt động tập huấn nâng cao năng lực điều trị PrEP cho các phòng khám cũng được chú trọng tổ chức; đồng thời tổ chức giám sát hỗ trợ kỹ thuật định kỳ đảm bảo các phòng khám cung cấp dịch vụ PrEP chất lượng và đúng các hướng dẫn quốc gia. Ngoài ra, TPHCM cũng là 1 trong 7 tỉnh trên cả nước được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế lựa chọn để triển khai thí điểm TelePrEP.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho rằng, để tăng độ bao phủ, duy trì độ bền vững của chương trình PrEP cũng như mở rộng đối tượng can thiệp, cần những đóng góp dữ liệu thực tiễn từ các phòng khám, cơ sở y tế để đưa ra những can thiệp phù hợp. Việc thiết lập mạng lưới liên kết các phòng khám cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV là sự cần thiết để giúp kết nối thông tin một cách nhanh chóng, kỳ vọng tạo bước tiến mới trong dự phòng lây nhiễm HIV.

Trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục định hướng mở rộng hoạt động điều trị PrEP ở cả hệ thống công lập và tư nhân.Tăng cường truyền thông, mở rộng cung cấp thông tin PrEP cho thanh niên trẻ và nhân viên y tế. Xây dựng kế hoạch triển khai đa dạng mô hình, sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ PrEP như cung cấp dịch vụ lưu động, PrEP từ xa…

Mở rộng mô hình điều trị PrEP ra nhiều tỉnh, thành phố

Với những lợi ích và hiệu quả trong việc triển khai mô hình điều trị PrEP, ngày 16/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu triển khai điều trị PrEP tại Phòng khám chuyên khoa và Điều trị nghiện chất nhằm chủ động giúp người nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ.

BS Lý Văn Sơn, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế cho biết, khi tiếp cận dịch vụ điều trị PrEP, người dân được tiếp đón, tư vấn, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc HIV, giang mai, creatinin, HBsAg, Anti-HCV và tư vấn sử dụng miễn phí thuốc ARV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.

Trước đó, trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế đã triển khai điều trị PrEP lưu động trên địa bàn tỉnh. Người tham gia dịch vụ đa phần các bạn trẻ, sinh sống trên địa bàn thành phố Huế và các vùng lân cận. Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy tiếp cận dịch vụ cho đối tượng nguy cơ cao.

Tại Thừa Thiên Huế, chương trình điều trị PrEP thông qua sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu. BS Lý Văn Sơn cho rằng, chương trình điều trị PrEP tại Thừa Thiên Huế sẽ là bước tiến mới trong dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm đối tượng nguy cơ cao, tiến tới giảm số người nhiễm mới HIV trên địa bàn tỉnh.

Triển khai PrEP theo mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện

Tại Bắc Giang, triển khai PrEP theo mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện, nhằm đẩy mạnh các hoạt động điều trị PrEP cho những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV để giảm số người nhiễm mới, hướng tới chấm dứt dịch bệnh, trong năm 2024, ngành Y tế tỉnh tập trung đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ PrEP thông qua các mô hình cung cấp dịch vụ điều trị PrEP toàn diện, thân thiện, hướng tới sự hài lòng của khách hàng.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động truyền thông tạo cầu, đa dạng hóa các kênh thông tin và xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao, nhằm tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ điều trị PrEP của các nhóm đối tượng này.

Đồng thời, thiết lập mạng lưới giám sát, báo cáo điều trị PrEP lồng ghép vào mạng lưới giám sát, báo cáo phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm kết nối các dịch vụ để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng.

Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang phấn đấu tỉ lệ người MSM được điều trị PrEP đạt 30%. Số khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị PrEP ít nhất 1 lần đạt 600 người. Tỉ lệ khách hàng duy trì điều trị PrEP sau 3 tháng đạt trên 80%. Hoạt động điều trị PrEP được lồng ghép vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS, các số liệu báo cáo về PrEP được lồng ghép vào hệ thống giám sát, báo cáo chung về HIV để theo dõi tình hình dịch HIV và đánh giá hiệu quả các hoạt động điều trị PrEP.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ chủ trì triển khai gói dịch vụ điều trị PrEP tại phòng khám ngoại trú HIV/AIDS bao gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV; Điều trị PrEP; Hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP và duy trì điều trị PrEP; Sàng lọc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp và kết nối điều trị.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đoàn công tác bao gồm các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng, xét nghiệm và tư vấn viên … có kinh nghiệm chuyên môn thuộc lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS đã thực hiện khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân PrEP (Đội PrEP lưu động).

Đội PrEP lưu động mang theo trang thiết bị chuyên dụng thực hiện khám, sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm, lập hồ sơ bệnh án, kê đơn điều trị và cấp phát thuốc PrEP miễn phí từ nguồn Dự án cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị tại cộng đồng.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các Khu Công nghiệp, phối hợp cùng Đội PrEP lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cử cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của đơn vị phối hợp cùng đoàn thực hiện tư vấn, sàng lọc, hướng dẫn lập hồ sơ bệnh án điều trị PrEP cho toàn bộ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị.

Hoạt động PrEP cố định được triển khai tại phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thực hiện khám, điều trị trong giờ hành chính tất cả các ngày làm việc trong tuần.

Đối với hoạt động PrEP lưu động được thực hiện không định kỳ, tùy thuộc vào số lượng khách hàng do đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng tiếp cận được để tổ chức các buổi lưu động phù hợp tình hình thực tế.

Trước khi triển khai PrEP lưu động, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có trách nhiệm thông báo trực tiếp cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các Khu Công nghiệp để phối hợp triển khai. Hoạt động PrEP lưu động được triển khai tại các địa điểm được xác định tập trung nhiều đối tượng khách hàng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại các xã, phường, thị trấn; khu vực các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc vào mức độ tuân thủ điều trị

Lợi ích của PrEP đã được chứng minh và ngày càng có nhiều khách hàng mong muốn được sử dụng. PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Nhìn chung, nếu tuân thủ tốt, PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV.

BS Trần Văn Vinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của người sử dụng PrEP. Trong quá trình dùng PrEP, khách hàng buộc phải uống hàng ngày, mỗi ngày 1 viên, có thể uống trước hoặc sau khi ăn và nên uống vào một thời điểm nhất định để tạo thói quen uống thuốc đều đặn, nếu quên liều, cần uống khi nhớ ra. Tuy nhiên, không được uống quá 2 liều cùng 1 ngày.

Là người trực tiếp và có kinh nghiệm trong điều trị PrEP cho các khách hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, BS Trần Văn Vinh cho biết: PrEP khá an toàn, không tương tác với đa số các thuốc khác nên người dùng có thể uống cùng nhau. Số ít người thời gian đầu dùng PrEP sẽ xuất hiện tình trạng như đau dạ dày, đau đầu nhẹ, tuy nhiên các triệu chứng trên sẽ giảm và mất sau 1-2 tuần.

Hiện tại, thuốc PrEP đang được cung cấp tại 3 cơ sở điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, gồm: Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Thị xã Quế Võ và Trung tâm Y tế huyện Gia Bình, số khách hàng nhận dịch vụ PrEP ít nhất một lần tại 03 cơ sở là 423 khách hàng, trong đó số khách hàng là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỉ lệ 44,2%; nhóm tuổi dưới 35 là chủ yếu chiếm tỉ lệ 46,3% số khách hàng đang điều trị; các khách hàng đang điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên đạt 25,6%.

Qua theo dõi các khách hàng điều trị tại tỉnh chưa ghi nhận có trường hợp nào dừng điều trị do tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, quá trình triển khai điều trị PrEP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân trong nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tỉ lệ duy trì điều trị của các trường hợp nguy cơ cao còn thấp vì nhiều nguyên nhân như: Thay đổi chỗ ở, nơi làm việc, không tái khám vì chưa sắp xếp được thời gian, chủ quan thấy không còn nguy cơ lây nhiễm, thời gian hoạt động của phòng khám vào khung giờ hành chính mà đa số khách hàng đều là khách hàng ngoại tỉnh đi làm ở các công ty, do đó việc đi lại để được thăm khám, tư vấn vẫn còn giới hạn…

Ngoài ra, công tác truyền thông các vấn đề liên quan đến PrEP nói riêng, HIV/AIDS nói chung tại các trường học hay việc tiếp cận với các trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm HIV còn có tâm lý e ngại, sợ bị kỳ thị. Ðây chính là những rào cản dẫn đến việc can thiệp và điều trị HIV/AIDS chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, để công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Binh cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người có nguy cơ cao nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của việc điều trị PrEP, tập trung triển khai các giải pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao, nhất là nhóm MSM và mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đối với người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao cần điều trị PrEP thường xuyên, uống thuốc đúng, đều theo hướng dẫn của bác sĩ.

Việc triển khai PrEP được cho là một bước tiến lớn trong kiểm soát tình hình nhiễm HIV. PrEP là một biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, góp phần quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm HIV. Việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và mở rộng các hình thức điều trị PrEP được kỳ vọng sẽ giúp giảm hơn nữa số ca nhiễm mới HIV tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thùy Chi

}
Top