Nâng cao kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em

05/12/2016 10:55

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang liên tục gia tăng với mức độ ngày càng phức tạp. Nếu trước đây trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13.

Ảnh minh họa

Ngày 4/12, Dự án “Quyền của trẻ em nhập cư có hoàn cảnh khó khăn tại TP HCM” thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP HCM tổ chức hội thi “Kiến thức Quyền trẻ em và Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” cho khoảng 160 trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP HCM cho biết, hội thi là cơ hội để đưa kiến thức truyền thông cơ bản về quyền trẻ em và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, giúp cho các em tự bảo vệ chính bản thân mình và truyền đạt cho nhiều bạn bè cùng biết.

Phòng chống bạo hành, bạo lực, xâm hại đối với các em cực kỳ quan trọng vì các em là những đối tượng có  nguy cơ cao khi lao động, lang thang trên đường phố sớm và không có người lớn bảo bọc chăm sóc.

Hội thi thu hút khoảng 160 trẻ em, thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại quận 1, 7, 8, Tân Phú, huyện Bình Chánh và các em thuộc các dự án của hội tham gia.  

Ở phần thi trả lời các câu trắc nghiệm như nạn nhân bị xâm hại tình dục cần làm gì, có phải chỉ có trẻ gái mới bị xâm hại tình dục hay hậu quả của việc bị xâm hại tình dục, hầu hết các em đều trả lời đúng.

Tuy nhiên, qua phần thi xử lý tình huống cụ thể, các em vẫn còn lúng túng. Cụ thể, khi trả lời một tình huống được đặt ra là có một bạn nữ đi về trên một con đường vắng vẻ vào đêm khuya bị một người đàn ông buông lời tục tĩu và xông tới khống chế thì một số bạn loay hoay không biết làm sao.

Một bạn đưa ra phương án: “Em sẽ đi theo người đàn ông đến nơi đông người để cho hắn không dám hành động”. Một bạn khác đề xuất: “Em sẽ đánh trả lại rồi chạy nhanh tới chỗ đông người”. Một bạn khác thì hiến kế: “Nếu nói lại không được mà hắn ta vẫn nhất quyết xông tới thì em sẽ tông thẳng xe vào hắn”. Một bạn khác thì ý kiến: “Em sẽ nghe theo đề nghị của hắn và dụ dỗ hắn cởi quần ra và đá vào hạ bộ của hắn, xong bỏ chạy”.

BS Trịnh Văn Hiệp, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP HCM), thành viên ban giám khảo hội thi, nhận định: “Trước đây, kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục chưa được xã hội và gia đình quan tâm, xem như một nội dung cần trang bị cho các em học sinh, thanh thiếu niên.

Thời gian gần đây, cùng với tình trạng báo động về nạn xâm hại tình dục trẻ em thì kiến thức này mới dần dần từng bước được đưa vào nên các em còn thiếu hiểu biết và thiếu kỹ năng là chuyện bình thường. Người lớn có trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra những tình huống cụ thể, gần gũi thực tế để trẻ thực hành, vận dụng linh hoạt, khôn khéo trong từng trường hợp”.

Theo số liệu từ Bộ LĐTB&XH, trong năm năm (2011-2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số vụ xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận tại Việt Nam trong những năm qua thực tế chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

}
Top