Nâng cao ý thức chủ động của người dân trong phòng chống lao

01/04/2021 15:31

(Chinhphu.vn) - Là bệnh có thể phòng tránh, chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng thuốc, đúng phương pháp, do vậy để góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình phòng, chống lao quốc gia, nỗ lực chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, ngành Y tế đang nâng cao ý thức chủ động của người dân, giúp người dân sớm phát hiện, tiếp cận điều trị bệnh lao, cùng chung tay đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.

 

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lao. Ảnh internet

Theo số liệu thống kê, mỗi năm Hà Giang thu nhận trên 500 bệnh nhân lao các thể; tỷ lệ bệnh nhân lao tái phát, thất bại và đặc biệt là lao kháng đa thuốc ngày càng tăng. Với quyết tâm đẩy lùi bệnh lao, những năm qua Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Giang đã tổ chức nhiều hoạt động phòng chống lao. Trong đó, thực hiện quản lý, điều trị, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm lao tại cộng đồng là một điển hình. Riêng năm 2020, Bệnh viện Phổi tỉnh kết hợp với các đơn vị tổ chức khám sàng lọc bệnh lao cho trên 7.500 lượt người tại 52 xã của 3 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên. Qua đó phát hiện 490 trường hợp nghi lao và các bệnh phổi.

Tại Hà Giang, bệnh viện Phổi đã và đang từng bước là đơn vị tiên phong, đi đầu, cùng với toàn xã hội từng bước ngăn chặn, đẩy lùi bệnh lao, hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030

Để ngăn chặn, chữa trị bệnh lao, ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy hiểm, cách phòng chống bệnh, Bệnh viện Phổi tỉnh cũng chủ động trang bị các thiết bị máy móc và ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại lâm sàng, cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh sớm, chính xác. Do đó, nhiều ca bệnh nặng trước đây phải chuyển tuyến trung ương nay đã được điều trị tại tỉnh, giảm chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh.

Tại Lào Cai, ước tính của Chương trình chống lao quốc gia cho thấy, tỷ lệ mắc lao của tỉnh vào khoảng 116 ca/100.000 dân, tương đương khoảng 900 người mắc mỗi năm. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm toàn tỉnh mới phát hiện và điều trị khoảng 300 bệnh nhân lao các thể (đạt khoảng 30%), tỷ lệ điều trị thành công là 91,46%. Nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của người dân về bệnh lao, bởi đa số người bệnh lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, chưa có ý thức phòng, chống lây lan cho cộng đồng.

Tiến tới chấm dứt bệnh lao, ngành Y tế tỉnh Lào Cai yêu cầu địa phương nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bệnh lao để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, người dân sống ở vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh để người dân tiếp cận được nhiều thông tin về phòng, chống bệnh lao; huy động sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt để có thể tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

 Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới, Bệnh lao vẫn là “kẻ giết người hàng đầu” trong các bệnh truyền nhiễm, mỗi ngày có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Tại Việt Nam ước tính mỗi năm có 170.000 ca mắc lao mới, trong đó 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động.

}
Top