Ngã rẽ cuộc đời anh thợ mộc từ chuyến đi định mệnh

19/03/2019 08:52

Có nghề thợ mộc nên sau khi gom góp được 16 triệu đồng, Nguyễn Hữu Tám, SN 1964 ở Mỹ Đức, Hà Nội quyết định lên Sơn La mua gỗ về đóng đồ dùng gia đình. Thế nhưng chuyến đi ấy đã trở thành ngã rẽ cuộc đời, khiến Tám uổng phí gần 20 năm mới có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình.

Tâm sự với chúng tôi khi chỉ còn vài tháng nữa là được đoàn tụ với gia đình, Nguyễn Hữu Tám thành thật: “Tôi đã phải trả cái giá quá đắt vì một phút tham. Đúng là tiền không do sức lao động làm ra, đâu phải muốn là đạt được”.

Đánh đổi bằng một phút tham

Theo lời Tám thì ông sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm ruộng, trình độ văn hóa không có nên nhận thức còn rất hạn chế. Kinh tế lại không khá giả, chính vì thế mà việc học hành của con cái không được chú trọng. Ngoài việc ngày hai buổi ra đồng cày cấy, bố mẹ Tám chỉ biết cầu nguyện và chăm đi lễ nhà thờ nên khi Tám bỏ học khi đang học dở lớp 3, bố mẹ Tám cũng không ý kiến gì. Hỏi Tám biết nghề mộc từ đâu, nam phạm nhân cười cười: “Gần nhà có người làm nghề mộc nên tôi hay sang đó chơi. Thấy tôi dễ sai bảo nên ông ấy dạy nghề cho”.

14 tuổi bắt đầu biết cầm tràng, cầm đục, Tám đâu nghĩ rằng mình bén duyên với nghề thợ mộc từ những lần sang nhà ông hàng xóm chơi. Cho đến khi được nhận vào làm cũng là lúc Tám biết kiếm được miếng ăn cho bản thân.

Theo lời kể của người đàn ông này thì sau khi được nhận vào làm, Tám thường có những chuyến đi làm xa theo đơn đặt hàng mà ông chủ nhận. Ngoài nuôi ăn, tiền công hàng tháng Tám tích cóp gửi về cho gia đình, đỡ đần bố mẹ. 30 tuổi, Tám mới lập gia đình. “Tôi thấy người theo đạo thường lấy vợ sớm, sao anh lại lấy vợ muộn thế hay đây là vợ thứ hai?”, chúng tôi hỏi. Nam phạm nhân này cười cười, xua tay: “Người theo đạo Thiên chúa rất kỵ chuyện bỏ chồng bỏ vợ. Đã lấy rồi thì xấu tốt thế nào cũng phải chịu, không thể chịu được thì mỗi người một nơi nhưng không được bỏ”.

Được biết vợ Tám cũng là người cùng làng, cùng theo đạo công giáo và ở nhà làm ruộng. Hỏi về lý do phạm tội, Nguyễn Hữu Tám không nén nổi tiếng thở dài, đáp: “Vì tham đấy”.

Theo lời Tám thì thời điểm bị bắt, anh ta có ý định đóng bộ bàn ghế và thêm một chiếc giường nữa cho con ngủ vì lúc này hai con đã lớn, không thể nằm chung giường như trước. Nghĩ chuyện đi mua thì đắt trong khi bản thân lại có nghề thợ mộc nên Tám quyết định tự đóng lấy. Thời điểm đó xưởng gỗ mà Tám làm thuê lại đang kẹt vì đơn hàng nhiều mà gỗ nguyên liệu lại khan hiếm. Nhớ lần cùng ông chủ lên Sơn La hành nghề thợ mộc, thấy nơi đây rất sẵn gỗ nên Tám quyết định cầm tiền lên đây mua gỗ. Gom được 16 triệu đồng tiền công và tiền vợ bán lứa lợn con, Tám đón xe khách lên Mộc Châu, Sơn La.

“Tôi ở Mộc Châu 2 ngày nhưng không tìm được số gỗ ưng ý nên quyết định đi tiếp ra Phù Yên nhưng cũng không tìm được đành quay lại Mộc Châu. Ai ngờ đó là buổi chiều định mệnh đời tôi”, Nguyễn Hữu Tám kể.

Tại nông trường Mộc Châu, trong lúc Tám còn đang phân vân xem nên lựa chọn mua gỗ của người nào thì tình cờ gặp một người dân tộc. Anh ta hỏi Tám có muốn mua heroin không sẽ để rẻ cho. Theo lời người này nói thì nếu Tám mua số heroin của anh ta (khoảng 1,5 cây heroin) với giá 16 triệu đồng, đem về xuôi sẽ bán được 29 triệu đồng.

Nhìn gói ma túy người này đưa ra, thấy nhỏ gọn, dễ giấu Tám nghĩ mình lần đầu làm điều mờ ám chắc chắn chẳng ai nghi ngờ đâu nên đồng ý. “Tôi cứ nghĩ đơn giản là mình chưa bao giờ làm điều gì sai, nghiện hút, cờ bạc chưa bao giờ dính dáng đến thì chắc CA có theo dõi cũng bỏ qua tôi. Tôi chỉ nghĩ mình làm một lần rồi thôi, ai ngờ đi được một chặng đường, đến bến phà Vạn Yên thì bị bắt”, lời Nguyễn Hữu Tám.

Tại bến phà Vạn Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, Tám bị tổ công tác phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy CA tỉnh Sơn La bắt quả tang đang có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tang vật thu được là 137,99 gam heroin giấu trong túi áo comle. Với hành vi này, Tám bị TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt 20 năm tù, về trại giam Nam Hà cải tạo.

Phạm nhân Nguyễn Hữu Tám đang cải tạo ở trại giam Nam Hà

May mắn vì vợ con thông cảm

Nhìn Nguyễn Hữu Tám luôn toát lên vẻ mộc mạc, chân chất, nhất là khi kể về gia đình mình, người đàn ông có mái tóc hoa râm này bộc bạch: “Tôi lấy vợ khá muộn nên hai con giờ đều chưa có việc làm ổn định. Cháu út còn đang đi học”.

Theo lời Tám kể thì mặc dù rất buồn vì những gì mình đã gây ra làm gia đình, vợ con liên lụy song Tám vẫn còn may mắn là được vợ con thông cảm. Không được học nhiều, học cao nhưng vợ Tám vẫn không buông bỏ chồng một mình trong hoạn nạn. Những lúc nông nhàn, chị lại vào thăm nuôi, động viên Tám, giúp chồng yên tâm cải tạo. Sự hậu thuẫn của người vợ đã giúp Tám có thêm động lực không chỉ chấp hành tốt nội qui của trại mà còn hoàn thành vượt mức do cá nhân đăng ký.

“Phạm nhân chúng tôi năm nào cũng đăng ký mức thi đua để tự đề ra cho bản thân mục tiêu mà phấn đấu. Năm nào tôi cũng đăng ký xếp loại tốt và may mắn là năm nào cũng đạt được”, Nguyễn Hữu Tám khoe. Kể từ khi được vào vòng giảm án, năm nào Tám cũng nằm trong danh sách được xét giảm. Chỉ là vài tháng mỗi năm nhưng với Tám đó là phần thưởng vô giá không gì bằng để sớm có cơ hội trở về đoàn tụ với gia đình.

“Tôi đã được 6 lần xét giảm án và giờ chỉ còn khoảng vài tháng nữa là mãn hạn trở về. Ước mong thì nhiều lắm nhưng tôi sẽ quay lại nghề thợ mộc để chăm chỉ lao động. Chỉ mong sao có nhiều sức khỏe để làm việc, bù đắp những thiệt thòi mà vợ con gánh chịu do lầm lỗi của tôi gây ra”, Tám tâm sự.

Tám cười cho biết khả năng đợt này về sẽ tổ chức xây dựng gia đình cho đứa con đầu vì cũng đã lớn tuổi rồi.

Nhìn người đàn ông này vui vẻ, háo hức với những dự định của mình cho ngày ra trại sắp tới, chúng tôi hiểu rằng để có sự vui vẻ như này, Tám đã phải trả một cái giá quá đắt cho phút giây nông nổi của mình.

}
Top