Ngăn chặn ‘dòng chảy’ ma túy vào biên giới
(Chinhphu.vn) - Cuộc chiến với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới luôn diễn ra liên tục, đầy cam go và khốc liệt. Vào thời điểm cuối năm, mỗi dịp Tết đến, các hoạt động “thẩm lậu”, trung chuyển loại hàng cấm này càng có chiều hướng phức tạp, gia tăng hơn.
"Giăng lưới" bắt "mẻ cá" lớn
Một mùa Xuân mới lại về, đối với lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP), không lúc nào các anh được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Khi một chuyên án kết thúc thì cũng là lúc một chuyên án mới bắt đầu.
Trong sương mù dày đặc và cái lạnh tê tái của một đêm cuối năm, tại khu vực tỉnh lộ 152B thuộc thôn Nậm Cúm, xã Mường Bo, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, các tổ mật phục căng mình hướng về con đường độc đạo phía trước. Đúng như dự đoán, từ xa 4 chiếc xe máy lao nhanh vun vút. Đợi các đối tượng lọt vào trận địa mai phục, các mũi trinh sát đồng loạt khép chặt vòng vây.
Thấy lực lượng BĐBP, các đối tượng đâm thẳng xe vào đội hình mật phục hòng bỏ chạy nhưng không thể thoát được các lớp "lưới giăng" của ban chuyên án. Ngay lập tức, 4 đối tượng quăng xe, bỏ "hàng", chống trả nhưng đã bị các trinh sát quật ngã. Lực lượng đánh án thu giữ 3 ba lô chứa 100 bánh heroin.
4 đối tượng bị bắt giữ là: Tráng Seo Sử, Giàng Seo Mìn, Giàng Seo Din, Lý Seo Sáng, trong độ tuổi từ 20- 30 tuổi, đều là người dân tộc Mông, trú tại tỉnh Lào Cai. Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng khai đã nhận "hàng" từ nước ngoài, vận chuyển qua nhiều tỉnh, đưa về Lào Cai chờ cơ hội mang đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng, 17h ngày 29/11/2021, lực lượng đánh án tiếp tục bắt giữ thêm 2 đối tượng trong đường dây tội phạm này gồm: Pùa Láo Chăng, sinh năm 1999 và Pùa A Tỷ, sinh năm 2002, cả 2 đều trú tại tỉnh Sơn La, tang vật thu giữ gồm 180.000 viên ma túy và 1kg ma túy dạng đá.
Chia sẻ về chuyên án, Đại tá Nguyễn Văn Thái, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết, qua công tác nghiệp vụ, đầu tháng 7/2021, các trinh sát của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) đã nhận diện một đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó, đưa sang nước thứ 3 tiêu thụ. Chuyên án A721 được xác lập dưới sự chủ trì của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, phối hợp với BĐBP các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa để đấu tranh, triệt phá.
Trong nhiều tháng, lực lượng trinh sát đã thu thập thông tin, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn ma túy. Đường dây này có sự liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế từ vùng "Tam giác vàng" với khả năng điều phối "hàng" rộng khắp từ Myanmar, Lào, Thái Lan. Mỗi "phi vụ làm ăn", các đối tượng thường giao dịch số lượng ma túy lên đến hàng trăm bánh heroin, hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp. Sau thời điểm hết giãn cách xã hội, các đối tượng liên tục thuê người vận chuyển ma túy với số lượng lớn.
Đến giữa tháng 11/2021, nguồn tin từ các trinh sát báo về Ban Chuyên án cho biết, các đối tượng đang chuẩn bị thực hiện một cuộc "giao dịch" ma túy với số lượng lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó vận chuyển lên tỉnh Lào Cai chờ thời cơ để đưa sang nước thứ 3 tiêu thụ.
Mục tiêu đặt ra cho Ban Chuyên án lúc này là phải xác định vị trí, thời gian, cung đường, tuyến vận chuyển ma túy của các đối tượng để bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, cũng như thu giữ được toàn bộ tang vật.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thái, đường dây vận chuyển ma túy này hoạt động rất tinh vi, các đối tượng phân công người đi trước cảnh giới, người vận chuyển ma túy đi sau và liên tục thay đổi cung đường, địa điểm giao nhận hàng. Trong khi đó, địa bàn đánh án lại trải dài trên nhiều tỉnh, địa hình đa dạng. Vì vậy, thực hiện chuyên án này, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm và BĐBP tỉnh Lào Cai đã xây dựng thế trận liên hoàn, bố trí lực lượng từ các cánh rừng sát biên giới đến các nẻo đường lên phía Bắc để "bủa lưới". Khoảng 100 cán bộ, chiến sỹ được huy động để tổ chức vây bắt các đối tượng trên nhiều tuyến đường.
Ma túy tập kết sát biên giới Việt Nam
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đánh giá, tình hình hoạt động tại khu vực "Tam giác vàng" (khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar) rất phức tạp. Do chuỗi mua bán, vận chuyển ma túy từ trung tâm ma túy lớn thứ 2 thế giới này đi các nước bị "đứt gãy" và chính sách phong tỏa, thắt chặt kiểm soát dịch COVID-19 của các nước trong khu vực nên khi tình hình dịch ít phức tạp, chính sách kiểm soát dịch được nới lỏng, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy ngay lập tức gia tăng trên cả 3 tuyến biên giới đất liền, trọng điểm vẫn là tuyến Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) cho biết, tang vật trong các chuyên án được triệt phá gần đây là đặc biệt lớn (hàng trăm bánh heroin, hàng trăm nghìn viên MTTH, hàng chục kg ma túy đá và cần sa).
Thủ đoạn các loại tội phạm hoạt động rất tinh vi, móc nối, tìm nguồn cung, cầu ma túy, thiết lập đường dây phạm tội hoàn toàn được thực hiện thông qua mạng xã hội; thanh toán qua tài khoản ngân hàng liên quốc gia; ký gửi hàng hóa, tạo vụ việc vô chủ; vận chuyển phân đoạn qua nhiều địa bàn để "cắt đuôi" lực lượng chức năng và đặc biệt hầu hết các đối tượng vận chuyển ma túy đều có vũ khí nóng để chống trả khi bị bắt giữ…
"Đáng chú ý, nếu như trước đây, hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp chủ yếu ở khu vực "Tam giác vàng", thì hiện nay, hoạt động này đã được đưa sát về biên giới Lào, Campuchia - Việt Nam", Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh cho hay.
Thông tin từ cơ quan chức năng của Campuchia và Lào đều xác nhận đã có hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp trên địa bàn khu vực biên giới với Việt Nam. Thực tế tại Việt Nam, các lực lượng chức năng đã bắt giữ một số lượng lớn ma túy tổng hợp được sản xuất ở khu vực biên giới Campuchia, Lào. Hơn nữa, giá chênh lệch rất lớn, lãi cao khiến các đối tượng tìm mọi thủ đoạn, phương thức để buôn bán, vận chuyển.
"1kg ma túy đá nếu mua ở biên giới Lào, giáp với Myanmar giá từ 50-70 triệu đồng/kg nhưng đưa sang châu Âu thì giá lên tới 700-800 triệu đồng/kg. Hay trong chuyên án A721 vừa qua, ma túy được vận chuyển từ Lào qua Điện Biên, Lai Châu về Lào Cai, sau đó sẽ được đưa ra nước ngoài tiêu thụ với giá chênh lệch rất lớn. Giá 1 bánh heroin mua tại Lào khoảng 100 triệu đồng nhưng sang tuyến biên giới Việt - Trung thì giá lên tới 250 triệu. Như vậy, với mỗi bánh heroin trót lọt, các đối tượng thu chênh lệch được hơn 100 triệu", Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh chia sẻ.
Cũng theo Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, trong năm vừa qua, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã ra Chỉ thị để tập trung, huy động cả hệ thống chính trị về đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, tổ chức truy quét ma túy tới tận hang ổ. Theo đó, một lượng lớn ma túy được cất giấu ở biên giới Lào đang được các đối tượng tìm mọi cách đưa sang khu vực biên giới để vào Việt Nam sau đó chuyển tiếp sang nước thứ 3 tiêu thụ.
Trong thời gian qua, lực lượng công an, biên phòng đã tập trung cao độ, làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, điều tra sâu, kỹ, đánh trúng, đánh đúng đường dây và đảm bảo tuyệt đối an toàn
Tuy nhiên, khi tình hình dịch COVID-19 ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam được kiểm soát, các đối tượng phạm tội, nhất là tội phạm ma túy sẽ gia tăng hoạt động trên cả biên giới đất liền và biên giới biển. Tội phạm ma túy sẽ tăng cường "khôi phục" lại "chuỗi cung ứng", khơi thông tuyến vận chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua các nước, trong đó có Việt Nam đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Trước tình hình trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, trong thời gian tới, lực lượng BĐBP sẽ tiếp tục quán triệt, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP; các mục tiêu và giải pháp chủ yếu đã được xác định trong Chỉ thị của Bộ Quốc phòng và kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm của Bộ Tư lệnh BĐBP, đảm bảo đúng định hướng; không chủ quan, thỏa mãn với thành tích đã đạt được. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả thực hiện kế hoạch cao điểm.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm, phát động sâu rộng phong trào "Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm" ở khu vực biên giới. Nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng. Tập trung các biện pháp nghiệp vụ điều tra xác minh các tổ chức, đường dây, đối tượng để xác lập chuyên án, xây dựng kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá.
Sử dụng đồng bộ và phát huy sức mạnh của các biện pháp công tác biên phòng, nhất là tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, cảng biển, các tuyến, địa bàn trọng điểm; kết hợp kiểm soát thường xuyên, cố định với cơ động, đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, bắt giữ, xử lý tội phạm.
Ngoài ra, tăng cường biện pháp vũ trang hỗ trợ phá án, đánh bắt đối tượng, đặc biệt là các đường dây, đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và chính quyền địa phương, lực lượng chức năng các nước tiếp giáp trong trao đổi thông tin, truy bắt các đối tượng phạm tội, triệt phá các tụ điểm tập kết ma túy ở hai bên biên giới.
Hoàng Giang