Ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV

16/08/2024 16:46

(Chinhphu.vn) - Xin cho hỏi hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV tại cơ sở y tế thì có bị phạt không? N.N.L (Thái Nguyên).

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 như sau:

5. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.

Ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Như vậy, theo quy định trên thì những hành vi bị xem là hành vi phân biệt đối xử với người nhiễm HIV gồm có: Hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.

Sẽ xử phạt đối với cơ sở y tế phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 về những hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác.

2. Đe dọa truyền HIV cho người khác.

3. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

4. Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được mình giám hộ nhiễm HIV.

5. Công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này.

6. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV.

7. Bắt buộc xét nghiệm HIV, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 của Luật này.

8. Truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể có HIV cho người khác.

9. Từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

10. Từ chối mai táng, hoả táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

11. Lợi dụng hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật.

12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, pháp luật nghiêm cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Thế nên, cơ sở y tế không được phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV. Nếu cơ sở y tế có hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Xử phạt từ 5-10 triệu nếu phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV

Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 23 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV như sau:

Vi phạm quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV

2. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người lao động dự tuyển, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng theo quy định của Chính phủ;

b) Từ chối tiếp nhận học sinh, sinh viên, học viên vì lý do người đó nhiễm HIV;

c) Từ chối tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào cơ sở bảo trợ xã hội vì lý do nhiễm HIV;

d) Cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; người giám hộ bỏ rơi người được giám hộ nhiễm HIV;

đ) Tách biệt, hạn chế, cấm đoán học sinh, sinh viên, học viên tham gia các hoạt động, dịch vụ của cơ sở vì lý do người đó nhiễm HIV;

e) Phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV;

g) Bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

c) Buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều này;

Và căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

Quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo đó, trường hợp mà cơ sở y tế có hành vi phân biệt đối xử trong chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ sở y tế có hành vi vi phạm trên còn bị buộc xin lỗi trực tiếp người bị phân biệt đối xử nói trên theo quy định của pháp luật.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là "chìa khóa" quan trọng để Việt Nam giảm tỉ lệ ca mắc mới, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Không kỳ thị sẽ giúp người nhiễm HIV chiến thắng được sự sợ hãi và tuân thủ tốt điều trị, sống khỏe mạnh và cống hiến cho gia đình và xã hội. Không chỉ có vậy, họ còn có thể sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả góp phần quan trọng vào sự thành công trong phòng, chống HIV/AIDS…

Thùy Chi

hiv
}
Top