Ngăn chặn kịp thời tình trạng trồng cây thuốc phiện

16/02/2024 13:06

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ Công an, tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên tại một số địa bàn vẫn xảy ra tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện, cây cần sa xen lẫn với các loại cây hoa màu, diện tích nhỏ lẻ; trồng cần sa tại các căn hộ khu chung cư...

Ngăn chặn kịp thời tình trạng trồng cây thuốc phiện- Ảnh 1.

Lực lượng Công an huyện Giao Thủy, Nam Định kiểm tra vườn rau có gần 300 cây anh túc - Ảnh: Công an Nam Định

Trong 2 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng người dân trồng cây thuốc phiện tại Nam Định, Lạng Sơn... Thủ đoạn phổ biến là trồng tại nhà riêng, vườn nhà hoặc trồng đan xen với cây hoa màu... để ngâm rượu, chữa bệnh hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Mới đây, ngày 13/2, Công an huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) phát hiện tại vườn trồng rau của nhà ông N.X.H (sinh năm 1969, trú tại xóm 8, xã Giao Yến) có trồng 295 cây thuốc phiện (cây anh túc).

Ông H khai nhận được một người cho hạt giống, do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã gieo trồng từ tháng 9/2023 để lấy thân, quả ngâm rượu, uống chữa đau lưng.

Thời điểm phát hiện, 295 cây anh túc được trồng lẫn với các loại rau trong vườn, có kích thước, chiều cao khác nhau, nhiều cây mới ra lá. Trong đó có 35 cây anh túc đã có hoa, một số cây có quả non to bằng quả quất.

Tương tự tại Lạng Sơn, chỉ trong tháng 1, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện 5 vụ trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà dân.

Qua công tác nắm tình hình địa bàn, ngày 25/1, tổ công tác Công an thị trấn Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) phát hiện tại khu vườn của ông H.C.R (sinh năm 1974, trú tại khối phố Tân Thành, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia) trồng trái phép 450 cây thuốc phiện trên diện tích 150m2, chiều cao khoảng 20cm. Qua xác minh ban đầu, Ông R khai mục đích trồng cây thuốc phiện để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Trước đó, ngày 19/1, Công an huyện Chi Lăng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện tại khu vườn phía trước nhà của chị H.T.M.H (sinh năm 1998, thôn Suối Mạ, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng0 trồng 259 cây thuốc phiện, có chiều cao từ 3cm – 15cm. Chị H khai nhận số cây thuốc phiện trên đã được gieo trồng khoảng 1 tháng với mục đích để làm thuốc chữa bệnh cho gia cầm.

Cùng ngày Công an xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc phát hiện tại vường nhà bà H.T.D (sinh năm 1971, trú tại thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) trồng 386 cây thuốc phiện, có chiều cao từ khoảng 15cm, được trồng xen kẽ với các loại rau. Bà D khai nhận số cây thuốc phiện trên trồng từ tháng 10/2023 với mục đích để chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, 2 vụ việc khác vào ngày 9/1 và ngày 10/1, lực lượng chức năng phát hiện gần 500 cây thuốc phiện tại nhà hộ dân tại huyện Văn Lãng và 451 cây tại TP.Lạng Sơn.

Không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng cây thuốc phiện sẽ có nguy cơ lan rộng

Theo cơ quan Công an, thuốc phiện là loại cây bị cấm trồng, nếu bị phát hiện người trồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, khi gieo trồng cây thuốc phiện người ta thường lén lút trồng ở những nơi khuất hoặc vùng sâu, vùng xa mà cơ quan chức năng khó có thể tiếp cận được.

Ngoài ra, loại cây này, khi còn bé cũng giống như các loại cây rau màu khác trồng trong vườn nên việc phát hiện là rất khó khăn. Hầu hết các vụ việc phát hiện, xử lý khi cây đã sinh trưởng, phát triển và ra hoa, thậm chí đã kết quả với những đặc trưng nhận biết riêng biệt.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cũng cho biết, trong hầu hết các vụ việc phát hiện, người dân chỉ bị xử lý hành chính (do chưa đến mức xử lý hình sự) nên hiệu quả răn đe thấp, dẫn đến tình trạng trồng cây chứa chất ma túy vẫn có nguy cơ diễn ra tại nhiều địa phương, không kể ở khu vực nông thôn, miền núi hay thành thị.

Cùng với việc một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời; không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc khi bị phát hiện thì viện lý do đời sống khó khăn, phải tìm kế sinh nhai khiến cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong xử lý, chủ yếu là nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến hiệu quả răn đe không cao.

Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về an ninh trật tự.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng trên, trong thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và công an cơ sở (cấp xã) cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về những tác hại, ảnh hưởng của việc sử dụng cây thuốc phiện, cây cần sa và những sản phẩm từ cây thuốc phiện, cây cần sa đối với sức khỏe con người. 

Tuyên truyền những quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật (nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021) đối với các hành vi liên quan đến việc trồng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép cây thuốc phiện, cây cần sa. Vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm ma túy, các hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép tại nhà riêng, vườn nhà, các địa điểm công cộng... của các đối tượng với cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng để nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm ma túy; trên cơ sở đó có phương án phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả; rà soát, phát hiện các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy để nhanh chóng triệt xóa và triển khai các biện pháp phòng chống tái trồng; hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp, hỗ trợ về lực lượng, phương tiện giúp Công an các quận, huyện, thị xã tập trung đấu tranh với các đối tượng, đường dây tội phạm về ma túy; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở (nhất là công an cấp xã) tăng cường công tác quản lý hành chính, rà soát nắm chắc nhân hộ khẩu đề phòng ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các đối tượng trồng, chế biến, sử dụng trái phép sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy.

Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những đối tượng có nghi vấn liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, đặc biệt là việc rao bán hạt giống, hướng dẫn phương thức, cách trồng cây có chứa chất ma túy trên mạng internet (qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram…) để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Tại Điều 247, Bộ luật Hình sự quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cần sa hoặc các loại cây chứa chất ma túy nếu người trồng những loại cây này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm khi liên quan đến các trường hợp: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm; trồng từ 500 - dưới 3.000 cây. Người nào trồng 3.000 cây trở lên, phạm tội có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng theo Khoản 3, Điều 21, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP./.

Hoàng Giang

}
Top