Ngành Kiểm sát tăng cường công tác phòng chống và kiểm soát ma túy

13/01/2020 10:36

Viện kiểm sát các cấp tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án ma túy; chú ý các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài...

Ảnh minh hoạ

VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong ngành KSND.

Kế hoạch nêu rõ: Ban cán sự đảng, cấp ủy, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp quán triệt, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, đầy đủ tại cơ quan, đơn vị các nội dung của Chỉ thị số 36-CT/TW và Kế hoạch số 88/KH-VKSTC ngày 13/9/2012 về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trong ngành KSND.

Theo chức trách nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch số 88/KH-VKSTC ngày 13/9/2012 của VKSND tối cao về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược phòng, chống ma túy cho giai đoạn tiếp theo, bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao.

Tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án ma túy; chú ý các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động xác minh, truy tìm làm rõ tình trạng tài sản của bị can để áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản đối với nguồn tài sản bất minh, tài sản đảm bảo thi hành án của các đối tượng phạm tội về ma túy, xử lý đối với tài sản do phạm tội mà có.

Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, tập huấn nghiệp vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường phối hợp liên ngành để quản lý tình hình, nắm bắt nguyên nhân và điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm về ma túy; kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để rà soát, khắc phục những sơ hở thiếu sót trong quản lý Nhà nước, chú ý đến lĩnh vực quản lý biên giới, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý tiền chất ma túy, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý người nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam... không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Kiện toàn, sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy đảm nhiệm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong ngành Kiểm sát; nghiên cứu hoàn thiện Quy chế tổ chức hoạt động và chức trách, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có nội dung nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Tăng cường năng lực cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức trực tiếp giải quyết án ma túy đảm bảo tinh, mạnh, trong sạch, có nhiệt huyết để phục vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự qua công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy. Tích cực tham gia góp ý xây dựng vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma túy và hoàn thiện các văn bản pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Nghiên cứu ban hành kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác lập hồ sơ, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung khắc phục tình trạng rườm rà, không khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Chủ động nghiên cứu khoa học để đưa ra đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống ma túy phù hợp với tình hình hiện nay. Phối hợp thực hiện dự án "Hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và năng lực xử lý án ma túy của VKSND, TAND các cấp”; thu thập, quản lý hệ thống dữ liệu và phân tích, xử lý thông tin về tình hình ma túy trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, trước hết với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ ngoại giao chính thức và các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Cơ quan phòng chống ma túy của Hoa Kỳ. Thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế trong phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết, nhất quán quan điểm không hợp pháp hóa các chất ma túy.

Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy trong ngành KSND; tập trung vào tuyên truyền các hoạt động của ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, từ đó từng bước tạo sự chuyển biến nâng cao nhận thức của toàn dân về vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát trong công tác phòng, chống ma túy...

Top