Ngày không phân biệt đối xử - Chấm dứt bất bình đẳng
(Chinhphu.vn) - Vào “Ngày Quốc tế Không phân biệt đối” xử năm nay (1/3), UNAIDS nêu bật nhu cầu cấp thiết phải hành động để chấm dứt bất bình đẳng xung quanh thu nhập, giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, nghề nghiệp, khuyết tật, khuynh hướng tình dục, sử dụng ma túy, bản dạng giới, chủng tộc, giai cấp, sắc tộc và tôn giáo vẫn tiếp tục tồn tại trên khắp thế giới.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng và anh Đỗ Đăng Đông, Trưởng mạng lưới người sống chung với HIV hưởng ứng Ngày Quốc tế Không phân biệt đối xử. Ảnh: Tống Nam |
Bất bình đẳng đang gia tăng đối với hơn 70% dân số toàn cầu, làm trầm trọng thêm nguy cơ chia rẽ và cản trở sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong đó, COVID-19 đang tấn công những người dễ bị tổn thương nhất - ngay cả khi vaccine mới chống lại COVID-19 đang được cung cấp, vẫn có sự bất bình đẳng lớn trong việc tiếp cận chúng trên thế giới. Nhiều người đã đánh đồng điều này với “vaccine phân biệt chủng tộc”.
Phân biệt đối xử và bất bình đẳng gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc đan xen các hình thức phân biệt đối xử có thể dẫn đến một loạt các bất bình đẳng; ví dụ, về thu nhập, giáo dục, sức khỏe và việc làm. Tuy nhiên, bản thân những bất bình đẳng cũng có thể dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử. Do đó, điều quan trọng là phải giảm bớt bất bình đẳng để giải quyết vấn đề phân biệt đối xử. Các thành viên của các nhóm dân cư quan trọng thường bị phân biệt đối xử, kỳ thị và trong nhiều trường hợp, bị cơ quan thực thi pháp luật hình sự hóa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự phân biệt đối xử về cơ cấu và xã hội dẫn đến sự bất bình đẳng đáng kể trong việc tiếp cận công lý và chăm sóc sức khỏe.
Đối mặt với bất bình đẳng và chấm dứt phân biệt đối xử
Đối mặt với bất bình đẳng và chấm dứt phân biệt đối xử là rất quan trọng để chấm dứt AIDS. Thế giới đang đi chệch hướng trong việc thực hiện cam kết chung để chấm dứt AIDS vào năm 2030 không phải vì thiếu kiến thức, khả năng hoặc phương tiện để đánh bại AIDS, mà vì sự bất bình đẳng về cơ cấu cản trở các giải pháp đã được chứng minh trong phòng, chống và điều trị HIV. Ví dụ, nghiên cứu gần đây cho thấy những người nam có quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp đôi nếu họ sống ở một quốc gia có luật pháp trừng phạt/kì thị đối với khuynh hướng tình dục hơn là nếu họ sống ở một quốc gia có luật pháp hỗ trợ.
Giải quyết bất bình đẳng không phải là một cam kết mới. Vào năm 2015 tất cả các quốc gia đã cam kết giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia như một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng nó vẫn chưa phải là cái mà thế giới đã hoàn thành. Cùng với vai trò cốt lõi để chấm dứt AIDS, giải quyết bất bình đẳng cũng sẽ thúc đẩy quyền con người của những người đang sống chung với HIV, giúp xã hội chuẩn bị tốt hơn để đánh bại COVID-19 và các đại dịch khác, đồng thời hỗ trợ phục hồi và ổn định kinh tế. Giải quyết bất bình đẳng sẽ cứu sống hàng triệu người và mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Để làm được điều này, chúng ta phải đối mặt với sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức của nó.
Nhưng để đạt được điều đó, các chính sách chính trị, kinh tế và xã hội cần phải bảo vệ quyền của mọi người và chú ý đến nhu cầu của các cộng đồng yếu thế và bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Kết thúc bất bình đẳng đòi hỏi sự thay đổi. Cần có những nỗ lực lớn hơn để xóa đói nghèo cùng cực và cần đầu tư nhiều hơn vào y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và tạo việc làm tốt.
Các chính phủ phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội toàn diện. Họ phải loại bỏ luật pháp, chính sách và thực hành phân biệt đối xử để bảo đảm cơ hội bình đẳng và giảm bất bình đẳng.
Nhưng tất cả chúng ta có thể làm tốt vai trò của mình bằng cách kêu gọi loại bỏ sự phân biệt đối xử ở nơi chúng ta nhìn thấy, bằng cách nêu gương hoặc bằng cách vận động thay đổi luật pháp. Tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc chấm dứt phân biệt đối xử và từ đó giảm bớt bất bình đẳng.
Chúng ta cần nỗ lực để đạt được sự phát triển bền vững và làm cho hành tinh tốt đẹp hơn, cho tất cả mọi người có cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày Không phân biệt đối xử này hãy cùng nhau nâng cao nhận thức về những bất bình đẳng ngăn cản mọi người có cuộc sống đầy đủ và chất lượng, đồng thời yêu cầu các chính phủ thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình để chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử.
Tống Nam