Ngày Thế giới phòng, chống AIDS: Cộng đồng tạo nên sự khác biệt

27/11/2019 15:31

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng, chính vì thế Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) năm nay còn chọn chủ đề cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01/12) là “Communities make the diference - Tạm dịch là Cộng đồng tạo nên sự khác biệt”.

 Tổ chức dựa vào cộng đồng xét nghiệm HIV cho những người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

TS. Hoàng Đình Cảnh cho hay, khi nói về các tổ chức cộng đồng, ở đây chúng ta thường hiểu đó là các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng hay các mạng lưới của các nhóm có hành vi nguy cơ cao, dễ bị tổn thương như người nghiện ma túy, người quan hệ tình dục đồng giới, người hoạt động mại dâm, người nhiễm HIV... Đây là các tổ chức đóng vai trò rất quan trọng.

Chủ đề “Cộng đồng tạo nên sự khác biệt” cũng muốn nói lên vai trò hay tầm quan trọng của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Với đặc thù của HIV nhất là những người nhiễm HIV ban đầu thường liên quan đến các hành vi không an toàn trong nhóm người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới...do đó kỳ thị phân biệt đối xử còn nặng nề.

Với những nhóm này thì hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn với các đối tượng này so với các tổ chức xã hội để truyền thông, tư vấn, cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.

Ước tính ở Việt Nam, các tổ chức xã hội đã đóng góp từ 25-50%  trong một số các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS mà các tổ chức xã hội có lợi thế. Ngoài cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà, thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cấp các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá cũng rất hiệu quả.

“Như vậy có thể nói các tổ chức cộng đồng có vai trò to lớn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tuy vậy, các tổ chức cộng đồng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”, TS. Hoàng Đình Cảnh nói.

Trong thời gian qua, hoạt động của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu nhờ tài trợ kinh phí từ các tổ chức quốc tế. Các tổ chức quốc tế đang cắt giảm viện trợ. Nếu không có nguồn lực trong nước, các tổ chức xã hội sẽ không thể tiếp tục tham gia cung cấp các dịch vụ trong phòng, chống HIV/AIDS. Khi đó cũng sẽ lãng phí một nguồn lực có khả năng hỗ trợ nhà nước trong cung cấp dịch vụ và nhiều đối tượng sẽ không thể tiếp cận dịch vụ.

Trong những năm gần đây, năng lực trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức xã hội đã được nâng cao, nếu không tiếp tục sử dụng các tổ chức xã hội, chúng ta sẽ lãng phí một nguồn nhân lực có kinh nghiệm. Việt Nam sẽ khó có thể đạt được mục tiêu dự phòng lây nhiễm HIV và mục tiêu 90-90-90 để tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 nếu không tiếp tục huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Do vậy, để duy trì sự bền vững của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, theo TS Hoàng Đình Cảnh, ngoài việc tiếp tục vận động huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế thì song song cần có cơ chế chính sách để các tổ chức cộng đồng ở Việt Nam có thể sử dụng được ngân sách nhà nước vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Ví dụ như triển khai các hợp đồng xã hội mà bản chất là hợp đồng giữa một bên là nhà nước với một bên là các tổ chức cộng đồng, qua đó hai bên thống nhất cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được yêu cầu, với chi phí theo thỏa thuận.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội cũng cần nâng cao năng lực của chính tổ chức mình để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và có đủ kinh nghiệm để cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS một cách hiệu quả.
}
Top