Nghị lực của chuyên gia 21 năm sống chung với HIV
Người đàn ông mới 39 tuổi nhưng đã 21 năm mang trong mình HIV. Vượt qua những trở ngại, thử thách anh đã nỗ lực học tập, cống hiến hết mình với các hoạt động xã hội.
Kỳ 1: Không bao giờ quá muộn để bắt đầu
Chúng tôi tìm đến Văn phòng làm việc của anh Đồng Đức Thành vào một ngày trung tuần tháng mười se lạnh. Hiện tại, anh đang là chuyên gia của Quỹ toàn cầu phòng chống HIV-AIDS, Ủy viên thường vụ Hội phòng chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội, thành viên của Mạng lưới những người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP ). Người đàn ông ngồi đối diện với tôi, chuẩn bị bước sang tuổi tứ tuần nhưng trông anh rất lạc quan, gương mặt trẻ hơn tuổi thực của mình.
![]() |
Anh Đồng Đức Thành làm việc tại văn phòng - Ảnh: Bình Nguyên |
Trò chuyện với chúng tôi, anh kể lại, thời sinh viên chưa bao giờ anh biết đến HIV, anh và các bạn nghĩ rất đơn giản: Si đa si điếc chắc ở đâu đó các nước tư bản như Mỹ hay Hồng Kông ăn chơi trụy lạc, chứ ở Việt Nam chỉ nghe vậy, làm gì có thật. Nếu có cũng chỉ một vài người chẳng đến lượt mình. Năm 1998, cầm tấm bằng Cao đẳng Kỹ thuật Mỏ trong tay, anh tự xin việc tại một công ty than ở Quảng Ninh. Nhờ cầu tiến, chịu khó, chỉ một thời gian anh được đề xuất lên làm Phó quản đốc phân xưởng ở Công ty than. Trong thời gian đi làm thấy mệt mỏi, không có hứng thú gì vào công việc, thỉnh thoảng lại bị đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy kéo dài, anh bắt đầu nghi ngờ mình có những dấu hiệu của AIDS. Khi nghĩ đến người bạn một thời sinh viên gắn bó ở trường Mỏ đã qua đời vì AIDS, anh quyết định tạm gác công việc lên Hà Nội khám. Nhận kết quả, anh cảm thấy choáng váng như không nghe thấy gì, cũng không biết cái gì đang diễn ra xung quanh. Tin tưởng người sếp quản lý, anh quyết định nói thật tình trạng của mình, biết tin, người này đã gợi ý cho anh tự viết đơn xin nghỉ việc… Thời điểm đó, anh cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa nhưng không có can đảm để tự sát.
Anh nhớ lại, thời điểm đó, đến nhà người cô chơi, người chồng của cô không cho ngủ trong nhà, khi anh giải thích, họ đáp: bệnh này không lây nhưng nó sẽ sinh ra các bệnh khác, cả nhà sẽ lây bệnh khác. Trong lúc hoang mang, anh Thành được một người bạn khuyên nên tham gia vào các hoạt động xã hội. Anh bắt đầu tham gia công việc như: Làm tư vấn viên đồng đẳng, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su…
Trong khoảng thời gian “sống có trách nhiệm với chính mình và cuộc đời”, tình cờ anh được gặp tiến sĩ David Stephens, người đã sống chung với HIV trong một thời gian dài. Theo anh Thành, đây là một người “rất đặc biệt trong cuộc đời tôi”. Vị tiến sĩ tốt bụng này cũng là một người nhiễm HIV, có vợ con không bị nhiễm bệnh. Mới đầu, David còn sợ Chính phủ Việt Nam trục xuất về nước nên giấu. Là người cùng cảnh ngộ, khi được nghe Thành chia sẻ, có dịp sang Thái Lan công tác, David đã mua thuốc ARV do Thái Lan sản xuất. Những chuyến đi công tác anh có cơ hội được đứng trước rất nhiều người cùng cảnh để chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân và những kiến thức đã được học từ tổ chức CARE và Policy.
Nói về Đồng Đức Thành, ông David Stephens - nguyên cố vấn thường trú dự án Sáng kiến chính sách về y tế (HPI) nhận xét: "Đối với Thành, tôi có một ấn tượng sâu sắc. Ẩn chứa bên trong cơ thể mảnh mai của người thanh niên Việt Nam là một ý chí mạnh mẽ, nguồn nghị lực dồi dào… Với tôi, Thành không chỉ là đồng nghiệp mà còn là một người bạn”.
Những ngày đầu đi tuyên truyền
Nhớ lại những buổi đầu đi tiếp cận, anh trải lòng, mỗi lần bán được một cái bao cao su hay tư vấn cho một thân chủ, anh cảm thấy như mình làm được việc tốt. Anh nhớ lại, ngày nào ở khu vực gần nhà cũng có người chết, và chỉ khi họ chết, người dân mới biết họ chết vì AIDS. Anh muốn lập một câu lạc bộ dành cho người có HIV ở Hạ Long, nhưng tìm mãi không có ai nhận là mình nhiễm HIV cả. Theo anh, thành công không phải là điều gì lớn lao, sống có giá trị là bạn đã thành công rồi.
![]() |
Anh Thành cùng các đồng nghiệp tham gia tập huấn - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Khi được hỏi về kỷ niệm trong thời gian làm giáo dục đồng đẳng, anh chia sẻ, một lần anh đến một nhà hàng để tiếp cận với người hành nghề mại dâm và bán bao cao su. Anh thấy người bán dâm đứng xếp hàng y hệt như thời bao cấp chen nhau đi mua thực phẩm vậy. Ấn tượng nhất là một cậu học sinh lớp 11 lẵng nhẵng bám theo theo một phụ nữ: Chị ơi, chị bớt cho em mười nghìn đồng được không ạ? Vì em còn đi học chưa làm ra tiền mà.
Anh kể, những ngày đầu, nhiều người không tin chúng tôi cũng là người nhiễm HIV mà nghĩ là chuyên gia ở Hà Nội về. Các bạn cùng cảnh của anh đa số là mù kiến thức về điều trị. Họ không biết được khi nào thì cần phải uống thuốc và uống suốt đời.
Anh trải lòng, bắt đầu từ dự án “Đương đầu với AIDS tại nơi làm việc Quảng Ninh”, dần dần anh có cơ hội trở thành thành viên của tổ chức khác: tổ chức CARE Việt Nam, dự án "Sáng kiến chính sách về y tế (HPI) tại Hà Nội"... Khi được hỏi về vai trò việc tiếp cận điều trị, anh cho hay: Tiếp cận điều trị không chỉ kéo dài cuộc sống mà còn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người sống chung với HIV, mang lại giá trị cho bản thân và gia đình. Chúng tôi cần được tiếp cận với thuốc kháng virus bậc 1 cũng như bậc 2 với chi phí thấp hơn.
(còn tiếp)