Nghị lực vươn lên của những phụ nữ nhiễm HIV

03/07/2018 15:35

Khi biết mình bị lây nhiễm virus HIV, không ít người dám đối mặt với thực tại, mà chọn cho mình lối thoát tiêu cực. Nhưng khi HIV/AIDS có sự hỗ trợ tích cực hơn từ cộng đồng thì đã có ngày càng nhiều người lạc quan, tin tưởng vào tương lai, vượt qua bóng tối nghiệt ngã của cuộc đời để sống khỏe, có ích cho gia đình và xã hội.

Chị N.T.H (ngồi bên phải) chia sẻ, tâm sự với phóng viên Báo Phú Thọ về quá trình chiến đấu với HIV/AIDS. Ảnh: Hồng Huế

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Thọ, trong tổng số hơn 1.700 người nhiễm HIV đang được quản lý và điều trị ARV thì có trên 20% là phụ nữ. Hầu hết trong số họ đều bị lây nhiễm HIV thụ động từ chồng mà trường hợp của chị N.T.H. sinh năm 1970 (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) là một ví dụ.

Năm 2000 chị N.T.H. kết hôn và sau 7 năm chung sống, chị H mới phát hiện chồng nhiễm HIV. Đau đớn hơn do không biết nên cả chị và đứa con trai sinh năm 2003 bị nhiễm. Nỗi đau chồng chất nỗi đau đã khiến chị H gần như suy sụp hoàn toàn và mất niềm tin vào cuộc sống.

Chị H tâm sự: “Năm 2014, tôi được biết đến chương trình điều trị bằng ARV là thuốc kháng virus, có thể kéo dài sự sống cho người nhiễm HIV. Vì thế tôi tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để được các bác sĩ tư vấn và điều trị, nhờ thế sức khỏe tôi dần hồi phục”.

Nhiều người biết tình trạng bệnh của chị đã tỏ ra cảm thông và tạo cơ hội cho chị có việc làm, tăng thu nhập từ bưng bê, rửa bát ở quán ăn đến thợ phụ hồ, ai thuê gì chị đều không nề hà. Vượt qua tất cả, giờ đây chị đã chứng minh được với mọi người rằng người bị HIV vẫn có thể hòa nhập, sống khỏe mạnh và có ích như bao người bình thường khác... Dù số tiền ít ỏi mà chị kiếm được mỗi ngày chỉ đủ để nuôi hai con ăn học nhưng chị vẫn nỗ lực hết mình để mơ về một tương lai tốt đẹp hơn cho các con. Ngoài việc nuôi dạy các con học tập thật tốt chị H còn hướng dẫn con trai cách phòng tránh việc lây truyền bệnh cho các bạn cũng như mọi người xung quanh. 

Vượt qua chính mình, sống hòa đồng tại cộng đồng chính là động lực để những người có HIV sống tốt hơn, tự tin vào bản thân và nỗ lực hơn trong cuộc sống.  Chị N.T.D sinh năm 1979, ở khu 8, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê từ hơn chục năm trước, đã phát hiện mình bị lây nhiễm HIV từ chồng.

“Hàng xóm truyền tai nhau nói nhà nó bị AIDS đến gần cũng lây; đi chân đất sang nhà nó cũng lây; uống nước cũng lây. Tôi nghe thấy buồn và mặc cảm lắm, thậm chí khi nhà mình có chuyện vui, buồn không có một ai dám đến hỏi thăm, chia sẻ. Những lúc mọi người trong gia đình đau ốm, tôi cũng không nhờ được sự giúp đỡ của ai”, chị D chia sẻ.

Để giúp chị em nhiễm HIV như chị H, chị D lấy lại niềm tin trong cuộc sống, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã mở nhiều buổi tọa đàm, truyền thông vận động hội viên nhiễm HIV tham gia để được nghe những chia sẻ của các nhóm cộng đồng về HIV. Từ đó giúp các chị em xóa tan mặc cảm và mạnh dạn công khai với cộng đồng về tình trạng sức khỏe của mình.

Là người được lắng nghe những chia sẻ tại các buổi tuyên truyền chị D đã tự tin đăng ký là thành viên của câu lạc bộ “Nối những vòng tay”, tổ “Khâu nón lá”, đội công tác xã hội tình nguyện do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Sông Thao phát động nhằm giúp đỡ phụ nữ yếu thế hòa nhập cộng đồng. Từ thực tế bản thân, chị D đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong ứng xử với các tình huống khi gặp phải trong cuộc sống để các chị em trong tổ, nhóm, câu lạc bộ hiểu và có cách điều trị, uống thuốc đúng định kỳ.

Đồng thời, chị D đã tạo được niềm tin và động lực để những thành viên trong các câu lạc bộ tự tin dần công khai căn bệnh nan y mà họ là nạn nhân, từng bước nỗ lực sống, để cho mọi người thấy nhiễm HIV không còn là con đường chỉ dẫn đến cái chết như mọi người từng nghĩ.

Giờ nhắc đến chị D người dân trong khu đều hết lời khen về những nỗ lực của chị trong cuộc sống hàng ngày. Thấy hoàn cảnh chị còn nhiều khó khăn Hội phụ nữ đã giúp vay vốn để chị phát triển kinh tế, thành lập tổ “Khâu nón lá” giúp chị D và các hội viên nhiễm HIV khác có thêm thu nhập.

Không chỉ nỗ lực vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của bản thân, xã hội để sống khỏe, lao động tốt mà chị H và chị D còn là những tuyên truyền viên đồng đẳng tích cực trong phòng chống HIV/AIDS. Với đội ngũ gồm hơn 600 nhân viên tiếp cận cộng đồng đang hàng ngày giúp đỡ, cảm hóa các đối tượng lầm lỡ, hướng dẫn người dân, nhất là nhóm có hành vi nguy cơ cao thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc, điều trị ARV.

Bên cạnh đó, để động viên chị em nhiễm HIV có thêm nghị lực vượt qua khó khăn phải nói đến sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Cán bộ Hội đã quan tâm, thường xuyên gặp gỡ và trao đổi với các chị để chia sẻ và trang bị kiến thức, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, các cấp hội còn tích cực đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong phòng, chống HIV/AIDS. Nhiều mô hình truyền thông phòng chống HIV/AIDS được xây dựng tại các chi Hội phụ nữ trong tỉnh như  mô hình câu lạc bộ: “phòng chống HIV/AIDS”, “phòng chống tệ nạn xã hội”, “Cành cọ xanh”, “Hoa sim tím”... Từ sự hỗ trợ đó, nhiều hội viên đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, sức khỏe dần ổn định, góp sức mình tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS và giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS trong cộng đồng.
}
Top