Nghiên cứu sự liên quan giữa các biến thể của virus SARS-CoV-2 và HIV
24/12/2021
09:57
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong nhiều tháng ở những bệnh nhân nhiễm HIV chưa dùng thuốc điều trị vì nhiều lý do.
Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử của virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP
Các nhà khoa học Nam Phi đang tìm hiểu "giả thuyết rất hợp lý" rằng sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu có thể liên quan đến các đột biến lớn xảy ra ở nhhững bệnh nhân mắc COVID-19 vốn đã bị suy giảm miễn dịch do các nhân tố khác, trong đó có người nhiễm virus HIV không được điều trị.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong nhiều tháng ở những bệnh nhân nhiễm HIV chưa dùng thuốc điều trị vì nhiều lý do.
Theo Giáo sư Linda-Gayle Bekker, người đứng đầu Quỹ Phòng chống HIV Desmond Tutu ở Cape Town (Nam Phi), bình thường hệ miễn dịch của con người sẽ đào thải một virus khá nhanh, song ở một số người bị ức chế miễn dịch, virus vẫn tồn tại và nhân lên. Khi nhân lên, virus có thể tạo ra các đột biến.
Hai trường hợp đáng lưu ý đã được phát hiện tại các bệnh viện ở Nam Phi. Đầu năm nay, một phụ nữ liên tục có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 trong gần 8 tháng và virus này đã trải qua hơn 30 lần biến đổi gene.
Giáo sư Tulio de Oliveira, trưởng nhóm nghiên cứu xác nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron, lưu ý rằng 10 đến 15 trường hợp tương tự đã được tìm thấy ở các nơi khác trên thế giới, trong đó có Anh.
Theo ông, đây là những trường hợp rất hiếm gặp, song có thể lý giải những người bị ức chế miễn dịch có thể là nguồn khiến virus đột biến.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lưu ý sự xuất hiện của biến thể Alpha có liên quan đến một bệnh nhân đang được điều trị ung thư ở Anh.
Giáo sư Salim Karim, chuyên gia hàng đầu về HIV và từng là Chủ tịch Ủy ban cố vấn về COVID-19 của Chính phủ Nam Phi, nhấn mạnh mối liên quan giữa ức chế miễn dịch với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 chỉ là "một giả thuyết hợp lý" nhưng chưa được chứng minh.
Ông nhấn mạnh việc phát hiện 5 biến thể từ 4 châu lục khác nhau cho thấy việc áp dụng lệnh cấm đi lại với các nước châu Phi là thái quá.
Theo các nhà khoa học, có nhiều lý do khiến hệ miễn dịch của con người có thể bị tổn thương. Giáo sư Marc Mendelson, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Groote Schuur của Cape Town, nêu rõ việc mắc các bệnh như tiểu đường, ung thư, các bệnh tự miễn, lao mạn tính, béo phì là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm miễn dịch.
Ở Nam Phi, gần 8 triệu người đang sống chung với HIV, song khoảng 1/3 trong số này hiện không dùng thuốc điều trị.
Các nhà khoa học hy vọng mối quan ngại về sự liên quan giữa các biến thể của virus SARS-CoV-2 và HIV có thể thúc đẩy hành động toàn cầu lớn hơn, trong bối cảnh cuộc chiến chống HIV đang bị bỏ lại phía sau do đại dịch COVID-19 tại một số khu vực.
Giáo sư Bekker cho rằng giải pháp tốt nhất phòng chống đại dịch COVID-19 là tiêm chủng. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng ở châu Phi hiện nay vẫn khá thấp so với phần còn lại của thế giới, các nhà nghiên cứu Nam Phi cho rằng cần chú trọng tiêm chủng cho những người có hệ miễn dịch yếu, theo đó, những người này có thể cần từ 4 thậm chí là 5 mũi vaccine tăng cường.
Điều này có thể giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch, ngăn chặn các biến thể phát triển ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương.