“Ngôi nhà” của những mảnh đời hoàn lương

08/01/2021 14:12

Để hỗ trợ những người đã từng lầm lỡ, mô hình “Câu lạc bộ Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy” (Câu lạc bộ B93) đã được triển khai tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhờ đó, nhiều người đã tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, trở thành những công dân tích cực trong việc phòng, chống tệ nạn nơi mình cư trú.

Mở lối yêu thương

Cách đây vừa tròn 10 năm, chàng trai trẻ P.V.U (Mai Dịch, Hà Nội) từng là một người nghiện ma túy. Mặc dù quá khứ đã lùi xa, song đến giờ phút này khi nhớ lại những tháng ngày tồi tệ đó, P.V.U vẫn cảm thấy rùng mình. Anh chia sẻ: “Tôi khi ấy đang là học sinh lớp 9 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề quận Cầu Giấy. Vì quá ham mê trò chơi điện tử nên tôi thường la cà trong các quán Game và quen một nhóm bạn chơi ma túy. Từ chỗ chỉ dùng thử cho biết, tôi dần trở thành “con nghiện” từ lúc nào không hay”.

“Hồi đó, mỗi ngày tôi tiêu trung bình khoảng 500 ngàn đồng cho việc hút, hít. Lúc đầu để có tiền chơi thuốc, tôi liên tục phải nói dối bố mẹ để xin, sau đó bí bách quá đành phải lấy xe đi cắm, rồi lại nghĩ cách xoay tiền lấy xe về, rồi lại đi cắm. Cuộc sống cứ tiếp diễn như vậy trong suốt 4 năm trời, tôi đắm chìm trong cơn say ma túy mà không làm được bất cứ việc gì khác”, P.V.U cho biết.

Bà Đinh Thị Lan là một trong những thành viên tích cực của Câu lạc bộ B93 Cầu Giấy

Trải qua quãng thời gian dài vật vã với ma túy, sức vóc cậu học trò đang tuổi ăn, tuổi lớn bị sa sút nghiêm trọng. “Ở độ đẹp nhất của tuổi trẻ, tôi tưởng rằng mình sẽ chết nếu không có thuốc và không thể chịu được sự hành hạ của những cơn thiếu thuốc. Nhưng những lúc tỉnh lại, tôi vô cùng ân hận và mong muốn được làm lại cuộc đời. Tôi nhìn thấy những “bạn nghiện” chết vì sốc thuốc, nhìn thấy nhiều hoàn cảnh lâm vào đường cùng vì con cái họ đập phá, gán nợ để có tiền mua thuốc. Tôi không muốn ma túy hủy hoại bản thân mình và gia đình”, anh U. chia sẻ.

Anh bắt đầu đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội số 4 (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4, Hà Nội) 2 năm, rồi sau đó tiếp tục thực hiện thời gian quản lý sau cai tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 (nay là Cơ sở Cai nghiện ma túy số 7, Hà Nội). Đây là khoảng thời gian để anh suy nghĩ lại về cuộc đời mình, về những ước vọng sẽ thực hiện sau khi cai nghiện thành công. Nghĩ đến tương lai phía trước, anh đặt mọi niềm tin rằng mình sẽ làm được với những cố gắng, nỗ lực hết sức.

Quyết tâm là vậy nhưng hành trình để anh có thể thoát khỏi cơn nghiện của ma túy vô cùng khó khăn và gian khổ.Nhờ được tiếp thêm động lực từ gia đình, bạn bè, anh có thêm niềm tin và ý chí để chiến thắng được chính mình, chiến thắng được ma túy. Anh bắt đầu học nghề cắt tóc, chỉ sau 3 tháng anh đã mở được tiệm tóc cho thu nhập hàng tháng cả chục triệu đồng. Anh cũng đã lập gia đình và có những người con xinh xắn, khỏe mạnh.Hiện anh nhận dạy nghề miễn phí cho những người sau cai nghiện muốn theo học.

Anh chia sẻ, cai nghiện là một cuộc chiến khó khăn, nhưng chưa khó bằng việc trở lại cuộc sống đời thường, tái hòa nhập với cuộc sống. Làm sao để có thể xóa đi mặc cảm mình từng là một “con nghiện” ma túy, làm sao để những người xung quanh có thể tin tưởng vào một người đang khao khát hoàn lương là điều không hề đơn giản. Cơ hội đó đã đến với anh khi anh được vận động tham gia “Câu lạc bộ Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy” (gọi tắt là Câu lạc bộ B93) tại quận Cầu Giấy.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Mô hình Câu lạc bộ B93 giúp đỡ người sau cai nghiện được thí điểm thành lập từ năm 1996. Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 37 điểm hoạt động tại các quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên và huyện Gia Lâm, với 481 người sau cai nghiện tham gia sinh hoạt, trong đó có gần 300 hội viên duy trì sinh hoạt thường xuyên.

Bà Đinh Thị Lan (thành viên Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Sau khi nghỉ hưu, tôi biết đến mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện của phường, nhận thấy đây là mô hình rất có ý nghĩa đối với cộng đồng nên tôi tình nguyện tham gia. Thêm 1 người cai nghiện thành công là xã hội thêm được 1 công dân tốt, cứ như vậy, cộng đồng chúng ta mới ấm êm, hạnh phúc”. Nhờ sự thân thiện, gần gũi, ban chủ nhiệm câu lạc bộ được gia đình của các hội viên sau cai quý mến, thường xuyên gọi điện thăm hỏi, thông tin về tình hình con, em mình. Họ đã chủ động, tích cực động viên các cháu tham gia vào câu lạc bộ và phối hợp để con cháu mình tránh xa ma túy.

“Điều quan trọng nhất trong việc cảm hóa, động viên người sau cai nghiện tái hòa nhập cuộc sống là trao cho họ cơ hội để làm lại từ đầu. Không nên kỳ thị, xa lánh họ mà cần gần gũi, giúp đỡ họ để họ tự tin, trở thành những công dân có ích, từ đó tích cực trong việc phòng, chống tệ nạn xã hội ngay tại địa phương”, bà Lan cho biết.

Với niềm tin, tình thương yêu và sự nhiệt tình, bà Lan cùng các thành viên khác trong ban chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch đã nhiều lần đóng góp, tự bỏ tiền túi của mình cho các hội viên sau cai nghiện có vốn để tự thân lập nghiệp. Điển hình như trường hợp của anh P.V.U đã được hỗ trợ 8 triệu đồng để học nghề và mở cửa hàng cắt tóc. Cũng nhờ sự tin tưởng và bảo lãnh của các tổ chức đoàn thể tại địa phương, năm 2018, anh P.V.U đã được Ngân hàng chính sách xã hội quận hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng để mở rộng kinh doanh.

Bà Lan cùng các thành viên câu lạc bộ cho biết, tất cả đều rất hy vọng mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện B93 sẽ được nhân rộng không chỉ ở Hà Nội mà ở tất cả các địa phương khác trên cả nước. Có như vậy, hành trình làm lại cuộc đời của những con người muốn hoàn lương sẽ bớt khó khăn, vất vả, họ sẽ có động lực để tránh xa ma túy, tránh xa vòng xoáy của tệ nạn xã hội.

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2016- 2020, các Câu lạc bộ B93 đã hỗ trợ cho 154 lượt hội viên học nghề và 160 lượt hội viên có việc làm, hỗ trợ 25 gia đình hội viên vay vốn tạo việc làm với tổng kinh phí 590 triệu đồng... Nhờ tham gia sinh hoạt tại mô hình Câu lạc bộ B93, nhiều hội viên đã không tái nghiện, được tư vấn và tạo việc làm ổn định./.

}
Top