“Ngôi nhà hạnh phúc” cho những người cai nghiện ma tuý
Đối xử bình đẳng với người nghiện không chỉ giúp họ tái hòa nhập cộng đồng mà còn là điều kiện để xây dựng môi trường sống an toàn, góp phần hạn chế tiêu cực và các loại tội phạm nảy sinh. Những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức thực hiện các trung tâm cai nghiện bắt buộc và tự nguyện hiệu quả, nhiều mô hình hoạt động rất tốt.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thăm học viên làm nghề điện tử tại khu xưởng sản xuất Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1
Theo thống kê năm 2017, trên toàn thành phố hiện có khoảng 13.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó 3.000 người đang điều trị tại 7 cơ sở cai nghiện. Cho đến nay, tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội đã chuyển đổi thành trung tâm cai nghiện tự nguyện hoặc mô hình quản lý đa chức năng gồm: Chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc tư vấn, dạy nghề, lao động sản xuất…
Các trung tâm cai nghiện đã được thành phố Hà Nội đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng, phòng tư vấn, chăm sóc ban đầu, phân loại học viên để điều trị, thiết kế các khu vui chơi, tổ chức lao động trị liệu cho học viên… Đồng thời, các trung tâm này có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các cấp, ngành từ công an, quân đội đến địa phương trong công tác quản lý cai nghiện.
Nhiều trung tâm cai nghiên xây dựng mô hình “ngôi nhà hạnh phúc”. Tại đây, những học viên có tiến bộ sẽ được tạo điều kiện cho vợ con đến thăm nom… Điều này cũng thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và cơ sở cai nghiện.
Hàng năm, các trung tâm đã chữa trị cho hàng trăm người, giúp họ từ bỏ ma túy, được học nghề… tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Một số học viên hết thời kỳ điều trị, từ bỏ được ma túy đã tình nguyện ở lại các trung tâm làm cộng tác viên, nhân viên.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 5 (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm), Đỗ Trọng cho biết, kể từ năm 2015 cơ sở được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chữa bệnh cho người nghiện ma túy tự nguyện và điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone. Cơ sở có khả năng tiếp nhận 300 học viên cai nghiện tự nguyện và 250 bệnh nhân điều trị Methadone.
“Việc giáo dục các kỹ năng sống để phòng tránh, tái sử dụng ma túy khi hòa nhập cộng đồng là hết sức cần thiết. Từ khi triển khai mô hình cai nghiện tự nguyện, Cơ sở đã cử cán bộ đến một số phường, xã, quận, huyện để làm công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người nghiện đến cơ sở để điều trị cai nghiện và uống thuốc thay thế Methadone”, ông Trọng cho biết.
Học viên Nguyễn Đình Toàn, 29 tuổi tâm sự: “Tôi sẽ quyết tâm cai nghiện để trở về. Hiện tôi đang làm mộc, lao động trị liệu một ngày 4 tiếng và sẽ nâng số giờ lao động lên nhiều hơn nữa. Ở đây, các cán bộ luôn đối xử bình đẳng với các học viên và không coi họ là “con nghiện”. Nơi ăn chốn ở sạch sẽ, thoải mái khiến học viên rất hạnh phúc và đều tin tưởng vào quá trình cai nghiện thành công của mình”.