Ngưng tim, tử vong sau khi dùng thuốc lắc
Mới đây, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho biết từng cấp cứu cho 2 thanh niên bị ngưng tim, ngưng thở sau khi dùng thuốc lắc. Trong 2 bệnh nhân này có một người sống và một chết não.
![]() |
Người sử dụng thuốc lắc tự biến cơ thể thành 1 bãi chiến trường cho đủ loại dược chất và hóa chất. Ảnh minh hoạ |
Người thanh niên may mắn sống sót kể với bác sĩ Hiển rằng trước khi vào bệnh viện, người này cùng nhóm bạn 5 người tổ chức một sự kiện trong quán bar. Nhóm thanh niên này uống hết 4 chai rượu vang, cắn mỗi người một viên thuốc lắc. Sau đó kéo nhau về một căn hộ hít ke (ketamin).
6 người chơi "thuốc" chung tại sao chỉ có 2 người phải nhập viện? Thanh niên này cho biết 2 người mua 2 viên lắc cùng chỗ, còn 4 người kia mua chỗ khác.
Theo Bác sĩ Hiển, vấn đề là ở chỗ đó. Sẽ không có viên thuốc lắc nào giống viên nào, vì được sản xuất từ nhiều "lò" khác nhau và sự pha trộn phụ gia cũng như tạp chất cũng rất khác nhau.
Thêm chất phụ gia để tăng độ "phê"
Thuốc lắc MDMA được tổng hợp vào năm 1912 bởi nhà hóa học Anton Köllisch làm việc cho Viện bào chế Merck (Đức). Vào thời điểm đó, Merck đã quan tâm đến việc phát triển chất này để điều trị chứng chảy máu mũi bất thường (chảy máu cam) do hiệu ứng co mạch. Nhưng do thất bại trong thực nghiệm nên Merck không còn quan tâm đến nó vào thời điểm đó. MDMA đã bị lãng quên trong hơn 65 năm, đến giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, MDMA được sử dụng tại Hoa Kỳ như là 1 thứ để giải trí (recreational).
Trong đầu những năm 1980 tại Hoa Kỳ, sử dụng MDMA tăng đột biến với tên gọi là "Adam" trong các hộp đêm tại các khu vực Dallas. Từ đó, lan tỏa khắp các thành phố lớn trên khắp Hoa Kỳ. Trong cuối những năm 1980, MDMA được biết đến vào thời điểm đó là "thuốc lắc", bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở Anh và châu Âu, trở thành một yếu tố không thể thiếu của “văn hóa hội hè” với âm nhạc cường độ lớn (heavy metal). Việc sử dụng bất hợp pháp MDMA trở nên ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi trong các trường đại học và sau này trong các trường trung học. MDMA đã trở thành một trong bốn loại ma túy được sử dụng rộng rãi nhất tại Hoa Kỳ, cùng với cocaine, heroin và cần sa.
Năm 1988, Công ước quốc tế về quản lý các chất gây nghiện và các tiền chất ra đời, đã khiến việc sản xuất các viên thuốc lắc khó khăn hơn. Tuy nhiên, thế giới ngầm đã nhìn ra một kẽ hở, đó là những viên thuốc cảm. Họ đã bắt tay vào việc thu gom các viên thuốc cảm để sản xuất các viên thuốc lắc!
Ngoại trừ viên amphetamine và dextro-amphetamine là 2 chất được sử dụng hợp pháp trong y học (bảng II-FDA) với độ tinh khiết đáng tin cậy thì thành phần các hợp chất chứa trong 1 viên thuốc lắc đường phố rất đa dạng tùy thuộc vào “lò” sản xuất và nguyên liệu đầu vào và cũng thay đối hằng năm tùy theo thị hiếu. Ngoài các chất phụ gia thường được cho vào viên thuốc lắc để tăng độ “phê”, thường gặp nhất là cafeine, còn có Mephedrone, tên đường phố là Cat-mèo. Mephedrone có công thức hóa học khá giống và có tác động dược lý tương tự amphetamine ATS, nhưng không được dùng trong y học và hiện ở trong bảng I của FDA.
Các “viện bào chế đen” pha thêm Mephedrone với mục đích tăng thêm “nồng độ” ATS của viên thuốc lắc. Viên thuốc lắc còn chứa nhiều tạp chất và các phụ phẩm ngoài ý muốn nên có các tác dụng lâm sàng rất đa dạng và rất khó dự doán trước.
Đôi khi, 1 viên thuốc lắc hay còn gọi là Estasy thường được mặc định là chứa MDMA lại không hề có MDMA mà chứa một chất giống MDMA như: MDEA, MMDA, MDA, DOM và các phụ phẩm cùng các tạp chất trong quá trình sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào và tay nghề của các “dược sĩ” tại các “viện bào chế đen”. Một phụ phẩm cực kỳ nguy hiểm đó là Para-methoxyamphetamine (PMA), một chất gây ảo giác rất mạnh và rất độc trên hệ thần kinh, làm thân nhiệt tăng rất cao và làm tăng nhịp tim với 1 liều rất thấp.
“Lẩu thập cẩm” chứa đủ thứ độc chất
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết, một vấn đề khác liên quan với sử dụng viên thuốc lắc đường phố là độc tính từ các hóa chất khác hơn là chính MDMA trong viên thuốc lắc mà các hóa chất này thường rất đa dạng và rất khó nhận biết trong vô số loại viên thuốc lắc trên thị trường đen có xuất xứ từ nhiều “lò” khác nhau.
Ngay viên thuốc lắc từ 1 “lò” cũng có thể có thành phần khác nhau nếu từ các “mẻ” khác nhau do sự tồn dư các hóa chất trong quá trình sản xuất, vượt quá khả năng của các “viện bào chế đen” không thể tách ra được. Các hóa chất dùng để chế biến bao gồm Benzen và các nhân thơm như Phenol, Toluen, các acid mạnh như HCl, HNO3, Chlorur amonium (NH4Cl), Acetone, Methanol (rượu methylic), Iốt, Phosphore đỏ… (phosphore đỏ không độc là 1 đồng vị và có trong que diêm, nhưng hóa chất công nghiệp được sử dụng ở đây thường lẫn 1 lượng nhỏ phosphore trắng là 1 chất rất độc với liều gây chết là 50mg) và có thể tồn tại trong quá trình sản xuất viên thuốc lắc. Đây là những chất có thể gây mù, ung thư và hủy hại tế bào não, gan, thận...
Từ những lý do trên, khi nói về triệu chứng lâm sàng của 1 người sử dụng viên thuốc lắc như lạc vào một “mê hồn trận” các triệu chứng đa dạng và đôi khi đối nghịch với nhau vì bản thân “dược sĩ bào chế” cũng không nắm rõ thành phần của viên thuốc do mình sản xuất. Trong 1 viên thuốc lắc đường phố có thể bao gồm MDMA, MDEA, DOM, MMDA… hoặc nguy hiểm hơn là PMA cùng với Paracetamol và Chlorpheniramine, cộng với chất phụ gia cafeine, Mephedrone và các tạp chất với tỷ lệ là bao nhiêu thì chỉ có “trời mới biết” hoặc phải nhờ các phòng thí nghiệm hiện đại của DEA hay FBI tại Hoa kỳ thì mới có thể biết chính xác được!
Theo Bác sĩ Hiển, viên thuốc lắc ngày nay như 1 cái “lẩu thập cẩm” chứa đủ thứ độc chất. Có thể nói người sử dụng viên thuốc lắc ngày nay đang tự đầu độc và hủy hoại cơ thể của mình một cách khủng khiếp nhất, họ tự biến cơ thể mình thành 1 bãi chiến trường cho đủ loại dược chất và hóa chất tranh chấp với nhau.
Do đó, đứng trước 1 bệnh nhân ngộ độc cấp viên thuốc lắc đường phố, thái độ xử trí khôn ngoan là “wait and see”. Triệu chứng nào xuất hiện nổi bật thì xử trí triệu chứng đó. Bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lắc nên được điều trị tại 1 bệnh viện chuyên khoa có khoa độc chất học như khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai hay Khoa huyết học-rắn độc bệnh viện Chợ Rẫy hơn là tại những bệnh viện tâm thần có trang bị không đầy đủ. Sau giai đoạn ngộ độc mới là phần việc của các nhà tâm thần học.
Cuộc chiến với ma túy sẽ còn dài và sẽ không có hồi kết vì thế giới ngầm luôn tìm tòi để phát minh ra chất mới chưa bị cấm. Đến khi luật pháp biết và ngăn cấm thì họ đã thu được món tiền khổng lồ và tiếp tục nghiên cứu chất khác.
Theo Bác sĩ Hiển, tại Việt Nam, Nghị định 73/2018/NĐ-CP quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất được Thủ tướng ký ban hành ngày 15/5/2018 có bổ sung thêm hàng trăm chất mà cũng không theo kịp đà "phát triển". Việc cần làm là giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết để tránh xa các cuộc vui quá đà, có thể dẫn đến việc "gài", bị mồi chài rủ rê, khích bác, kích động… dùng thử ma túy.