Người đầu tiên khỏi HIV qua đời vì ung thư giai đoạn cuối

28/09/2020 14:56

Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV - Timothy Ray Brown, 54 tuổi vừa qua đời tại Mỹ vì ung thư.

Ông Timothy Ray Brown qua đời vì ung thư máu ở tuổi 54.

Brown, được mệnh danh là "bệnh nhân Berlin", trở thành người đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi HIV nhờ cấy tủy xương từ một người hiến có khả năng kháng virus AIDS. Trong nhiều năm, phương pháp này được cho là chữa khỏi bệnh ung thư máu và HIV.

Năm 1990, Brown phát hiện nhiễm HIV khi đang làm phiên dịch tại Berlin, Đức. Năm 2006, ông được chẩn đoán bị ung thư máu ác tính, còn gọi là bệnh máu trắng.

Trong phỏng vấn với AP, ông Brown cho biết ung thư máu tái phát vào năm ngoái và xâm lấn nhiều nơi. Brown đã rất vui khi nhớ về ca ghép tủy chữa HIV của mình, "nó mở ra những cánh cửa chưa từng có trước đây". Phương pháp này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục tìm phương pháp điều trị HIV.

Tiến sĩ Steven Deeks, chuyên gia về AIDS tại Đại học California, San Francisco cho biết: "Timothy đã chứng minh rằng HIV có thể được chữa khỏi. Chúng tôi đã lấy những mảnh ruột và các mảnh hạch bạch huyết của anh ấy. Mỗi lần thực hiện, anh ấy đều phối hợp đáng kinh ngạc".

Hạch bạch huyết hay hạch lympho là một phần của hệ miễn dịch, có mặt ở nhiều nơi trên cơ thể, tập trung nhiều ở cổ, nách, bẹn. Các hạch nóng và sưng khi cơ thể viêm nhiễm hoặc ung thư.

Tiến sĩ Gero Huetter, chuyên gia về ung thư máu tại Đại học Berlin, tin rằng phương pháp ghép tủy là cơ hội đánh bại bệnh máu ác tính của Brown. Ông trăn trở liệu rằng dùng gene đột biến từ một người khác có thể chữa khỏi bệnh chết người của Brown không, giống như cách tạo ra đề kháng tự nhiên chống lại virus AIDS đã thành công.

Người hiến tặng tủy rất hiếm và việc cấy ghép nhiều rủi ro. Các bác sĩ phải phá hủy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bằng hóa trị kết hợp xạ trị. Sau đó cấy ghép tế bào của người cho, với hy vọng sẽ phát triển một hệ thống miễn dịch mới trong cơ thể người nhận.

Năm 2007, ca cấy ghép đầu tiên của Brown mới thành công một phần. HIV đã biến mất nhưng bệnh ung thư vẫn còn. Tháng 3/2008, anh được cấy ghép tủy lần hai cũng từ người hiến tặng cũ, ca cấy ghép dường như có hiệu quả. Kể từ đó, Brown nhiều lần âm tính với HIV và thường xuyên có mặt tại các hội nghị về AIDS, thảo luận về cách chữa bệnh.

Người yêu của ông Brown, ông Tim Hoeffgen khẳng định, ông Brown không mất vì HIV mà là vì ung thư máu. “Từ khi ông ấy được chữa khỏi, không còn virus HIV nào được tìm thấy trong máu của ông ấy. Nó đã biến mất. Lần này là bệnh bạch cầu”, ông Hoeffgen cho biết.

Trường hợp của ông Brown đã mang lại nhiều kỳ vọng cho bệnh nhân HIV/AIDS, nhiều người đã lấy anh làm tấm gương điển hình để hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa, tuân thủ điều trị và kỳ vọng. "Anh ấy giống như một đại sứ hy vọng", Tim Hoeffgen, cộng sự của Brown cho hay.
}
Top