Người nối những mảnh đời tới ‘Chân trời mới’
Trở về từ một trung tâm cai nghiện ma túy địa phương từ năm 2016, anh Lê Thanh Hậu bắt đầu lại cuộc sống của mình bằng cách trở thành tình nguyện viên, tiếp cận viên tại phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, hỗ trợ cho những bệnh nhân điều trị ARV và tìm kiếm các trường hợp nhiễm HIV mới, giúp những người cùng cảnh ngộ vượt qua số phận.
Vượt qua giông bão cuộc đời
Cuộc đời anh Lê Thanh Hậu ở Thái Nguyên đã từng gắn với hai thứ là ma túy và HIV. Ma túy đã khiến anh thăng hoa bởi cái chất nghệ sĩ và chút ngang tàng, ngổ ngáo của mình, nhưng chính ma túy cũng đã hủy hoại hạnh phúc gia đình, cơ nghiệp mà anh vun trồng bấy lâu nay. Chính ma túy cũng đã khiến anh Hậu nhiễm virus HIV – loại virus gây ra căn bệnh thế kỷ AIDS. Căn bệnh như một đòn chí mạng đánh sập sức khỏe, tinh thần của anh.
Anh Lê Thanh Hậu - Trưởng nhóm tự lực “Chân trời mới”. Ảnh: Thùy Chi
Năm 2006, vợ anh Hậu bỏ ra nước ngoài do không đủ sức chịu đựng một tay chơi ma túy hạng nặng, nhiễm đồng thời HIV, lao, thương tật chân, chỉ còn da bọc xương. Nằm trong viện thuở ấy, sức cùng lực kiệt, lại chịu ánh mắt dè bỉu của họ hàng lối xóm, đến người đầu ấp tay gối cũng xa lánh, anh Lê Thanh Hậu từng hình dung đoạn kết cuộc đời, buông xuôi cho số phận… cho đến khi gặp được những ân nhân mặc blouse trắng giúp anh làm lại cuộc đời của mình.
Đó chính là Bác sĩ Kim Anh, nay là Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên và bác sĩ Hoàng Huy Thắng, chuyên viên phòng, chống HIV. “Có bác sĩ Hoàng Thắng và bác sĩ Kim Anh tôi rất ấn tượng, coi như một người bạn, một người chị, coi như gia đình, anh chị ruột. Chính họ là nguồn động lực lớn nhất với tôi. Chứ kể cả gia đình tôi cũng không biết tôi đi điều trị”, anh Hậu chia sẻ.
Lúc mới phát hiện nhiễm HIV, anh Hậu đã rất suy sụp, kinh tế khi đó rất khó khăn, nhưng anh Hậu đã được các bác sĩ hỗ trợ, quan tâm, tư vấn rất chân thành, thông qua các dự án, chương trình thì anh Hậu đã tuân thủ tốt công tác điều trị, sức khỏe anh Hậu dần dần hồi phục.
Những lúc ốm đau, cán bộ y tế đều rất tận tình, đến tận nhà riêng để thăm anh. Khi cưới con gái anh Hậu, do e ngại anh không dám mời họ, nhưng biết được thông tin họ đã đến dự đám cưới chia vui cùng gia đình anh. Chính sự chân thành đó khiến anh Hậu rất xúc động.
Nhờ sự động viên, điều trị tận tình, ấm áp của các cán bộ y tế, nghị lực đáng kinh ngạc, vượt lên số phận, anh Lê Thanh Hậu đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Nỗi niềm đau đáu của anh, lòng tự tôn và kiêu hãnh của người đàn ông thôi thúc anh đứng dậy.
Không chỉ từ bỏ được ma túy, anh Hậu còn vượt qua số phận bằng cách miệt mài làm việc. Là người nhạy bén, nhanh nhẹn, nghị lực, anh Hậu đã tự mày mò, vươn lên, nghĩ mọi công việc để làm nên kinh tế anh dần ổn định. Anh Hậu cho biết, cuộc sống anh giờ không quá khá giả, nhưng tạm ổn với cuộc sống bình thường.
Đến giờ, anh Lê Thanh Hậu có một con gái lớn đã lấy chồng, một con trai thứ đang đi du học. Anh Hậu cũng tìm được hạnh phúc khi đi bước nữa. Ngày cưới, cả vợ cũ và vợ mới cùng lên hát chung vui, họ gặp nhau ở điểm là cùng buông bỏ những chuyện đã qua, cùng cảm phục nghị lực sống của người đàn ông này.
Anh Hậu rất tự hào vì đã vượt qua giông bão cuộc đời, cơn giông bão tưởng chừng như không bao giờ anh có thể vượt qua được, nhưng nay anh cảm thấy mình rất hài lòng với những gì anh đang có: “Có nhiều người gia đình đầy đủ, không lắm thuyền nhiều bến mà không bằng mình. Mình tự động viên thế cho nó máu, có động lực thôi. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, để hài lòng khó lắm, ngón tay ngón dài ngón ngắn mà. Con rể ngoan ngoãn, cháu ngoại 6 tháng được 9 cân thích lắm. Hôm ông ngoại lên nó theo thích lắm…”.
Dồn toàn lực cho hoạt động vì cộng đồng
Kinh tế ổn định, hậu phương yên ấm nên anh Lê Thanh Hậu quay ra dồn toàn lực cho hoạt động cộng đồng. Ở TP. Thái Nguyên, nhắc đến các câu lạc bộ hoạt động vì cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không ai là không biết anh Hậu.
Công việc của các đồng đẳng viên là mò mẫm vào hang cùng ngõ hẻm, thâm nhập những nơi tối tăm nhất trong các quán bar, club, thậm chí ra tận nghĩa địa, nơi vương vãi bơm kim tiêm để tiếp cận các ổ tiêm chích, sử dụng ma túy tổng hợp, tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Đó là công việc của các đồng đẳng viên, định nghĩa chỉ những người nghiện hút, nhiễm HIV/AIDS được điều trị và sau đó trở thành các tiếp cận viên hoạt động vì cộng đồng.
Nếu hỏi ai là người phù hợp nhất với công việc này, câu trả lời có lẽ là đồng đẳng viên Lê Thanh Hậu – Trưởng nhóm tự lực "Chân trời mới", một trong 8 câu lạc bộ cộng đồng hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Nếu lần đầu tiếp xúc, chắc hẳn ít người dám làm thân với Lê Thanh Hậu. Đơn giản bởi vẻ ngoài gai góc của anh. Anh Hậu thường vận quần Jean, bên ngoài khoác măng tô quân đội, đeo kính cận màu trắng, đứng khoanh hai tay để lộ chiếc đồng hồ cơ vàng chóe. Người đàn ông dáng mảnh khảnh, gương mặt chai sạn, xanh xao. Tuy nhiên, tiếp chuyện lâu, sẽ cảm nhận được sự chân thành, nhiệt huyết, ánh mắt tinh anh, giọng nói trầm ấm đủ để khiến người đối diện phải lắng nghe.
Làm việc tại nhóm tự lực “Chân trời mới” khiến anh Lê Thanh Hậu không tránh khỏi thị phi, bị hiểu lầm, nhưng với phương châm sống giúp ích cho đời cho người, giúp những người có cùng hoàn cảnh sống vượt qua số phận, trở thành người có ích cho xã hội, nên anh Hậu không quản ngại khó, ngại mang tiếng thị phi.
Nhờ hoạt động tích cực, hiệu quả, nhóm tự lực “Chân trời mới” của anh Hậu đã nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen của ngành Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và các dự án hoạt động vì cộng đồng trao tặng. Trong thời gian hoạt động, nhóm của anh Hậu đã hỗ trợ, tư vấn cho gần 800 trường hợp từ bỏ ma túy, phát hàng nghìn bơm kim tiêm, bao cao su, trong đó hơn 600 người đồng ý đi xét nghiệm, hàng chục trường hợp điều trị HIV. Trong năm 2019, nhóm của anh Hậu đã tìm thấy 18 trường hợp nhiễm HIV và giúp 120 bệnh nhân được điều trị ARV.
Để đạt được kết quả trên, bí quyết của anh Hậu là sống chân thành, đem bản thân để thuyết phục. Anh nói chuyện cùng nhóm nghiện chích ma túy với tâm thế của người bạn, người anh, người trong cuộc. Chẳng thế mà những thành phần xã hội “hổ báo” nhất luôn gật gù nghe anh chia sẻ, đơn cử như Nguyễn Văn Tuyên, vừa từ trại cai tái nghiện về năm 2018, đã được kéo vào câu lạc bộ "Chân trời mới".
Anh Tuyên chưa lập gia đình. Trở về tự trại cai nghiện, đang loay hoay không biết phải làm lại cuộc đời của mình thế nào, thì như người chết đuối vớ phải phao, anh Tuyên được anh Hậu rủ vào nhóm “Chân trời mới”, được giới thiệu uống thuốc Methadone, và được anh Hậu tạo điều kiện cho làm việc tại xưởng gỗ của anh Hậu để có đồng ra đồng vào.
Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Trân, từng là bạn cũ, đang trong cảnh “gà trống nuôi con”, đã được Lê Thanh Hậu động viên, kéo đi làm nghề âm thanh sự kiện. “Lúc đầu cũng nghi ngờ lắm, nhưng sau khi nhận tiền công làm sự kiện đám cưới, anh Hậu không dùng ma túy nữa, thì tôi cảm thấy tin tưởng được. Vì bình thường, anh em với nhau mà cầm tiền cái là đi sử dụng ma túy ngay”, anh Trân tâm sự.
Phấn khởi vì được “hồi sinh”, sống như người bình thường sau khi điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và thuốc ức chế virus HIV (ARV), các thành viên trong nhóm năng nổ tham gia hoạt động cộng đồng, thậm chí nhiều người, sau khóa học ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, đã có thể làm xét nghiệm HIV tại chỗ cho khách hàng.
Họ vui vì cảm thấy mình vẫn còn có ích. Ai cũng công nhận, không có anh Lê Thanh Hậu, sẽ không có họ của ngày hôm nay. Ngoài duy trì hoạt động nhóm “Chân trời mới”, theo đuổi các đam mê, anh Hậu làm thêm nhiệm vụ tiếp cận viên tại phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên. Anh có ba nguyên tắc làm việc: Không bao giờ tiết lộ danh tính khách hàng khi chưa được phép, không bao giờ khẳng định kết quả xét nghiệm mà chỉ nói là có nguy cơ, và thứ ba, không bao giờ dính vào chất gây nghiện. Nhờ thế, nhóm “Chân trời mới” của anh Hậu có uy tín cao, nên ngày 30 Tết, anh vẫn còn nhận được các cuộc gọi nhờ tư vấn, điều trị.
Là người trong cuộc, hơn ai hết, anh Hậu hiểu được người nhiễm HIV phải chịu đựng những gì, họ thường mặc cảm, tự ti với bản thân, sợ bị xã hội phân biệt đối xử. Thực tế cho thấy, đâu đó trong xã hội cũng vẫn có những trường hợp kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS.