Người trẻ nhiễm HIV/AIDS gia tăng ở Đồng Nai
Trong tháng 12/2021, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận thêm 75 trường hợp mắc mới HIV, tăng 25 trường hợp so với tháng trước. Cộng dồn đến nay, toàn tỉnh có 6.255 trường hợp mắc HIV/AIDS.
Bệnh nhân HIV/AIDS trẻ tuổi nhận thuốc điều trị tại Khoa Phòng, chống bệnh HIV/AIDS, CDC Đồng Nai
Có một thực tế đáng lo ngại là độ tuổi của người nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa, trong đó tập trung nhiều nhất vào đối tượng nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Quan hệ tình dục không an toàn gia tăng
Anh H.H.C. (19 tuổi, ngụ H.Nhơn Trạch) đang làm công nhân cho biết, cách đây 1 năm, anh phát hiện bị nhiễm HIV. Nguyên nhân là do anh đã quan hệ tình dục không an toàn với bạn gái bị nhiễm HIV trước đó. Điều đáng buồn là mãi sau này khi đã chia tay, bạn gái anh C. mới thông báo cho anh biết về tình trạng nhiễm HIV của mình. Mang trong mình tâm lý lo sợ, anh C. đến bệnh viện khám, làm xét nghiệm và được thông báo nhiễm HIV. Từ đó đến nay, đều đặn hằng tháng anh C. đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai, ở KP.3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) để lấy thuốc ARV. Để thuận tiện trong việc đi lại và điều trị, mới đây anh C. đã làm hồ sơ để chuyển về điều trị tại Trung tâm Y tế H.Long Thành.
Tương tự, anh N.H.N. (20 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cũng bị lây nhiễm HIV từ bạn gái sau 1 lần quan hệ tình dục không an toàn.
Anh N. bộc bạch, anh quê ở miền Trung, vào Đồng Nai làm công nhân, quen và yêu bạn gái. Sau một thời gian yêu đương, 2 người đã quan hệ tình dục với nhau. Trước lần quan hệ tình dục, anh N. có ý định sử dụng bao cao su nhưng bị bạn gái giận dỗi cho rằng anh không tin tưởng nên mới sử dụng bao cao su. Anh N. tin bạn gái nên đã không sử dụng biện pháp an toàn trong lần quan hệ đó. Tháng 9-2021, cảm thấy nghi ngờ sau lần quan hệ tình dục không an toàn, anh N. đi làm xét nghiệm và được thông báo đã nhiễm HIV.
“Tôi thực sự rất hối hận vì đã không quan hệ tình dục an toàn. Tôi cũng chưa dám thông báo cho gia đình ở quê vì đây là cú sốc lớn. Những tháng qua, tôi đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS để nhận thuốc uống. Hiện sức khỏe của tôi ổn định và tôi vẫn đi làm bình thường” - anh N. cho hay.
Trong khi đó, anh H. (23 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu, hiện ngụ tại H.Long Thành) lại bị nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn với bạn đồng giới cách đây 2 năm. Trong một đợt bị viêm loét dạ dày, anh H. đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thăm khám, được chỉ định làm xét nghiệm tải lượng virus HIV và phát hiện bị bệnh. Nhờ tuân thủ phác đồ điều trị, sử dụng thuốc ARV thường xuyên, đến nay sức khỏe của anh H. bình thường và vẫn tiếp tục làm nghề bán hàng online.
Còn trường hợp của anh P. (23 tuổi, ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) thì bị nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp. Anh P. làm nghề cắt tóc, spa. Trong khi hành nghề, anh tiếp xúc với máu của khách hàng bị nhiễm HIV do dao lam cắt phải. Do không biết bệnh tình của mình nên anh P. cũng đã lây nhiễm bệnh cho bạn đồng giới qua đường quan hệ tình dục. May mắn hơn nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khác, gia đình anh P. biết được tình trạng bệnh của anh và thường xuyên động viên anh cùng người yêu cố gắng điều trị để duy trì sức khỏe tốt.
Tăng cường tuyên truyền để hạn chế lây nhiễm
BS Nguyễn Văn Quyết, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai cho biết, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ hóa bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng rất cao. Hiện nay, vấn đề yêu và quan hệ đồng giới đã được cởi mở hơn trước kia rất nhiều. Do đó, nhiều trường hợp nam đồng giới đi khám bệnh, làm xét nghiệm nhiều hơn trước. Vì thế, số ca phát hiện nhiễm HIV/AIDS mới cũng tăng lên. Trong tổng số ca mắc HIV/AIDS mới hằng tháng, hằng năm, có đến 60% bệnh nhân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đặc biệt, có những trường hợp mới học cấp THCS.
Để giảm tình trạng này, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền để những người thuộc “thế giới thứ 3” nắm được các thông tin liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS qua đường quan hệ tình dục không an toàn; tiếp cận sớm với các phòng xét nghiệm để được tư vấn làm xét nghiệm và cung cấp các biện pháp dự phòng. Ngoài ra, cần thiết phải đưa các bài giảng liên quan đến HIV/AIDS vào các trường học ở cấp THCS, THPT; các tờ rơi, áp phích; tư vấn cho bạn tình của nam quan hệ đồng giới tham gia chương trình uống thuốc dự phòng (PrEP).
Theo BS Quyết, việc nhiễm HIV/AIDS khi tuổi còn trẻ ảnh hưởng rất lớn đến công việc, học hành, cuộc sống, gia đình của người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ của người nhiễm HIV/AIDS nếu không được tiếp cận sớm với thuốc ARV và các dịch vụ liên quan.