Nguồn gốc ma túy
Từ hàng ngàn năm trước Công nguyên, nhiều Bộ lạc trên thế giới đã biết làm cho tinh thần sảng khoái và chống mệt mỏi bằng cách ăn hoặc hút một số loại cây cỏ có chứa chất gây nghiện như cây thuốc phiện ở Châu Á, cây Cô ca ở Nam Mỹ và cây Cần sa, cây Khát ở Châu Phi.
Ban đầu, các loại cây này được sử dụng trong các nghi lễ với mục đích ma thuật, vui thú và sau đó là được sử dụng để chữa bệnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn internet) |
Dần dần những người sử dụng bị lệ thuộc vào các loại cây này, họ phải sử dụng nhiều lần trong ngày với số lượng tăng lên, cho đến khi họ không thể dời bỏ được chúng. Chất gây nghiện của các loại cây cỏ đã tạo cho họ ảo giác đê mê, tạo cảm giác hưng phấn và bay bổng…
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người đã xác định được thành phần các hoạt chất trong các loại cây đó, họ tách chiết, phân lập các hoạt chất ở dạng tinh khiết để sử dụng thay vì phải nhai rất nhiều các loại lá cây, quả hoặc rễ của chúng mỗi ngày.
Đầu thế kỷ thứ 19, một dược sĩ người Đức tên là Sertune đã chiết xuất được mocphin từ thuốc phiện và được coi là công trình đầu tiên trên thế giới chiết xuất được hoạt chất tinh khiết từ cây cỏ thực vật. Từ đó đến nay, mocphin vẫn được xem là thuốc giảm đau thần diệu nhất mà loài người biết đến.
Năm 1885, lần đầu tiên Gedecke đã chiết xuất được cocain từ cây Coca Erythroxylon. Cho đến năm 1880 Arnep đã chứng minh được cocain có tác dụng gây tê tại chỗ. Cũng vào thời gian này, bác sỹ tâm thần người Do Thái tên là Dicmun Frơt đã dùng côcain để chữa bệnh nghiện thuốc phiện và nghiện mocphin, nhưng chỉ sau một thời gian không lâu, người ta đã phát hiện ra những tai họa của cocain, bởi chính cocain cũng là một chất gây nghiện mạnh.
Một cảnh hút thuốc phiện của người Việt xưa. (Nguồn internet) |
Trong cuộc tìm kiếm các loại thuốc chữa bệnh, người ta đã dựa vào cấu trúc hóa học của các chất có sẵn trong tự nhiên để thực hiện các biện pháp bán tổng hợp tạo thành các chất có cấu trúc tương tự và có tác dụng dược lý tương tự. Đồng thời, trong khi nghiên cứu cấu trúc của các chất sẵn có trong tự nhiên, người ta đã tổng hợp được các chất có khung cơ bản giống các chất sẵn có trong tự nhiên, có tác dụng tương tự, nhưng khắc phục được nhược điểm của các chất sẵn có trong tự nhiên để phục vụ y học.
Kết quả đã thu được hàng loạt các hợp chất khác nhau, có tác dụng khác nhau được sử dụng vì mục đích y học. Tuy nhiên, do có những tính chất làm thay đổi trạng thái, ý thức, tâm trạng … của người sử dụng nên nó ngày càng bị lạm dụng ngoài mục đích y học và trở thành các chất ma túy bị cấm hoặc khuyến cáo không nên sử dụng, bởi tác hại rất lớn của các chất này đối với mọi lứa tuổi trong cộng đồng xã hội trên toàn thế giới.