Nguồn tài trợ cắt giảm, cán bộ y tế và bệnh nhân HIV/AIDS đều lo lắng
Được xem là nguồn bảo đảm để người nhiễm HIV/AIDS có thể tiếp cận được với các dịch vụ và thuốc ARV một cách bền vững, nhất khi các nguồn lực tài trợ điều trị HIV/AIDS bị cắt giảm. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đó là đánh giá của các đại biểu tại Hội thảo Đối thoại chính sách về Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động phòng chống HIV/AIDS do Ban quản lý dự án VUSTA phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức ngày 27/6.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Thùy Chi |
"Phao cứu sinh" cho người nhiễm HIV/AIDS
Bảo hiểm y tế được xem là “phao cứu sinh” giúp bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giảm bớt chi phí trong điều trị, duy trì sự sống, đặc biệt là khi các nguồn lực hỗ trợ điều trị HIV/AIDS đều dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế, nhưng sắp tới đây các nguồn hỗ trợ này sẽ chấm dứt. Bởi nếu bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS không được BHYT chi trả là một điều vô cùng khó khăn.
Đa phần các bệnh nhân AIDS đều nằm trong đối tượng nghèo và cận nghèo, không có tiền mua thuốc hoặc thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị, trong khi các bệnh nhân HIV khi đã chuyển sang giai đoạn AIDS thì thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cần phải điều trị nên chi phí dành cho điều trị tăng. Đối với các bệnh nhân nhiễm HIV ngay cả khi chưa chuyển sang giai đoạn AIDS cũng phải luôn được khám, tầm soát phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội nên cần được thanh toán các chi phí liên quan đến các xét nghiệm phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Ngoài ra, nếu bệnh nhân HIV/AIDS đăng ký, quản lý, khám chữa bệnh tại các phòng khám ngoại trú, bệnh nhân còn được điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội bằng thuốc Cotrimoxazole và thuốc INH để phòng lao, giúp bệnh nhân tránh được các bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp như viêm phổi, lao.
Bên cạnh đó, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh, việc người nhiễm HIV/AIDS phải bỏ chi phí ra mua thẻ bảo hiểm y tế sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bỏ điều trị và giảm nguy cơ nhờn thuốc cũng như bệnh nhân phải chuyển sang phác đồ điều trị khác, tốn kém hơn rất nhiều.
Khó khăn chồng chất với người nhiễm HIV
Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS Trịnh Thị Lê Trâm, đa số người nhiễm HIV là người nghèo, có nhiều gia đình, vợ chồng và các con của họ đều bị nhiễm HIV. Họ thường không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nhiều gia đình chỉ có một người đi làm nhưng phải nuôi cả nhà. Nhưng do sức khỏe yếu nên thường xuyên phải điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội rất cần bảo hiểm y tế nhưng lại không đủ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho bản thân và gia đình.
Theo bà Trâm, dù Luật Bảo hiểm y tế đã có quy định hộ cận nghèo được miễn 50% tiền mua bảo hiểm y tế, hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm miễn phí. Nhưng theo quy định việc xác định hộ nghèo đa chiều như hiện nay, được công nhận hộ gia đình nghèo để được cấp thẻ bảo hiểm y tế là hết sức khó khăn. Chưa kể đến những khó khăn về thủ tục trong quá trình cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Trưởng đại diện Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV/AIDS của Việt Nam (VNP ) Đỗ Đăng Đông cho biết, hiện có rất nhiều người nhiễm HIV sau khi ra khỏi các trung tâm giáo dục chưa bệnh không dám về quê vì sợ bi kỳ thị hoặc đi hành nghề tại các địa phương khác, họ không đăng ký tạm trú hoặc thường trú nên đã không đủ điều kiện để được tham gia bảo hiểm y tế. Hoặc trường hợp trẻ em nhiễm HIV sinh ở nước ngoài vì mẹ bị nạn buôn bán phụ nữ qua biên giới, hoặc lấy chồng nước ngoài nay trở về Việt Nam không làm thủ tục khai sinh được vì không có giấy chứng sinh sẽ không tham gia được bảo hiểm y tế…
Ngoài ra, những hạn chế về chính sách cũng gây khó khăn không ít. Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 40 về danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi tham toán của Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, riêng đối với các thuốc quy định tỷ lệ thanh toán thì có 25 thuốc đắt tiền, chủ yếu là thuốc điều trị ung thư, bệnh nhân sẽ đồng chi trả 50%. Trong khi rất nhiều người nhiễm HIV, khi chuyển sang giai đoạn AIDS thường mắc các bệnh về ung thư. Từ ngày 1.1.2015 khi mắc bệnh ung thư họ phải đồng chi trả 50% bảo hiểm y tế khi dùng thuốc đắt tiền để điều trị ung thư, đây là một gánh nặng vô cùng khó khăn cho người nhiễm HIV.
Chia sẻ những khó khăn về kinh tế khi thực hiện quy định Thông tư 40, anh Nguyễn Văn Thắng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, bị ung thư phổi sau khi chuyển sang giai đoạn AIDS nên buộc phải dùng thuốc để ngăn ngừa các tế bào ung thư phát triển. Song loại thuốc anh đang dùng có giá tới 1.350.000 đồng/viên, mỗi ngày uống 1 viên và không được bảo hiểm y tế chi trả 100% như trước mà anh phải cùng chi trả mỗi ngày gần 700.000 đồng tiền thuốc. Đây là khó khăn rất lớn cho anh và gia đình khi chưa có nguồn thu nhập ổn định.
Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội quan trọng của nước ta, việc thực hiện chính sách này có ý nghĩa lớn đối với người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn nặng nề, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cần thuận lợi hơn cho người nhiễm HIV/AIDS, để không có đối tượng nào bị bỏ rơi trong giai đoạn chuyển giao thực hiện quy định của pháp luật.