Nhận biết nổi mề đay do nhiễm virus HIV
Khác với tình trạng nổi mề đay thông thường không gây sốt, khi bị nhiễm virus HIV trong giai đoạn đầu thì sẽ xuất hiện tình trạng nổi mề đay khắp người, dấu hiệu điển hình đi kèm với tình trạng trên là các phản ứng sốt, dị ứng khắp cơ thể.
Tại sao nhiễm virus HIV gây nổi mề đay?
Trong khoảng 2-6 tuần (1-2 tháng đầu) khi virus HIV xâm nhập khắp cơ thể thì có khoảng 40-90% bệnh nhân sẽ xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ngứa khắp người, đây là các triệu chứng khá đặc trưng. Tuy nhiên các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh nổi mề đay thông thường hoặc các bệnh lý về cơ quan nội tạng như nhiễm độc gan, thận…
Trong giai đoạn sơ nhiễm HIV thì sẽ gây ra tình trạng nổi mề đay gọi là hội chứng Retrovirus cấp tính (ARA), đây không phải tình trạng nổi mề đay thông thường mà là dấu hiệu của bệnh nhiễm virus HIV, lúc này cơ thể kích hoạt hệ thống miễn dịch để chống lại virus gây ra tình trạng nổi mề đay trên khắp cơ thể. Đây được gọi là giai đoạn chuyển đổi huyết thanh. Một số bệnh nhân có thể không thấy xuất hiện phát ban trong giai đoạn này mà xuất hiện ở các giai đoạn sau khi nhiễm virus
Đối với những người nhiễm virus HIV thì sẽ gây ra các đốm màu trên da, với người da trắng thì sẽ thấy xuất hiện các đốm màu đỏ, đối với người có làn da tối màu thì sẽ xuất hiện các đốm màu tía đậm.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà sẽ xuất hiện các đốm này ở vị trí khác nhau. Trong trường hợp nghiêm trọng thì sẽ phát ban trên một vùng da rộng, trường hợp nhẹ thì chỉ phát ban trong một vùng da nhỏ.
Nếu người bệnh HIV dùng thuốc kháng virus và có hiện tượng dị ứng thì sẽ xuất hiện tình trạng “hồng ban nhiễm sắc”, lúc này các đốm màu đỏ hơi nhô cao và che phủ khắp cơ thể.
Vị trí các nốt phát ban thường là ở trên mặt, vai, ngực, bàn tay, phần trên cơ thể. Đây là những vị trí mà các nốt phát ban thường xuất hiện khi bị nhiễm virus HIV, nhiều người nhầm lẫn đây là triệu chứng dị ứng hay chàm, thông thường các nốt này sẽ biến mất sau vài tuần, không có nguy cơ lây lan. Trong trường hợp hiếm thì các nốt phát ban này có thể xuất hiện ở môi, bên trong miệng và cơ quan sinh dục.
Các triệu chứng khác đi kèm với phát ban HIV
Sốt nhẹ và ớn lạnh: Khi bị nhiễm virus HIV thì người bệnh sẽ sốt trong khoảng 37,5 – 38 độ C và kèm theo ớn lạnh. Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất đi kèm với phát ban trong khoảng thời gian kéo dài từ 1-2 tuần, đôi khi các triệu chứng sốt kèm theo ớn lạnh chỉ xuất hiện cấp tình trong vòng 1 ngày. Trong thời điểm này virus xâm nhập vào hệ thống miễn dịch và cơ thể phản ứng lại bằng cơn sốt để đối phó với tác nhân gây bệnh
Người bệnh cũng có thể bị đau họng, miệng, có thể sưng họng, đau cơ, tiêu chảy, buồn nôn: Trong giai đoạn bệnh thì khoảng 30-60% người có dấu hiệu này. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị vấn đề về thị lực như mờ mắt. Bên cạnh đó, ăn không ngon, đau khớp, phình các tuyến, nhất là khu vực ở cổ, nách, nơi có các hạch bạch huyết, co thắt các cơ, đau mỏi khắp người. Hoặc có thể xuất hiện một số triệu chứng ít gặp hơn như: Nấm, tưa miệng, giảm cân, nhiễm trùng, rối loạn kinh nguyệt… Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình suy giảm bạch cầu trong cơ thể, không chỉ ở giai đoạn đầu tiên mà còn xuất hiện xuyên suốt trong các giai đoạn sau của bệnh.
Những nguyên nhân khác gây nổi mề đay
Phản ứng bất lợi với các thuốc chống virus HIV như thuốc Abacavir, Amprenavir, Nevirapine. Khi cơ thể phản ứng không tốt với các thuốc này sẽ gây ra tình trạng phát ban HIV.
Người bệnh có thể phát ban do viêm da trong giai đoạn thứ 3 khi bị nhiễm HIV. Trong trường hợp này, da sẽ hơi đỏ và ngứa ngáy kéo dài trong khoảng 1-3 năm, các nốt mẩn đỏ này thường xuất hiện ở mặt, ngực, vùng bẹn, dưới cánh tay, lưng.
Mắc các bệnh khác: Hệ miễn dịch suy yếu sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn khác có cơ hội tấn công, các vi khuẩn gây bệnh giang mai, zona, viêm mao mạch dị ứng… cũng gây nên tình trạng phát ban ở da.
Phân biệt nổi mề đay thông thường và nổi mề đay do HIV
Trong trường hợp nổi mề đay thông thường thì các nốt mẩn đỏ sẽ xuất hiện sau khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như sử dụng thuốc, chế độ ăn uống không phù hợp, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, thời tiết lạnh, các yếu tố gây ngứa như phấn hoa, lông động vật…hay người bệnh bị chàm, suy giảm chức năng gan… cũng sẽ bị nổi mề đay.
Trong trường hợp nổi mề đay do HIV thì sẽ xuất hiện bất chợt các nốt mẩn đỏ ngoài da và kèm theo các dấu hiệu đi kèm xuyên suốt quá trình bệnh. Có một điểm dễ dàng nhận thấy khi bị nổi mề đay do virus HIV là tình trạng sốt trong quá trình bệnh, điều này hiếm thấy khi bị nổi mề đay thông thường.
Cách xử trí khi nổi mề đay do virus HIV
Cách tốt nhất là nên đi xét nghiệm virus HIV để bảo đảm tính chính xác, phân biệt rõ mề đay thông thường hay mề đay do virus HIV.
Nếu cho kết quả âm tính thì là mề đay thông thường, còn nếu cho kết quả dương tính thì đã bị nhiễm virus HIV, lúc này bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp điều trị thích hợp: Thuốc chống virus HIV trong giai đoạn đầu; thuốc chống phát ban ngoài da; thuốc hỗ trợ giảm ngứa như kem bôi chứa corticosteroid, thuốc kháng histamine như Atarax, Benadryl; có thể bổ sung thêm thuốc chống nhiễm khuẩn tùy theo tình trạng da có nhiễm khuẩn hay không.
Bác sĩ sẽ cho thuốc giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu hoặc các thuốc chống dị ứng, ngoài ra người bệnh có thể mua thuốc kháng histamine để làm giảm nhẹ các triệu chứng này.
Khi bị phát ban do nhiễm virus HIV thì nên tránh nhiệt độ quá lạnh hay ánh sáng trực tiếp vì có thể gây kích ứng da, có thể khiến tình trạng phát ban thêm nghiêm trọng. Do đó, khi đi ra ngoài nên có biện pháp che chắn phù hợp, nên mặc quần áo dài tay hoặc áo khoác khi đi ra ngoài.
Khi tắm thì nên tắm nước có nhiệt độ thích hợp. Nước nóng hoặc nước lạnh không tốt cho tình trạng da đang bị phát ban, do đó nên ngâm mình trong nước mát để làm dịu da, từ đó sẽ hỗ trợ quá trình trị bệnh. Khi tắm thì không nên chà xát các nốt phát ban, sau khi tắm thì nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có thành phần thiên nhiên lành tính như dầu dừa, lô hội để ngăn ngừa tình trạng khô da.
Bệnh nhân nên sử dụng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa có nguồn gốc từ thiên nhiên. Xà phòng công nghiệp sẽ gây ra tình trạng khô da, gây kích ứng khiến da khô và ngứa. Tránh dùng các loại xà phòng chứa hóa chất như Methyl, Propylene Glycol, Butyl, Propyl, Ethylparaben, đây là các thành phần gây dị ứng cho da. Thay vào đó nên mua các xà phòng hay sữa tắm thảo mộc có thành phần dưỡng ẩm tự nhiên như dầu hạnh nhân, dầu ô liu, dầu dừa, lô hội, vitamin E.
Khi bị phát ban do nhiễm virus HIV thì nên sử dụng các loại xà phòng và chất tẩy rửa đến từ thiên nhiên trong quá trình chăm sóc da
Bệnh nhân nên mặc quần áo làm từ cotton. Sợi vải tổng hợp khiến các lỗ chân lông bít kín, mồ hôi không thoát ra được dễ dàng sẽ làm da trở nên kích ứng thêm, ngoài ra, nên tránh các loại quần áo quá dày hay bó sát, chà xát lên các nốt phát ban sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trở nặng. Do đó nên chọn những loại quần áo làm từ cotton sẽ hỗ trợ quá trình trị bệnh.
Nên uống thuốc chống HIV theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được uống thiếu hay quá liều thuốc sẽ không có hiệu quả. Các loại thuốc này sẽ giúp cải thiện số lượng tế bào T giúp cơ thể đủ sức đề kháng chống lại bệnh tật, ngoài ra còn cải thiện các triệu chứng phát ban do nhiễm virus HIV. Nếu cơ thể bị dị ứng với thuốc thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có thể thay thế thuốc, nhưng nên nhớ tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc trong quá trình điều trị
Các loại thuốc sau đây có thể gây phát ban ở da ở người có triệu chứng nhạy cảm quá mức, nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng: Nhóm thuốc NNRTI (thuốc ức chế enzyme sao chép ngược không phải nucleosid) như Nevirapine (Viramune) là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng phát ban ở da. Nhóm thuốc PI như Tipranavir (Aptivus) và Amprenavir (Agenerase) có thể gây ra tình trạng phát ban da. Nhóm thuốc NRTI (thuốc ức chế enzyme sao chép ngược nucleosid) như Abacavir (Ziagen) có thể gây phát ban ở da.
Nên uống thuốc kháng virus theo toa bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc, nếu có dấu hiệu dị ứng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ