Nhận diện những chiêu trò lợi dụng công nghệ cao để hoạt động ma túy

24/07/2024 15:00

(Chinhphu.vn) - Giống như nhiều loại tội phạm khác, tội phạm ma túy đã và đang triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ để thực hiện các hành vi phạm tội. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng dự báo đúng tình hình, kịp thời có những giải pháp chiến lược trong công tác đấu tranh.

Nhận diện những chiêu trò lợi dụng công nghệ cao để hoạt động ma túy- Ảnh 1.

Flycam đối tượng Đỗ Tá Vinh dùng để vận chuyển ma túy - Ảnh: Công an Bắc Ninh

Dùng flycam để ship bán ma tuý

Ngày 30/5, tại cánh đồng khu phố Trung Hòa, phường Đình Bảng, TP.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Công an tỉnh Bắc Ninh phá chuyên án, bắt quả tang đối tượng Đỗ Tá Vinh (43 tuổi, trú tại khu phố Chùa Dận, phường Đình Bảng, TP.Từ Sơn, Bắc Ninh) về hành vi "Mua bán trái phép chất ma túy".

Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ hơn 1,6g heroin. Tiến hành điều tra, cơ quan Công an xác định, để đối phó với lực lượng chức năng, Đỗ Tá Vinh cùng vợ là Nguyễn Thị Hằng xây dựng một khu trang trại rộng 700m2, bên cạnh có mương nước rộng khoảng 5m (thuộc khu phố Trung Hòa, phường Đình Bảng), xung quanh rào lưới sắt B40, bên trong nuôi nhiều chó trông giữ.

Khoảng 22h hàng ngày, Vinh điều khiển ô tô di chuyển từ nhà ở khu phố Chùa Dận, phường Đình Bảng vào khu trang trại để bán ma túy cho các đối tượng nghiện từ 23h đến 4h sáng hôm sau.

Khi các đối tượng nghiện gọi điện hỏi mua ma túy, Vinh thống nhất địa điểm nhận tiền và giao ma túy cách khu vực trang trại khoảng từ 400-500m. Sau đó, Vinh điều khiển thiết bị flycam có buộc dây dài khoảng 15m vào một chai nhựa ra địa điểm đã hẹn.

Các con nghiện đặt tiền vào chai nhựa, Vinh điều khiển flycam bay về nhận tiền, tiếp đó chia ma túy tương ứng với số tiền rồi đặt vào chai để flycam bay ra giao hàng. 

Tiến hành khám xét tại khu vực trang trại của vợ chồng Vinh, công an thu giữ gần 190g heroin và ma túy tổng hợp, 1 bộ flycam, 1 ô tô Kia morning, 1 khẩu súng khí nén bắn đạn chì, 1 dùi cui cùng nhiều tang vật liên quan. Tại nơi ở của Đỗ Tá Vinh thuộc khu phố Chùa Dận, công an thu giữ 1 bộ flycam và nhiều vật chứng khác liên quan.

Công an tỉnh Bắc Ninh nhận định đây là thủ đoạn hoạt động mới, rất tinh vi sử dụng công nghệ bay không người lái gây khó khăn trong quá trình điều tra, phát hiện, bắt giữ.

Nhận diện những chiêu trò lợi dụng công nghệ cao để hoạt động ma túy- Ảnh 2.

Hơn 290 kg ma túy trôi dạt vào bờ biển Quảng Ngãi, tháng 1/2024

Gắn định vị vào gói ma túy, lợi dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ma túy

Đối với tuyến biển, những tháng đầu năm 2024, người dân và lực lượng chức năng ở một số tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam liên tiếp phát hiện nhiều gói hàng nghi ma túy trôi dạt vào bãi biển.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) nhận định, các gói ma túy trôi dạt vào bờ biển chủ yếu là cocain, được đóng thành từng bánh, trọng lượng 1 kg và được gắn định vị, chứng tỏ các đối tượng thả ma túy trên biển để các đối tượng khác trục vớt mang đi tiêu thụ.

Hiện nay, không riêng gì tội phạm ma túy mà các loại tội phạm khác như kinh tế, hình sự, mua bán người, đánh bạc...đều lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Đây là quy luật hoạt động của tội phạm trong bối cảnh 4.0 hiện nay.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 cho biết, tội phạm ma túy thu được những khoản lợi nhuận kếch sù từ mua bán ma túy, do vậy càng có điều kiện để mua sắm, trang bị nhiều loại thiết bị, công nghệ hiện đại. Chẳng hạn có chuyên án Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Australia, thu giữ nhiều thiết bị có tính năng liên lạc, gọi qua vệ tinh, rất khó kiểm soát. Các đối tượng thuê 1.900 USD trong 6 tháng.

Không chỉ lợi dụng công nghệ cao để vận chuyển ma túy, các đối tượng còn sử dụng trong sản xuất ma túy. Điển hình như chuyên án triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia cực lớn, thu giữ 1,3 tấn ketamine do đối tượng Liêu Chí Hoài (Đài Loan, Trung Quốc) cầm đầu, vào tháng 9/2023.

Chia sẻ về chuyên án này, Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho biết, do là những kỹ sư hóa chất giỏi, nên ngay trong quá trình sản xuất ma túy, chúng đã tìm cách để đối phó với các lực lượng chức năng bằng cách pha trộn thêm một chất vào ma túy thành phẩm trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Cụ thể là ma túy được các đối tượng trong chuyên án sản xuất theo 5 công đoạn, 4 công đoạn đầu đã hoàn thành ra sản phẩm ketamin là chất ma túy, nhưng chúng thêm công đoạn tiếp theo là cho một chất khác để pha trộn thành chất mới là N-Boc-Ketamin, chất này lại không nằm trong danh mục ma túy. Nếu vận chuyển trót lọt ra nước ngoài, các đối tượng sẽ thực hiện công đoạn bóc tách chất N-Boc để thu lại ketamine rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, khi bị bắt giữ, các đối tượng rất tự tin, khẳng định rằng chất chúng vận chuyển không phải ma túy. Nếu sử dụng các phương pháp phân tích giám định thông thường thì chúng ta không thể phát hiện ra ketamine.

"Đây có thể nói là thủ đoạn lợi dụng công nghệ, lợi dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ma túy hết sức tinh vi, làm khó cơ quan chức năng trong việc chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng", Trung tướng Nguyễn Văn Viện cho hay.

Nhận diện những chiêu trò lợi dụng công nghệ cao để hoạt động ma túy- Ảnh 3.

Quảng cáo, rao bán ma túy thế hệ mới trên mạng xã hội

Hội nhóm ma túy trên mạng hàng nghìn người tham gia

Theo C04, hiện nay, tình hình tội phạm ma túy lợi dụng công nghệ cao thực hiện hoạt động phạm tội diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Chúng lợi dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Telegram, Snapchat, Wechat…) để mua bán trái phép chất ma túy; tổ chức, lôi kéo, rủ rê, tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy; hướng dẫn, điều chế, sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy…

Thậm chí hình thành những tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trên không gian mạng, có những hội nhóm hàng nghìn người tham gia.

Quá trình giao - nhận, các đối tượng cũng lợi dụng dịch vụ vận chuyển (xe ôm công nghệ, taxi) nhằm tránh sự phát hiện, bắt giữ của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, các trang mạng điện tử cũng bị tội phạm ma túy lợi dụng như một kênh thông tin để quảng cáo, giao dịch mua bán ma túy. Chúng thường giao bán các loại ma túy "núp bóng" pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng sử dụng như "nước vui", bánh cần, bánh lười "lazy cakes"chứa tinh dầu cần sa, thuốc lá điện tử, thuốc lá gói "Tabaco", thuốc lá điếu tẩm dung dịch chứa chất ma túy.

Khi bị phát hiện đối tượng khóa tài khoản, đánh sập trang và tạo tài khoản mới để tiếp tục hoạt động. Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc đấu tranh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, với quyết tâm không đi sau tội phạm, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến Công an các địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy hoạt động trên không gian mạng, chuyển từ "đời thực" lên "đời ảo", từ biện pháp thủ công, truyền thống sang công nghệ, hiện đại, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, không ngừng nâng cao năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và công nghệ.

6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã đấu tranh, bắt giữ 2.527 vụ, 4.813 đối tượng phạm tội về ma túy có liên quan đến không gian mạng, triệt xóa 11 điểm hoạt động về ma túy trên không gian mạng.

Hoàng Giang

}
Top