Nhiễm HIV làm tăng 38% nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19

08/06/2022 12:57

(Chinhphu.vn) - Các nhà nghiên cứu xác định rằng bệnh nhân nhiễm HIV khi bị mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn 38% so với những người không nhiễm HIV.

Nhiễm HIV làm tăng 38% nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân nhiễm HIV khi bị mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn 38% so với những người không nhiễm HIV

Theo một bài báo đăng trên tạp chí The Lancet, những người sống chung với HIV sẽ có nguy bệnh nặng và tử vong nếu nhiễm COVID-19 và phải nhập viện cao hơn so với những người không nhiễm HIV.

Các nhà nghiên cứu từ Thụy Sĩ đã sử dụng dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2021 để tìm hiểu liệu những người đã bị nhiễm HIV và mắc COVID-19 có bị tăng nguy cơ gặp các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong khi nhập viện, so với những bệnh nhân âm tính với HIV hay không. Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng, do bệnh nhân HIV có sẵn các vấn đề về hệ miễn dịch, nên họ có nguy cơ bị bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn.

Các tác giả đã xác định được 19.655 người sống chung với HIV và 180.524 người âm tính với HIV, là những bệnh nhân đã bị nhiễm COVID-19, theo dữ liệu được ghi nhận từ Ứng dụng Lâm sàng COVID-19 toàn cầu (Global COVID-19 Clinical Platform) của WHO trong thời gian nghiên cứu. Những bệnh nhân này đến từ 38 quốc gia. Đa số bệnh nhân nhiễm HIV sống ở châu Phi, với khoảng 2/3 là nữ, và độ tuổi trung bình là khoảng 45 tuổi. Các tác giả cũng cho biết, đa số những bệnh nhân nhiễm HIV đều đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ART).

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 93% bệnh nhân âm tính với HIV và 96% bệnh nhân HIV là các trường hợp nhiễm COVID-19 được xác nhận và phải nhập viện. Bệnh nhân nhiễm HIV đa số là nữ và dưới 45 tuổi, so với những người không nhiễm HIV. Các tác giả cũng quan sát thấy rằng những người nhiễm HIV thường mắc đồng thời ít nhất một bệnh nền, so với những người không nhiễm HIV. Tuy nhiên, họ cũng cho biết, những bệnh nhân âm tính với HIV thường bị các tình trạng như tăng huyết áp, rối loạn thần kinh, béo phì và tiểu đường hơn.

Đối với bệnh nhân HIV, các triệu chứng COVID-19 thường gặp nhất là ho, sốt và khó thở, theo nhóm nghiên cứu. Các tác giả cũng quan sát thấy rằng bệnh nhân HIV sử dụng corticosteroid và thuốc chống đông máu thường xuyên hơn so với những người không nhiễm HIV.

Các tác giả cho biết, gần 40% bệnh nhân HIV khi nhiễm COVID-19 phải nhập viện trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch; và 24% số bệnh nhân này đã tử vong. Những bệnh nhân nặng hoặc nguy kịch thường trên 45 tuổi, là nam giới và có nhiều khả năng bị tiểu đường, cao huyết áp, các khối u ác tính, bệnh tim và bệnh thận.

Các tác giả nghiên cứu cho biết bệnh hen suyễn, các bệnh mãn tính về tim, phổi và thần kinh, và việc đang hút thuốc không tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm đã nhiễm HIV và chưa nhiễm HIV, về mức độ nghiêm trọng của bệnh khi mắc COVID-19. Tuy nhiên, những bệnh nhân chết trong bệnh viện có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, lao, bệnh thận mãn tính, và các khối u ác tính cao hơn. Những bệnh nhân nhiễm HIV, và phải nhập viện do COVID-19 trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch cao, thường có nguy cơ tử vong cao hơn những người có diễn biến bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Sau khi xem xét tuổi, giới tính, mức độ nghiêm trọng của bệnh khi nhập viện và các bệnh lý nền khác, các nhà nghiên cứu xác định rằng bệnh nhân nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn 38% so với những người không nhiễm HIV. Ngoài ra, những người nhiễm HIV sẽ có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng hoặc nguy kịch cao hơn 15% so với những người âm tính với HIV, các tác giả cho biết thêm.

Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, những người nhiễm HIV có thời gian trung bình từ khi nhập viện đến khi tử vong ngắn hơn và triệu chứng bệnh nặng hơn, so với những người không nhiễm HIV. Nhưng đối với những người có biểu hiện nhẹ đến trung bình, thời gian từ khi nhập viện đến khi tử vong ở những người nhiễm HIV lại lâu hơn so với những người không nhiễm HIV.

Theo Contagion Live

}
Top