Nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc cho công tác cai nghiện
(Chinhphu.vn) - Hiện nay Bộ LĐTB&XH đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy - được coi là một "siêu Nghị định" khi gộp nội dung của 9 Nghị định liên quan, cùng với nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai thời gian qua.
Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH). Ảnh: Hoàng Giang |
Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 90 điều, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, phù hợp với điều kiện ngân sách, năng lực tổ chức thực hiện.
Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) xoay quanh những điểm mới trong dự thảo Nghị định này.
Được biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy được coi là một "siêu Nghị định" khi gộp nội dung của 9 Nghị định liên quan hiện nay về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Xin ông có thể cho biết rõ hơn?
Ông Trần Ngọc Túy: Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành 9 Nghị định (bao gồm cả Nghị định sửa đổi bổ sung), Bộ LĐTB&XH và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành hơn 20 văn bản hướng dẫn thi hành cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc triển khai hoạt động cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trong phạm vi toàn quốc.
Qua đó, đã thành lập 113 cơ sở cai nghiện ma túy (97 cơ sở công lập, 16 cơ sở ngoài công lập), 8.611 tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; đã tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định của tòa án gần 135.000 lượt người; tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy cho gần 80.000 lượt người (cơ sở cai nghiện ma túy công lập gần 55.000 lượt người, cơ sở ngoài công lập gần 25.000 lượt người), cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho gần 105.000 lượt người, quản lý sau cai nghiện ma túy cho gần 175.000 lượt người.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai, các văn bản đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc như việc tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng giao cho Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện là không phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều kiện hoạt động (cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ, nhân viên) của cơ sở cai nghiện bắt buộc nên ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng cai nghiện ma túy; chưa quy định đưa người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; các quy định về quản lý sau cai nghiện ma túy hiện hành không còn phù hợp; quy trình cai nghiện thực hiện không thống nhất ở các hình thức cai nghiện...
Từ những vấn đề trên, việc xây dựng Nghị định để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản công tác cai nghiện theo quy định của 2 luật mới được Quốc hội thông qua là Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14.
Việc xây dựng một Nghị định để thay thế 9 Nghị định với phạm vi điều chỉnh lớn, đồng thời phải hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn để không phải chờ ban hành nhiều thông tư giúp địa phương triển khai ngay khi Nghị định có hiệu lực nên có thể gọi đây là “siêu Nghị định”.
Dự thảo Nghị định bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc không ban hành nhiều Nghị định, giúp tiết kiệm kinh phí nghiên cứu, xây dựng đồng thời đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Công tác quản lý người nghiện và cai nghiện vốn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Vậy điểm mới mấu chốt của dự thảo lần này là gì để khắc phục những khó khăn, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Túy: Dự thảo Nghị định lần này có nhiều điểm mới như: Đề cao tinh thần tự nguyện của người nghiện ma túy khi hướng dẫn họ các thủ tục đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế với sự hỗ trợ của các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy và ngân sách nhà nước, trường hợp không tự nguyện thì cơ quan có thẩm quyền mới lập hồ sơ để đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc.
Đồng thời dự thảo Nghị định cũng quy định các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự để làm công tác cai nghiện ma túy, điều này làm tăng khả năng huy động xã hội hóa trong công tác cai nghiện ma túy và đủ điều kiện bảo đảm quản lý người nghiện ma túy khi tham gia cai nghiện ma túy.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trình tự, thủ tục, đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, đặc biệt là giảm thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, trong đó có quy định mới về trình tự, thủ tục, hồ sơ đưa đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc và quy định thống nhất về quy trình cai nghiện ma túy… từ những tháo gỡ trên sẽ khắc phục được những khó khăn trong quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.
Đơn cử như đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được khuyến khích đăng ký cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại các cơ sở cai nghiện. Trong trường hợp không đăng ký cai nghiện tự nguyện thì sẽ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Điều này thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, chăm lo của nhà nước, nhưng cũng là biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn đối với trẻ em nghiện, bảo đảm quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy.
Hay một điểm mới nữa, đó là trước đây việc tổ chức hoạt động cai nghiện tại gia đình cộng đồng thuộc thẩm quyền của UBND xã, cán bộ làm công tác cai nghiện không có chuyên môn, làm kiêm nhiệm và việc quản lý các đối tượng này rất khó khăn nên việc quản lý tại gia đình, cộng đồng cực kỳ khó trong tổ chức cai nghiện. Chính sách đối với người tham gia tổ chức hoạt động cai nghiện do kinh phí, nguồn lực hỗ trợ không đáng kể, nên việc tổ chức rất khó. Theo quy định mới giao cho chủ tịch UBND cấp huyện sẽ chỉ định một tổ chức dịch vụ cai nghiện, cơ sở y tế nào đó đủ điều kiện để tổ chức cai nghiện.
Vậy công tác quản lý sau cai nghiện được thực hiện như thế nào trong dự thảo Nghị định này, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Túy: Công tác quản lý sau cai nghiện cũng được được quy định cụ thể, rõ ràng trong dự thảo Nghị định từ lập hồ sơ, quyết định quản lý, chế độ quản lý và đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy và điều kiện bảo đảm cho việc quản lý sau cai nghiện ma túy. Những quy định này dự kiến sẽ giúp người sau cai nghiện được hỗ trợ từ cộng đồng nhiều hơn và dự phòng tái nghiện tốt hơn.
Trong quá trình xây dựng dự thảo, theo ông, nội dung nào nhận được nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan chức năng?
Ông Trần Ngọc Túy: Về cơ bản, dự thảo Nghị định đã kế thừa những mặt tích cực của các quy định hiện hành và khắc phục những khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy nên dự thảo đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình dự thảo cũng còn có ý kiến khác nhau.
Chẳng hạn như về tiêu chuẩn nhân sự đối với người phụ trách chuyên môn y tế, có ý kiến cho rằng nên áp dụng tiêu chuẩn bác sĩ chuyên khoa tâm thần của cơ sở khám, chữa bệnh quy định tại Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, cơ sở cai nghiện bắt buộc là đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, không phải là cơ sở khám, chữa bệnh nên việc áp dụng tiêu chuẩn bác sĩ như cơ sở khám chữa bệnh thành lập quy định tại Luật Khám chữa bệnh, Nghị định số 109/2016/NĐ-CP là chưa phù hợp.
Hiện chỉ có 45/97 cơ sở cai nghiện bắt buộc có bác sĩ, trong đó bác sĩ chuyên khoa tâm thần không đến 10%. Thực tiễn cho thấy, việc tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa tâm thần làm việc tại các cơ sở cai nghiện hiện nay hết sức khó khăn.
Do vậy, để bảo đảm nhân lực làm việc tại các cơ sở cai nghiện, Bộ LĐTB&XH đề nghị giữ nguyên như dự thảo Nghị định về tiêu chuẩn đối với người phụ trách chuyên môn y tế tại cơ sở cai nghiện bắt buộc là bác sĩ, được tập huấn về chuyên khoa tâm thần, điều trị cai nghiện ma túy để phù hợp với thực tiễn, khả thi khi triển khai thực hiện Nghị định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!