Nhiều hoạt động tích cực trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 -10/12/2022), ngành y tế và các địa phương sẽ đồng loạt triển khai nhiều hoạt động phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ cụ thể trong tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 sẽ tổ chức tại Bắc Ninh vào ngày 26/11.
Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khuyến khích các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022. Thời điểm tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cần được thực hiện trước hoặc trong ngày mở đầu Tháng hành động (ngày 10/11/2022).
Các cuộc mít tinh và diễu hành quần chúng nên được tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia. Ngoài Lễ mít tinh, có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như diễu hành hoặc quần chúng đi bộ, đạp xe, chạy, trưng bày, triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông và chiếu phim lưu động hoặc tổ chức các sự kiện tặng quà cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Ngoài mít tinh và diễu hành cấp tỉnh, thành phố, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm khuyến khích các tỉnh, thành phố, các bộ ngành chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức các cuộc mít tinh hoặc các sự kiện thích hợp tại các quận, huyện, xã, phường, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng người dân tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị và tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tổ chức các hội nghị, hội thảo. Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp.
Cụ thể các hội nghị, hội thảo tập trung phổ biến về các nội dung: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này.
Tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV; Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone: Lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tuân thủ điều trị cũng như việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP): Lợi ích sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ điều trị.
Điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV): Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị. Việt Nam đã là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao. Việt Nam cũng là số ít nước đã chuyển đổi thành công từ việc điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo sự bền vững không chỉ cho chương trình mà cả bệnh nhân tham gia điều trị.
Điều trị các bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV: Tỉ lệ nhiễm HIV đồng mắc các bệnh như lao, viêm gan virus , các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang được quan tâm hỗ trợ điều trị góp phần giảm tỷ lệ tử vong.
Các giải pháp vượt qua các thách thức trong đại dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục như: Các mô hình hay, các sáng kiến của hệ thống cung cấp dịch vụ; vai trò cộng đồng cũng như sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bao gồm cả các hướng dẫn và triển khai các hướng dẫn để khách hàng có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục tiếp tục, hiệu quả ở giai đoạn hậu COVID-19...
Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; không phát hiện = không lây truyền (K=K); điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.
Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả như: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên cộng đồng thực hiện; mô hình trong dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và chống kỳ thị phân biệt đối xử, do các tổ chức cộng đồng thực hiện; các gương điển hình mà người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao đã tham gia hoặc vươn lên làm chủ, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập và giúp nhau trong cuộc sống.
Bên cạnh việc tổ chức truyền thông đại chúng, ngành y tế và các địa phương cũng đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội. Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip...để vận động cả xã hội cùng chung tay phòng, chống HIV.
Thùy Chi