Nhiều người sau cai, mại dâm hoàn lương tại Hậu Giang được vay vốn

12/04/2019 10:50

Trong năm 2018, đã có 102 người sau cai nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương được dạy nghề và 22 người được tạo việc làm.

Theo thống kê, năm 2018, toàn tỉnh Hâu Giang có tổng số 1.038 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở địa phương, tăng 262 người so với năm 2017. Trong đó, hiện có 52 người đang đăng ký điều trị Methadone (số bệnh nhân uống thuốc hàng ngày là 35 người). Số người nghiện được quản lý đang có mặt tại cơ sở cai nghiện là 102 người. Bên cạnh đó, số người mại dâm hiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 98 người, số tiếp viên nữ đang làm việc trong các cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm là 553 người.

Năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức mời gọi thử test 595 người, kết quả có 290 người dương tính với ma túy. Triệt xóa 69 vụ về ma túy, bắt 75 đối tượng, tang vật thu được là 212,76 gram ma túy tổng hợp và 7,15 gram heroin. Triệt phá 5 vụ mại dâm tại thị xã Ngã Bảy, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 3 người, với số tiền là hơn 18 triệu đồng.

Với sự nỗ lực và quyết tâm của các địa phương năm 2018, UBND tỉnh đã công nhận 21 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Đối với những người nghiện ma túy, mại dâm hoàn lương đã có 102 người được dạy nghề và 22 người được tạo việc làm. Riêng ở thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, huyện Vị Thủy đã lập danh sách đề nghị hỗ trợ vay vốn cho 78 đối tượng hoàn lương, với số tiền hơn 2 tỉ đồng, trong đó, có 4 người đã được giải ngân vốn để mua bán nhỏ, cải thiện đời sống kinh tế. Được biết thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập được 3 điểm tư vấn hỗ trợ sau cai nghiện, các đội hoạt động xã hội tình nguyện, các câu lạc bộ phòng, chống mại dâm.

Trong năm 2019, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức phòng, chống ma túy, mại dâm bằng các hình thức, thời lượng và nội dung phù hợp tại 100% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy trên địa bàn Tỉnh.

Phấn đấu triệt xóa các điểm mua bán, sử dụng ma túy được phát hiện, không để hình thành và phát sinh điểm phức tạp về ma túy; triệt phá 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy được phát hiện.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng Đội công tác xã hội tình nguyện về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại các địa bàn trọng điểm.

Phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách phụ trách phòng, chống tệ nạn xã hội từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; duy trì, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của các Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, phường, thị trấn đã thành lập.

Bên cạnh đó, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như Chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm…; duy trì số xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Tổ chức vận động tham gia cai nghiện tự nguyện 30% số người nghiện có mặt tại địa phương áp dụng các hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định; quan tâm công tác đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Phấn đấu 30 - 50% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS; mua bán người vì mục đích mại dâm; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các câu lạc bộ, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

Công nhận từ 20 - 30% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên toàn tỉnh.

Đồng thời, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy thành lập được Tổ công tác cai nghiện và tổ chức cho người nghiện đăng ký các hình thức cai nghiện theo quy định.

Top