Nhiều thành tựu đáng tự hào và cơ hội kết thúc dịch AIDS

07/12/2020 18:12

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1990, tính đến nay, Việt Nam đã trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.

Những kim chỉ nam cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

Trước hết, chúng ta đã có cam kết chính trị rất mạnh mẽ, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cam kết chính trị đã được thể hiện bằng hàng loạt các văn bản chỉ đạo, văn bản pháp quy và các hướng dẫn chuyên môn được ban hành kịp thời và đồng bộ từ khi bắt đầu xuất hiện ca bệnh HIV/AIDS đầu tiên cho đến nay.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 10 vào ngày 16/11/2020 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, với các kỷ lục là Luật đầu tiên được xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp. Luật đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời cụ thể hóa một số chính sách phòng, chống HIV/AIDS trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những thành công.

Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, quốc hội, trong 30 năm qua, Chính phủ đã quan tâm ban hành 3 Nghị định về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn.

Gần đây nhất, tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, thể hiện sự cam kết rất mạnh mẽ, sự chỉ đạo, điều hành sát sao, đồng bộ của Chính phủ với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trên toàn quốc.

Thành tựu thứ 2 là, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng, phát triển, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao qua từng thời kỳ.

Ngay từ năm 1987, khi Việt Nam chưa phát hiện các trường hợp nhiễm HIV, nhưng tình hình dịch HIV/AIDS lan rộng trên thế giới, Bộ Y tế đã chủ động thành lập “Tiểu ban phòng chống SIDA” thuộc Uỷ ban phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn, với thành viên là đại diện các Vụ, Viện của Bộ Y tế, đặt viên gạch đầu tiên cho hệ thống phòng, chống AIDS.

Năm 1990, Việt Nam phát hiện trường hợp HIV đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh và dự báo về khả năng xâm nhập, lan rộng của dịch tại Việt Nam, Bộ Y tế đã thành lập “Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA” trực thuộc Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch.

Năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 694/TTg, thành lập “Uỷ ban Quốc gia phòng chống AIDS” trực thuộc Chính phủ do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 60, thành lập Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan phòng chống AIDS, tệ nạn ma tuý và mại dâm. Hiện tại, Ủy ban có 32 thành viên.

Giai đoạn 1990 đến 2005, dịch HIV ở nước ta gia tăng mạnh. Vào những 2005-2007 là đỉnh điểm của dịch, mỗi năm phát hiện tới trên 30.000 người nhiễm HIV và khoảng 8.000-10.000 người tử vong vì HIV/AIDS. Trước tình hình này, một yêu cầu cấp bách là phải có một cơ quan chuyên trách giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Với yêu cầu đó, năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432, thành lập số “Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam” thuộc Bộ Y tế. Việc thành lập Cục Phòng, chống HIV/AIDS là một quyết định kịp thời, minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm quyết tâm đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.

Tiếp sau đó, các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố cũng được thành lập. Với mạng lưới tổ chức này, công tác phòng, chống HIV/AIDS các cấp được triển khai rộng khắp, quyết liệt, toàn diện và hiệu quả cao. Và điều kỳ diệu đã đến, sau 3 năm thành lập hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, dịch HIV/AIDS đã bắt đầu được khống chế, số ca nhiễm mới bắt đầu đảo chiều, chững lại và đi xuống từ năm 2008 và liên tục giảm rất nhanh trong suốt hơn 10 năm qua. Nếu như năm 2007 phát hiện được trên 30.000 người nhiễm HIV thì đến nay, mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 10.000 trường hợp; số số ca tử vong cũng đã giảm từ khoảng 8.000 xuống còn 2-3.000 trường hợp mỗi năm.  

Thực hiện chủ trương của Đảng trong việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, năm 2015, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nội Vụ ban hành Thông tư liên tịch số 51. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, trong đó có Trung tâm phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, đã có 62/63 tỉnh thành phố thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS trước đây hiện thành Khoa Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Trung tâm kiể soát bệnh tật các tỉnh/thành.

Bên cạnh sự tham gia của hệ thống y tế và các cơ quan của Nhà nước, Việt Nam đã huy động được sự tham gia, nâng cao năng lực và phát huy hiệu quả các tổ chức xã hội trong triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Từ những năm đầu chỉ có một số ít các tổ chức phi chính phủ trong nước, đến những năm 2000 đã có vài chục tổ chức cùng với các nhóm tự lực, các tổ chức dựa vào cộng đồng. Hiện nay, có thêm sự tham gia của các mạng lưới cộng đồng của người có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam cũng đã chuyển đổi mô hình như thành lập các doanh nghiệp xã hội tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Nhiều chương trình, mô hình hay được triển khai hiệu quả

Thành tựu nổi bật thứ ba là Việt Nam đã triển khai đa dạng và hiệu quả các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV.

Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi được coi như một loại “vaccine” hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS. Công tác truyền thông trong 30 năm qua đã được quan tâm, liên tục được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức; chuyển truyền thông từ “hù dọa” trong những năm đầu sang truyền thông “giải thích”; huy động sự tham gia của các mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV và nhóm có hành vi nguy cơ vào các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ cho chính cộng đồng của họ.

Ngoài các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng, trong những năm gần đây truyền thông qua mạng xã hội đã được áp dụng phổ biến, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin nhanh chóng đến các đối tượng đích trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin.

Trong 30 năm qua, đã có sự thay đổi to lớn trong quan điểm và triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Giai đoạn đầu, việc phân phát bơm kim tiêm, bao cao su… không được pháp luật và xã hội chấp nhận. Từ năm 2005, Luật  Phòng, chống HIV/AIDS được ban hành (2006) và Nghị định số 108 (2007) và Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tăng cường, mở rộng các can thiệp giảm tác hại toàn diện. Can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV là một trong 4 chương trình trọng tâm của Chiến lược Quốc gia. Can thiệp giảm tác hại được coi là “quả đấm thép” trong phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay, việc cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su đã bao phủ hầu hết các tỉnh/thành phố, đã góp phần quan trọng trong việc làm giảm sự lan tràn của dịch HIV trong nhóm nguy cơ cao và trong cộng đồng.  

Tình hình nhiễm HIV ở Việt Nam tập trung chủ yếu vào các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nghiện chích ma túy. Vào những năm 2000, tỷ lệ nhiễm HIV ở  nhóm nghiện chích mà túy lên đến 30%, tức là cứ 10 người nghiện chích thì có đến 3 người nhiễm HIV.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Vào thời điểm đó, còn có nhiều quan điểm trái chiều về phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, năm 2008, điều trị Methadone đã được triển khai thí điểm tại TPHCM và TP Hải Phòng.

Với kết quả thành công tốt đẹp, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96 về Điều trị nghiện các chất dựng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Nghị định này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc mở rộng triển khai điều trị Methadone ra toàn quốc. Đến nay, tất cả 63 tỉnh/TP đã triển khai điều trị Methadone, với 340 cơ sở điều trị, hơn 200 cơ sở cấp phát thuốc tại xã phường, đang điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Điều trị Methadone đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, giúp người bệnh cải thiện kinh tế gia đình, xã hội, đồng thời góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Bên cạnh Methadone, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Buprenorphine cũng đang được triển khai thí điểm tại 6 tỉnh, mang lại cho người nghiện những lựa chọn mới trong điều trị thay thế. Những biện pháp can thiệp giảm hại toàn diện, tình hình nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy đã giảm từ 30% (năm 2000) xuống còn khoảng 10% trong những năm gần đây.

Những năm gần đây, thế giới đã phát hiện một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất hiệu quả, đó là “Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV”, gọi tắt là PrEP. Với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, Việt Nam đã bắt đầu triển khai thí điểm PrEP tại TPHCM từ năm 2017. Sau 4 năm, hiện nay PrEP đã được triển khai tại 27 tỉnh/thành, với hơn 13.000 khách hàng đã sử dụng dịch vụ, và 10.000 người hiện đang tiếp tục sử dụng dịch vụ này.

Với tình hình dịch HIV/AIDS đang gia tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), PrEP sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để phòng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao khác.

Thành tựu thứ tư là mở rộng và đa dạng các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV. Tư vấn xét nghiệm HIV được coi là một trong các biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS, giúp phát hiện người nhiễm HIV để từ đó tư vấn, hỗ trợ để họ tham gia điều trị ARV sớm, cải thiện sức khỏe, giám tử vong, đồng thời có các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm HIV cho người khác.

Để đẩy mạnh công tác xét nghiệm HIV, năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện” quy định về nội dung, tổ chức hoạt động và tiêu chuẩn của cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện. Năm 2019, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng”. Với các hướng dẫn này, các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV sàng lọc đã được đa dạng và mở rộng, gồm ở các cơ sở y tế (trên 1.300 cơ sở làm xét nghiệm HIV), ở cộng đồng, xét nghiệm lưu động và tự xét nghiệm HIV. Các cơ sở xét nghiệm HIV khẳng định cũng mở rộng không ngừng.

Trước đây, toàn quốc chỉ có 2 cơ sở có thể làm được xét nghiệm khẳng định HIV là Viện Viện sinh dịch tế Trung ương và Viện Pasteur TPHCM, thì đến nay toàn quốc đã có 170 cơ sở có thể làm xét nghiệm khẳng định trường hợp nhiễm HIV , ở tất cả 63 tỉnh/thành, trong đó có tuyến huyện ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Với mạng lưới ngày càng được mở rộng như vậy, hiện nay mỗi năm có khoảng 3 triệu mẫu xét nghiệm HIV được thực hiện, nhiều gấp 20 lần so với số xét nghiệm giai đoạn trước 2010, phát hiện được 8.000-10.000 người nhiễm HIV mỗi năm.

Chất lượng điều trị đạt hàng đầu thế giới

Thành tựu thứ năm điều trị HIV/AIDS liên tục được mở rộng, chất lượng điều trị đạt hàng đầu thế giới. Do nguồn lực hạn chế, trước năm 2000, người bệnh HIV/AIDS chủ yếu được tư vấn và chăm sóc tại cộng đồng. Năm 2000, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị nhiễm HIV/AIDS”, từ đó đến nay, hướng dẫn điều trị HIV/AIDS liên tục được Bộ Y tế cập nhật theo các khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới và các tài liệu có liên quan.

Điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS bắt đầu được triển khai tại Việt Nam từ năm 2002. Mạng lưới các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được thiết lập và mở rộng nhanh chóng, tăng độ bao phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận điều trị. Hiện tại, có 446 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc, 652 trạm y tế xã cấp phát thuốc ARV, ngoài ra còn có các cơ sở điều trị trong trại giam; trung tâm cai nghiện ma túy, cơ sở tôn giáo và một số phòng khám tư nhân.

Số lượng bệnh nhân được điều trị tăng nhanh qua các năm. Vào năm 2010, có 38.000 bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV, thì hiện nay đã tăng gấp 4 lần, lên trên 150 nghìn bệnh nhân đang được điều trị. Nhiều sáng kiến, mô hình mới trong điều trị HIV/AIDS cũng được Việt Nam triển khai kịp thời, như điều trị ARV trong ngày, cấp phát thuốc ARV nhiều tháng, mở rộng xét nghiệm tải lượng HIV để theo dõi chất lượng điều trị, điều trị đồng nhiễm HIV với lao, viêm gan C…

Về chất lượng điều trị, kết quả xét nghiệm tải lượng virus HIV cho thấy tỷ lệ bệnh nhân đang điều trị ARV có tải lượng Virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96% và dưới ngưỡng phát hiện đạt 94%. Với những tỷ lệ này, Việt Nam là 1 trong 4 nước (gồm Anh, Đức, Thụy Sĩ) có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng đầu thế giới.

Thành tựu thứ 6 dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là hoạt động rất hiệu quả và nhân văn. Trong những năm qua, các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng rãi toàn quốc, bao gồm các hoạt động: Xét nghiệm để phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV; điều trị dự phòng bằng thuốc; điều trị, theo dõi, chăm sóc cho cặp mẹ con sau khi sinh. Số cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV mẹ sang con tăng từ 107 năm 2006 lên 226 điểm năm 2016. Khoảng 50% số phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV hàng năm.

Nếu một người mẹ nhiễm HIV mang thai mà không áp dụng biện pháp dự phòng nào thì tỷ lệ lây truyền HIV sang cho con là khoảng 35%-40%. Trong những năm qua, tỷ lệ này liên tục giảm, từ khoảng 6% (trong số phụ nữ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con) năm 2012 xuống dưới 2% trong những năm gần đây. Năm 2019, trong số 630 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con thi chỉ có 11 cháu được xét nghiệm HIV dương tính, chiếm 1,7%. Đây là một kết quả quan trọng, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Trong những năm tới, nếu chúng ta tiếp tục mở rộng các hoạt động này thi hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”.

Thành tựu thứ 7, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao là Việt Nam đã có cơ chế tài chính đổi mới, bền vững cho phòng, chống HIV/AIDS. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, cả về tài chính và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật. Giai đoạn trước 2010, khoảng 80% kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS là dựa vào các nguồn viện trợ nước ngoài, phải kể đến các nhà tài trợ lớn như Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, Nhật Bản… thông qua các chương trình, dự án quốc tế như PEPFAR, Quỹ Toàn cầu phòng, chống Lao, Sốt rét và HIV/AIDS; các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc như UNAIDS, WHO, UNDP, UNICEF, UNODC, UNWOMEN, UNFPA; các tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức chính phủ như AHF, FHI360, PATH, ANRS, HAIVN,  Abt Associate, Chemonics, SCMS…

Trong những năm gần đây, các nguồn viện trợ bắt đầu cắt giảm. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1899/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020". Nhờ có Đề án này, các nguồn tài chính trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đã tăng lên nhanh chóng, gồm: NSNN phân bổ cho phòng, chống HIV/AIDS qua Chương trình mục tiêu; tất cả các địa phương đã phê duyệt đề án và phân bổ tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS; và đặc biệt là BHYT đã bắt đầu tham gia chi trả cho điều trị HIV/AIDS từ năm 2019. Với những nỗ lực này, tỷ lệ tài chính trong nước trong tổng chi cho PC HIV/AIDS đã tăng từ 27% (năm 2014) lên 57% năm 2020.

Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã đưa điều trị HIV/AIDS vào BHYT để thanh toán. Với nỗ lực rất lớn, tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 40% năm 2014 lên 91% năm 2019; và hiện nay đã có trên 60.000 bệnh nhân HIV/AIDS điều trị qua BHYT.

Cơ hội kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030

Với tất cả những nỗ lực nói trên, sau 30 năm ứng phó với đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Số nhiễm HIV, mắc AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong hơn 15 năm qua. Năm 2006-2007, mỗi năm phát hiện được trên 30.000 người nhiễm HIV thì hiện nay mỗi năm chỉ còn phát hiện được khoảng 8.000-10.000 người. Theo báo cáo của UNAIDS, Việt Nam là nước có tốc độ giảm HIV nhiễm mới nhanh nhất trong khu vực. Ước tính, số ca nhiễm mới HIV năm 2018 đã giảm 64% so với năm 2010.

Cũng theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã tránh cho khoảng 0,5 triệu người không bị nhiễm HIV và khoảng 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam đã kiểm soát được tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% như mục tiêu Chiến lược quốc gia đã đề ra.

Ngoài ra, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cũng đã giúp giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; góp phần đáng kể vào ổn định trật tự, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các địa phương và đất nước.

Mặc dù chúng ta đã đạt được những thành công rất đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, HIV/AIDS vẫn là vấn đề, sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trọng những nguyên nhân mắc bệnh tật và tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Ước tính, Việt Nam hiện có 230.000 người nhiễm HIV, đứng thứ 4 so với các nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, mỗi năm vẫn phát hiện thêm khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới, còn rất xa so với mục tiêu “Chấm dứt dịch bệnh AIDS” là dưới 1.000 trường hợp nhiễm HIV mới/năm. Các hành vi lây nhiễm HIV gần đây có những diến biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp, lây truyền HIV qua đường tình dục và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh. Ngoài ra, với tiến bộ trong điều trị HIV/AIDS, số người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị tiếp tục tăng cao.

Việc thay đổi tổ chức và nguồn nhân lực phòng chống HIV/AIDS cũng là thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sau khi sáp nhập vào CDC tuyến tỉnh, nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS có nhiều biến động, giảm về số lượng và chất lượng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng có nhiều ảnh hưởng. Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng, nhân viên tiếp cận cộng đồng, đồng đẳng viên... phụ thuộc nhiều vào các dự án viện trợ, tính bền vững chưa cao. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế, đặc biệt các cán bộ tham gia trực tiếp điều trị Methadone, điều trị ARV...

Bên cạnh đó, công tác phòng chống HIV/AIDS còn gặp cả thách thức về tài chính. Để đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS, cần tăng cường đầu tư cao hơn nữa cho phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tới, nhưng các nguồn tài chính đều có hạn. Kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS hiện vẫn dựa nhiều vào các nguồn viện trợ quốc tế. Nguồn kinh phí viện trợ đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước (NSNN, BHYT) chưa kịp bù đắp. BHYT đã hỗ trợ chi trả phần điều trị, nhưng các hoạt động khác như tư vấn xét nghiệm, truyền thông, can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch... cần có nguồn và cơ chế tài chính bền vững.

Mặc dù có những khó nhăn như vậy, nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ hội để chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Mục tiêu to lớn này đã được Ban Chấp hành TW Đảng đưa ra tại Nghị quyết 20 (năm 2017) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Quốc hội cũng mới thông qua Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thực hiện Mục tiêu này. Ngày 14/8/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1246/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Trong 10 năm tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược Quốc gia cũng đã đưa ra 18 chỉ tiêu cần đạt và 11 nhóm giải pháp cần triển khai thực hiện, trong đó bao gồm một số nội dung quan trọng: Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ tầm quan trọng của PC HIV/AIDS và mục tiêu Chấm dứt dịch bệnh AIDS mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra. Cần tăng cường quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và đầu tư thỏa đáng để thực hiện được mục tiêu này.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng các hoạt động chuyên môn có hiệu quả, bao gồm: Triển khai rộng rãi các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; mở rộng và đang dạng hóa các hình thức xét nghiệm, phát hiện HIV; mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.

Cần có các giải pháp, chính sách tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, theo Quyết định 1246 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2021, tất cả các tỉnh, thành phố cần phê duyệt Đề án hoặc Kế hoạch đảm bảo tài chính để thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại địa phương mình, đồng thời phân bổ kinh phí hàng năm theo kế hoạch được duyệt. BHYT tiếp tục tham gia chi trả cho điều trị HIV/AIDS theo quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhìn lại chặng đường 30 năm ứng phó với HIV/AIDS tại Việt Nam, chúng ta rất tự hào về những thành tích đã đạt được. Tuy nhiên để có thể kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, tất cả chúng ta hãy cùng chung tay, cùng đồng lòng, như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
}
Top