Nhìn lại 2 năm quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định

11/08/2017 15:01

Trước những khó khăn trong việc đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành những Nghị quyết để tháo gỡ tính trạng này.

Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 131 Luật XLVPHC). Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện cho thấy, quy định này không có tính khả thi, vì ở thời điểm hiện tại, các tổ chức xã hội không thể đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, con người... để thực hiện việc quản lý những người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc, bất cập lớn trong quá trình triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, dẫn đến tình trạng nhiều người nghiện lang thang ngoài xã hội, công khai hút chích, gây bất an trong cộng đồng dân cư.

Khó khăn trong thi hành Luật đã khiến một số địa phương như TPHCM xảy ra tình trạng người nghiện công khai hút chích ở khu dân cư. Ảnh internet

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, ngày 10/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 77/2014/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, trong đó giao Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận để quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để TAND xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thi hành Nghị quyết số 77/2014/QH13, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới, trong đó có hướng dẫn việc thành lập Cơ sở xã hội để tiếp nhận người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào có cơ sở cai nghiện bắt buộc và giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế của địa phương quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của cơ sở này.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản thành lập Cơ sở xã hội; ban hành quy chế hoạt động của Cơ sở xã hội để tiếp nhận, quản lý, căt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Kết quả sau 2 năm thực hiện, đến nay có 27/63 tỉnh, thành phố thành lập cơ sở xã hội hoặc phân khu triêng trong Cơ cai nghiện để tiếp nhận, quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Các cơ sở đã tiếp nhận, quản lý 18.512 người vào cơ sở xã hội, trong đó: 5.191 người sau khi vào cơ sở đã xác định được nơi cư trú ổn định và đã đưa họ về địa phương để lập hồ sơ quản lý, giáo dục theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, 316 người không xác định được tình trạng nghiện cũng đã được trả về địa phương; 10.422 người được Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hiện đang quản lý tại cơ sở xã hội là 2.583 người.

Qua đó tình trạng người nghiện ma túy hút chích công khai tại nơi công cộng cơ bản được giải quyết, nhất là các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… được người dân đồng tình ủng hộ.

}
Top